Bố mẹ đừng ngần ngại nói cho trẻ 10 sự thật dưới đây vào những tình huống phù hợp để con tránh được những sai lầm trong cuộc đời.
1. “Con à, không phải tất cả mọi người đều yêu quý ta!”
Từ khi ra đời cho tới lúc trưởng thành, con trẻ sẽ tiếp xúc với đủ mọi kiểu người trong cuộc sống.
Trên thực tế, mỗi cá nhân đều có sở thích và những quan điểm sống không giống nhau, hơn nữa tính cách cũng có nhiều khác biệt.
Có người sẽ vì tướng mạo, ngoại hình mà không thích chúng ta. Cũng có người vì thành tích, cách sống mà tỏ ra bài xích ta. Lại có người vì những bất đồng về sở thích mà xa lánh ta.
Các bậc cha mẹ cần giúp con cái nhận thức rõ sự thật là không phải không có ai được lòng tất cả mọi người, cũng không có quy định nào bắt buộc mọi người phải yêu quý một ai đó.
Sự yêu – ghét của mỗi người đối với một cá nhân đều là điều hết sức bình thường. Con trẻ không nên vì thái độ của người khác đối với mình mà đánh mất bản thân.
2. “Con à, đừng tiếc ai một lời cảm ơn chân thành!”
Bất kỳ một người nào bên cạnh chúng ta, bao gồm cả bố mẹ, đều không có nghĩa vụ phải giúp đỡ, bao bọc hay tha thứ cho ta. Vì vậy, sự bang trợ, chở che và bao dung từ họ đều xuất phát từ tình yêu thương và lòng tự nguyện.
Do đó, khi nhận được sự giúp đỡ từ người thân hay người ngoài, con trẻ phải có thái độ biết ơn và dành lời cảm ơn chân thành đối với họ.
Ở vào thời điểm nhận được sự giúp đỡ của người khác, dành cho họ một lời cảm ơn chân thành là việc không thể bỏ qua. Một người không biết nói hai từ “cảm ơn” thì không xứng đáng nhận được sự giúp đỡ tới lần thứ hai.
Ngược lại, khi người khác không giúp đỡ, con trẻ cũng không nên mang lòng oán hận. Hãy nghĩ tích cực bằng cách tin rằng họ đã cố sức giúp ta, nhưng vì một lý do nào đó mà không thể thực hiện.
3. “Con à, học không phải cho bố mẹ!”
Tại sao phụ huynh luôn thúc giục, đôn đốc việc học của con cái? Tại sao họ phải bỏ ra quãng thời gian nghỉ ngơi quý giá của mình để kèm cặp con trẻ học bài? Tại sao họ phải dành ra những đồng tiền kiếm bằng mồ hôi nước mắt để cho con mình đi học ở nơi tốt?
Bởi các bậc làm cha, làm mẹ hiểu rõ hơn ai hết, chỉ khi học hành chỉn chu, cẩn thận, con cái của mình mới có thể phân biệt đúng sai, mới đủ khả năng nhìn rõ thị phi cuộc đời. Chỉ khi đó, con mới không bị người xấu che mắt, cũng không bị người nông cạn làm ảnh hưởng.
Bằng việc học tập chăm chỉ, các con mới có tư cách lựa chọn công việc mình yêu thích chứ không phải bán công sức vì đồng tiền.
Bằng việc học tập nghiêm túc, các con mới có quyền xây dựng ước mơ của mình chứ không phải đi xây ước mơ của người khác.
Bằng việc nỗ lực học tập, các con mới không rơi vào cảnh “áo cơm ghì sát đất”, mới không vì miếng cơm manh áo mà để mình khổ sở cả đời.
Vì vậy, phụ huynh nên giúp con trẻ ghi lòng tạc dạ một điều rằng: “Học là việc tốt cho tương lai của con chứ không phải vì bố mẹ!”
4. “Con à, sinh mệnh là vô cùng đáng quý!”
Ở vào những năm tháng còn non trẻ, liệu có mấy ai trong số chúng ta ý thức được tầm quan trọng của sinh mệnh.
Chỉ tới khi ta nhìn thấy cha mẹ tóc đã bạc, lưng đã còng, còn bản thân mình thì ngày một yếu đi, thậm chí bạn bè đã có người “ra đi trước”, ta mới thấm được sự phũ phàng của chuyện sinh tử.
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, các bậc cha mẹ nên dạy cho con cái hiểu được tầm quan trọng của tính mạng.
Các con nên hiểu rằng, việc nhìn bạn bè đồng trang lứa của mình lần lượt qua đời là cảm giác khiến người ta hoảng sợ biết bao nhiêu.
Các con cũng phải hiểu rằng, việc nhìn những người ruột thịt già đi từng ngày là việc xót xa biết nhường nào.
Và các con càng phải hiểu rằng, chuyện bi thương nhất trên thế gian này chính là cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Cho nên, ở vào những thời điểm bất lực khôn cùng, đau khổ khôn cùng, ta nhất định phải kiên cường mà sống tiếp. Bởi không ai trong số chúng ta có quyền được buông bỏ sinh mệnh mà cha mẹ đã ban cho mình.
5. “Con à, hãy về thăm gia đình nhiều một chút!”
Có lẽ trong lòng của mỗi bậc cha mẹ đều tồn tại một mối mâu thuẫn, đó là vừa muốn con cái mau trưởng thành để tung cánh bay xa, nhưng cũng vừa muốn bảo vệ con trong vòng tay của mình cả đời.
