Chuyển tới nội dung

Thái tử Thiện Sự cùng em trai Ác Sự ra biển tìm châu báu và câu chuyện về viên ngọc Chiên Đà Ma Ni chỉ phát huy công năng trong tay người thiện lương

  • bởi

Cuối cùng Vua và hoàng hậu cũng đồng ý cho Thiện Sư ra biển tìm châu báu , bèn vội sai người chuẩn bị các thức ăn ngon đem đến cho thái tử, đồng thời viết bảng cáo thị: “Thái tử Thiện Sự chuẩn ra biển tìm châu báu, ai muốn đi thì theo cùng”. Trong nước có năm trăm thương nhân đồng ý theo thái tử. Có một cụ già mù loà, xưa kia từng nhiều lần làm hướng đạo cho thuyền bè ra biển. Thái tử đích thân đến nhà ông, mời ông đi cùng. Ông nói:

– Thần tuổi đã cao, mắt lại mù. Tuy rất muốn theo thái tử đi biển, nhưng sức khoẻ không cho phép. Thêm nữa, vua và hoàng hậu cưng yêu thái tử, không thể xa lìa, nếu nghe nói thần đưa ngài đi biển, nhất định sẽ trách tội thần.

Thái tử thấy ông sợ phụ vương bèn trở về hoàng cung thưa với cha rằng:

– Có một ông già tuy mù nhưng thông hiểu việc đi biển, xin phụ vương ra lệnh cho ông ấy đi với con.

Nhà vua đành phải đến nhà ông lão nói:

– Con ta quyết tâm muốn đi biển tìm châu báu về bố thí cho dân chúng, khuyên thế nào cũng không nghe nên ta đành phải đồng ý. Tuổi thái tử còn nhỏ, chưa từng chịu khổ. Nghe nói ông có nhiều kinh nghiệm đi biển, mong rằng ông chịu cực theo thái tử đi một chuyến.

Nghe vua nói như vậy, ông già khó chối từ, nói:

– Thần nay đã già, mắt lại mù loà, e rằng không giúp được bao nhiêu. Nay quốc vương đã ra lệnh, thần xin được tuân theo.

Thế là nhà vua, thái tử và ông già cùng nhau bàn ngày xuất phát. Trở về hoàng cung, nhà vua bàn luận với các quan đại thần:

– Ai có lòng đi với thái tử ra biển? Nếu các quan thật sự yêu kính ta thì nên chia sớt nỗi lo với ta.

Nghe vua nói, thái tử Ác Sự liền bước ra thưa rằng:

– Muôn tâu phụ vương, con muốn cùng với anh đi biển.

Nhà vua nghe thế vô cùng vui mừng, nghĩ rằng: “Anh em cùng đi, gặp khó khăn nguy hiểm, sẽ cùng giúp đỡ nhau chắc hay hơn” nên đồng ý nhận lời.

Đến ngày xuất phát, vua, hoàng hậu, bá quan văn võ, bá tánh cùng nhau đưa tiễn. Thái tử Thiện Sự cùng với mọi người đi vài ngày thì đến bên bờ biển. Thái tử lấy ra ba nghìn đồng vàng mua sắm thuyền bè, lương thực và các thứ cần dùng, đợi gió lên thì xuất phát.
Qua vài ngày gió nổi lên, thái tử cột thuyền bằng bảy sợi dây chắc chắn, lắc chuông, chiêu tập mọi người nói:

– Mọi người hãy lắng nghe, đi biển nhiều nguy hiểm, có đủ các thứ rồng hung ác, ma quỷ, cuồng phong gió lớn, cá Ma Kiệt… Những người đi biển tìm ngọc, đi nhiều về ít. Nay thuyền chưa đi, các ngươi đi với ta đến đây, ai muốn về thì cứ ở lại, còn ai vững lòng bền chí, không sợ chết thì cùng đi với ta ra biển. Đương nhiên, nếu lần này chúng ta thành công, tìm được nhiều châu báu, an toàn trở về, thì tiền của kiếm được con cháu đời đời ăn không hết.

