Đã bao giờ tự hỏi, cuộc đời chúng ta tạo thành từ những yếu tố nào chưa? Tại sao bạn lại sinh ra, tại sao bạn lại gặp người ấy vào hoàn cảnh đó, tại sao chúng ta nên duyên vợ chồng với người này không phải người kia?… Cuộc đời con người luôn có bàn tay vô hình chi phối, đó không chỉ là một yếu tố mà có tới 3 yếu tố mạnh mẽ dưới đây.
Thứ nhất là số mệnh
Con người sinh ra trên thế giới này mỗi người có một số mệnh khác nhau. Con người bị số mệnh chi phối hoặc thúc đẩy mà không hề biết nó là cái gì. Có lẽ cũng có người có ý kiến khác nhưng tôi thì cho rằng số mệnh là có thật, một sự thật hiển nhiên. “Một cái gì đó lớn lao” mà ý chí, sự tư duy của con người không thể chạm tới, chắc chắn đang chi phối đời sống. Nó bất chấp hỉ, ố, ái, nộ của chúng ta, chảy xuyên suốt cả cuộc đời, không ngừng không nghỉ như một dòng sông lớn đưa chúng ta ra biển cả.
Phải chăng con người bất lực trước số mệnh? Tôi không cho là vậy. Bởi vì còn có một bàn tay vô hình nữa.
Thứ hai là luật nhân quả báo ứng
Tức là, nếu chúng ta làm điều tốt sẽ cho kết quả tốt, nếu làm điều xấu sẽ cho kết quả xấu. Nhân thiện thì sinh quả thiện, nhân ác thì sinh quả ác – đó là quy luật giản dị, rõ ràng, ràng buộc trực tiếp nguyên nhân và kết quả. Mọi việc xảy ra đối với chúng ta đều có nguyên nhân. Nó chính là suy nghĩ và hành động của chúng ta. Tất cả những hành động, suy nghĩ đó trở thành “Nhân” để rồi sinh ra “Quả”. Hiện tại, bạn đang nghĩ về một điều gì đó, làm một việc gì đó thì tất cả những suy nghĩ và việc làm của bạn sẽ trở thành nguyên nhân nhất định dẫn tới một kết quả. Và rồi việc ứng phó với kết quả đó lại trở thành nguyên nhân dẫn tới các kết quả tiếp theo.
Vòng tuần hoàn vô hạn của luật nhân quả này chi phối cuộc đời chúng ta. Tôi đã từng nói rằng: “Điều gì mà tâm không muốn thì nó sẽ không đến”, hay nói cách khác cuộc đời sẽ trở thành đúng như những gì mà ta đã vẽ ra trước đó. Điều này cũng dựa trên luật nhân quả báo ứng. Bởi vì những điều mà chúng ta đã nghĩ, chúng ta đã làm sẽ trở thành nguyên nhân đưa tới hiện thực tương ứng. Từ đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mài giũa nhân cách, nâng cao tâm hồn, theo luật nhân quả này thì tâm thiện đã được gọt giũa chắc chắn trở thành nguyên nhân dẫn tới cuộc đời thiện.
Thứ ba là lòng tham
Một vị thiền sư đi ngao du thiên hạ, khi đến một vùng núi nọ thì bị ốm nặng. Ông được một bà goá là chủ quán trà cứu và đưa về nhà chăm sóc. Mặc dù không biết tung tích vị thiền sư, quán nghèo thưa thớt khách, không có tiền nhưng người phụ nữ vẫn tận tình chăm sóc và cứu chữa cho ông.
Hơn 3 tháng ròng vị thiền sư mới bình phục. Cảm động ân tình của bà chủ quán, vị thiền sư trước khi rời đi dành một tuần liền để đào một cái giếng cạnh quán cho bà goá tiện dùng nước, không phải ra tận suối gánh nữa. Không ngờ, từ khi dùng nước giếng mà vị thiền sư đã đào để pha trà bán, trà của bà goá có mùi thơm thật đặc biệt và vị của trà cũng rất ngon. Ai uống một lần cũng phải quay lại. Tiếng lành đồn xa, quán trà của bà goá khách đến đông nườm nượp. Người đàn bà goá trở nên giàu có từ đó.
Ít lâu sau, vị thiền sư có dịp ghé qua quán để thăm lại ân nhân của mình, thấy cơ ngơi khang trang, vị thiền sư rất mừng cho bà goá. Khi hỏi về giếng nước, bà goá than phiền với thiền sư: “Giếng nước này tốt lắm, có điều nước cạn liên tục, vài ngày mới lại đầy nên tôi chẳng bao giờ đủ để bán cho khách”. Vị thiền sư nghe xong lắc đầu, nói: “Không tốn kém gì cả, từ nguồn nước trời cho rồi kiếm ra nhiều tiền mà bà vẫn không thấy hài lòng ư?”.
Ông viết lên tường một câu: “Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!” rồi lẳng lặng quay đi, không bao giờ quay trở lại quán nữa. Giếng nước từ ấy cũng cạn dần.
Chúng ta phần lớn giống như bà goá kia, không bao giờ hài lòng với cái mình có mà thường đứng núi này trông núi nọ. Chúng ta thường hay so sánh, hay mong ước viển vông mà quên vui hưởng hiện tại của mình.