Trong thôn nọ có một thanh niên trẻ khá ưu tú. Tuy nhiên, cậu ta có một nhược điểm chết người, đó là: Thường xuyên ăn nói bỗ bã, thiếu suy nghĩ khi giao tiếp với tất cả mọi người.
Bố mẹ và bạn bè của cậu ta đều khuyên bảo, nhưng cậu ta toàn chống chế: “Có vấn đề gì to tát đâu, chỉ là vài câu nói, đâu có đáng để quan tâm đến vậy!”
Và cậu ta vẫn cứ làm theo ý mình, theo thói quen không có định sửa đổi của mình.
Có một lần, trong thôn xuất hiện một thiền sư. Chàng thanh niên này đã nói một câu thiếu tôn kính với vị thiền sự đó.
Người khác thấy vậy liền phê bình nhưng cậu ta liền “phản pháo” một mạch, không để ai nói chen vào: “Chẳng qua chỉ là vài câu nói, tôi xin lỗi ông ta là được chứ gì?”
Thiền sư mỉm cười nhìn chàng trai trẻ, nói: “Ta kể cho cậu nghe một câu chuyện nhé!”
Những người xung quanh đổ dồn lại chỗ hai người, chuẩn bị lắng nghe câu chuyện sắp được kể.
Ngừng một vài giây, thiền sư bắt đầu câu chuyện của mình:
Có một người đàn ông nọ nuôi một con gấu ngựa mà anh ta nhặt được từ trong núi từ khi nó còn nhỏ. Một hôm, con gấu ngựa này giẫm nát ruộng ngô của nhà hàng xóm. Người hàng xóm liền đến tận nhà gọi cửa.
Anh ta giận lắm, liền cầm cây gậy đánh tới tấp lên người con vật, vừa đánh vừa mắng: Súc sinh thì mãi mãi vẫn là súc sinh, tao nuôi mày hoài công rồi. Đánh xong, anh đuổi con gấu ngựa ra khỏi nhà.
Ngày hôm sau, anh ta bắt đầu cảm thấy hối hận nhưng con gấu đã đi vào núi.
Mặc dù những ngày sau đó, anh ta cảm thấy vô cùng hối hận nhưng không thể nào tìm lại được con gấu ngựa mà mình đã nuôi.
Một lần vào núi đi săn, người đàn ông này chạm trán với một con hổ. Đứng trước một con thú dữ dằn, anh ta nhắm chặt mắt phó mặc tính mạng cho số phận.
Đột nhiên, anh ta nghe thấy một tiếng động mạnh, vội mở mắt nhìn, anh ta thấy con gấu ngựa đang ở trước mặt mình. Thì ra nó đã đuổi con hổ đi.
Người đàn ông mừng rỡ, chay lên trước vuốt ve ôm ấp con gấu ngựa và nói: “Tốt quá rồi, lần trước tao đánh mày, mày có đau không? Mày theo tao về nhà nhé!”
Gấu ngựa đáp: “Tôi đã hết đau từ lâu rồi, nhưng những lời ông nói vẫn khiến tôi cảm thấy đau, rất đau.”
Nói xong, con vật bỏ vào núi, thậm chí không quay đầu lại lần một lần.
Thiền sư kể xong câu chuyện, mọi người đều gật đầu thừa nhận, lời nói quả thực có thể gây tổn thương cho người khác vô cùng ghê gớm, chỉ có chàng trai kia vẫn chẳng cảm thấy gì.
Thiền sư liền rút trong túi ra vài cái đinh cho cậu ta và nói: “Cậu đem những cái đinh này đóng vào thân cây giúp tôi.”
Chàng trai trẻ làm theo lời của thiền sư. Khi cậu ta vừa quay lại, thiền sư liền nói: “Cậu nhổ những cái đinh đó ra khỏi thân cây giúp tôi.”
Chàng trai trẻ không nói gì, lặng lẽ làm theo. Nhưng phải mất rất nhiều công sức, dùng đủ các dụng cụ, cậu ta mới có thể nhổ được một chiếc đinh ra khỏi thân cây.
Lúc này, thiền sư mới đến gần cậu ta, dùng tay chỉ lên vết tích mà chiếc đinh vừa được nhổ ra để lại: “Cậu quan sát xem, trên thân cây có phải đã lưu lại một vết tích rất sâu không?
Giống như con gấu ngựa trong câu chuyện ta vừa kể vậy, mặc dù sự đau đớn do bị gậy đánh lên cơ thể đã sớm tiêu tan nhưng tổn thương mà những lời nói của người đàn ông đã gây ra cho nó thì cả đời khó có thể biến mất.”
Thiền sư nhìn người thanh niên rồi nói tiếp: “Những lời nói làm tổn thương người khác giống như những chiếc đinh kia vậy, dù cậu có thể nhổ đinh ra nhưng tổn thương mà cậu để lại trong lòng họ cũng giống như những chiếc đinh để lại dấu tích trên thân cây vậy, chẳng bao giờ mất đi.”
Nghe đến đây, chàng trai trẻ mới ngộ ra nhiều điều: “Cuối cùng thì tôi đã hiểu những lời nói thiếu suy nghĩ có thể làm tổn thương người khác sâu sắc như vậy, cảm ơn đại sư đã chỉ giáo.”
Vị thiền sự gật đầu rồi rời đi.
Lời bình
Trên đời này, thứ có thể gây tổn thương cho người khác ghê gớm nhất gói gọn trong 2 chữ LỜI NÓI.
Khi chúng ta nói những lời lẽ thiếu chín chắn, không suy trước nghĩ sau với người xung quanh, nó sẽ giống như việc ta đóng đinh vào lòng người khác vậy. Tổn thương này sẽ mãi mãi chẳng có cách nào bù đắp.
Vì thế, mỗi chúng ta, ai cũng đều nên chú ý đến lời ăn tiếng nói của mình để tránh làm tổn thương đến người khác.
Các cụ ta đã dạy, rằng lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Từ bao đời nay, câu nói này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ lỗi thời!
(tt)