Theo năm tháng, mâu thuẫn ấy sẽ ngày càng lớn dần trong lòng cha mẹ. Khi đã bước sang cái tuổi “gần đất xa trời”, mâu thuẫn này sẽ biến thành khát khao được gần gũi con cháu.
Cho nên, bất luận sau này dù bận bịu ra sao, những người làm con hãy chịu khó dành thời gian về thăm cha mẹ. Bởi lẽ, chỉ cần được con nấu cho một bữa cơm, nằm ngủ chung trên một chiếc giường, trò chuyện vui vẻ dưới một mái nhà, cũng đủ để khiến cho cha mẹ chúng ta vui sướng và hạnh phúc vô cùng.
6. “Con à, tình yêu kỳ thực không vĩ đại như con hằng tưởng tượng!”
Tình yêu là sự hy sinh từ hai phía để cùng nhau thấu cảm, cùng nhau giúp đỡ, cùng nhau chăm sóc trong cuộc sống thường ngày và cùng nhau vun đắp tương lai.
Nhưng ở cái tuổi mười mấy hai mươi, ngay tới việc con trẻ tự lo cho bản thân vẫn còn khó khăn, thì sao có đủ khả năng để mang tới hạnh phúc vẹn tròn cho người khác?
Cho nên, cha mẹ nên dùng những kinh nghiệm quý báu của đời mình để giúp con cái biết rằng, tình yêu là thứ quý giá nên được gìn giữ và tạo lập chỉ khi con đã thực sự trưởng thành.
7. “Con à, cuộc sống này vốn dĩ không công bằng!”
Dù không ai mong muốn, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng bất công là điều tồn tại hằng ngày trong xã hôi.
Vì thế, ta không nên bận lòng vì những bất công đã quá hiển nhiên, mà cần cố gắng để bản thân mình ngày một trở nên tốt hơn.
Phụ huynh nên giúp con trẻ biết rằng, nhà chúng ta có thể kém hơn so với nhà hàng xóm, nhưng con không cần vì điều này mà xấu hổ. Bởi mọi thứ trong nhà đều do bố mẹ tự gây dựng, cho nên không có gì phải mất mặt.
Ngược lại, con cũng nên hiểu hằng, ngay cả khi nhà ta có điều kiện tốt hơn so với nhà người khác, con cũng tuyệt đối không được kiêu ngạo. Bởi mọi thứ trong nhà đều do bố mẹ vất vả tích cóp mới có được, còn con thì chưa đóng góp được gì nhiều trong đó.
Nên nhớ, nếu hoàn cảnh xuất thân đã không tốt mà lại luôn oán tránh xã hội bất công, thiên hạ sẽ tìm mọi cách để đẩy ta vào chỗ càng bất công hơn nữa.
Còn nếu chỉ vì sở hữu xuất thân tốt mà sinh lòng kiêu căng, chỉ sợ có một ngày, ta sẽ phải làm cấp dưới cho những người trước đây mình đã từng khinh nhờn.
8. “Con à, bất cứ lúc nào cũng phải giữ mình thật tốt!”
Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta đều không nên buông thả bản thân mình, bất luận là về tinh thần hay về thân thể.
Ngay từ khi còn nhỏ, con trẻ cần được các bậc phụ huynh giáo dục nghiêm túc về việc xây dựng “ranh giới cuối cùng” cho bản thân một cách vững chắc.
Hãy giúp các con hiểu rằng, có một số thói quen dù ham muốn đến đâu cũng đừng bao giờ thử. Đó là uống rượu, hút thuốc, dùng ma túy, tình một đêm…
Đặc biệt, đối với con gái, việc giữ mình càng thêm quan trọng. Bởi chỉ một lần buông thả cũng có thể đổi lấy cả một đời bất hạnh.
9. “Con à, tiền bạc dù cần thiết, nhưng vẫn có những thứ còn quan trọng hơn!”
Trong cuộc sống của chúng ta, tiền bạc là thứ vô cùng trọng yếu. Thiếu đi vật chất đồng nghĩa với việc bị cái nghèo đeo bám, bị người khác coi thường, bị thiên hạ bạc đãi.
Nhưng những đồng tiền được kiếm ra từ con đường phi pháp, dù nhiều tới đâu cũng chỉ là thứ đáng để vứt đi.
Bậc làm cha, làm mẹ hãy giúp con trẻ “khắc cốt ghi tâm” một điều: Tiền bạc là thứ để phục vụ cuộc sống, đừng bao giờ bán đi danh dự, nhân phẩm và đạo đức để làm nô lệ cho đồng tiền.
10. “Con à, mọi việc nên tự dựa vào chính mình!”
Dựa vào núi, núi có ngày sẽ đổ, dựa vào người, người có ngày sẽ đi. Suy cho cùng, chỉ có chính bản thân ta mới đủ tin tưởng để làm chỗ dựa lâu dài.
Con trẻ nên hiểu rằng, sự thực là có rất ít người tình nguyện giúp chúng ta mà không toan tính vụ lợi điều chi.
Cha mẹ ta rồi cũng sẽ già đi, không thể giúp đỡ ta cả đời. Anh chị em ruột rồi cũng sẽ có gia đình và phải lo toan cho cuộc sống riêng của họ. Ngay tới con cái của chúng ta rồi cũng sẽ sớm rời khỏi gia đình để lập nghiệp, lập thân, lập thất.
Vì thế, sống là phải có niềm yêu thích, phải có thân thể khỏe mạnh thì mới có thể tự dựa vào mình mà an lạc tới cuối đời.