Nói xong chặt đứt một sợi dây, cứ như thế mỗi ngày tuyên bố một lần cắt một sợi, bảy ngày cắt hết bảy sợi. Sau đó thái tử ra lệnh khởi hành, thuyền thuận buồm xuôi gió tiến ra biển cả. Trên đường đi, thuyền đến một đảo nhỏ, chỉ thấy trên đảo đầy các thứ châu báu ngọc ngà, mọi người mừng rỡ vô hạn. Thái tử là người học rộng hiểu nhiều, biết rõ các thứ châu ngọc nên chỉ cho mọi người biết loại tốt nhất, có giá trị nhất, thứ nào nặng, thứ nào nhẹ, khiến mọi người lựa được thứ vừa ý. Thiện Sự còn dặn dò mọi người phải lấy vừa đủ, đừng tham nhiều thuyền nặng dễ bị đắm, còn nếu lấy ít thì uổng công ta đến đây. Sắp xếp xong thái tử từ biệt mọi người, chèo một chiếc thuyền nhỏ cùng với ông già tiếp tục ra đi. Thiện Sự và ông già chèo thuyền nhỏ vượt qua sóng to gió lớn, đi được vài ngày, ông già nói:

– Thái tử, thuyền đã đến đây, trước mặt có một ngọn núi màu trắng, ngài có thấy chăng?

Thái tử nói:

– Đúng vậy, phía trước có một ngọn núi màu trắng.
– Đó là núi bạc.
Thuyền đi được vài ngày ông già lại nói:
– Trước mặt có ngọn núi màu xanh, thái tử có thấy chăng?
– Thấy.
– Đó là núi lưu ly.
Hai người lại tiếp tục chèo thuyền đi tiếp, được vài ngày, ông già nói:
– Trước mặt có ngọn núi màu vàng ngài có thấy chăng?
– Thấy rồi, quả là có một ngọn núi màu vàng.
– Đó là núi vàng.

Hai người đến dưới chân ngọn núi vàng, ngồi trên bãi cát vàng bên bờ biển. Do tuổi già sức yếu, lại phải ngồi thuyền vượt biển dầm mưa dãi nắng, sức khoẻ ông già đã suy kiệt trầm trọng. Ông nói với thái tử:

– Thần có lẽ không xong rồi, chắc phải nằm lại nơi đây, ngài hãy tự đi một mình, thần sẽ chỉ đường. Ngài đi theo con đường này, vượt qua ngọn núi, đi đến đầu bên kia sẽ thấy một toà thành, thành này vô cùng tráng lệ, tường thành đầy các thứ châu báu. Khi đến cửa thành, nếu cửa thành đóng thì lấy cái chày kim cang ở gần cửa, nhẹ nhàng gõ vài cái cửa sẽ mở ra. Sau khi vào thành sẽ có năm trăm cô tiên nữ chào đón ngài. Họ đều xinh đẹp tuyệt vời. Họ sẽ tặng cho ngài đủ thứ châu báu, trong đó có một tiên nữ đẹp nhất giữ một viên ngọc màu xanh rất nổi tiếng là Chiên Đà Ma Ni.

Ngài phải nhớ, trước khi lấy được viên ngọc Chiên Đà Ma Ni này, ngài không nên nhận bất cứ món gì. Nhất định phải lấy cho được viên ngọc này cất kỹ, sau đó muốn nhận thứ gì cũng được. Lại nữa, từ lúc vào thành cho đến ra khỏi thành ngài không được nói một câu nào nếu không đại hoạ sẽ đến với ngài. Còn sau khi thần chết xin hãy niệm tình chôn thần ở bãi vàng này.

Nói xong đầu ông nghiêng qua một bên và ra đi một cách nhẹ nhàng. Thái tử không ngăn được nước mắt, chàng theo lời dặn dò của ông lão làm tang lễ theo nghi thức tôn giáo và chôn ông trong bãi cát vàng bên bờ biển. Sau đó chàng lại theo lời chỉ dẫn của ông lão, tiếp tục đi về phía trước.

Quả nhiên đi một lúc có một toà thành thất bảo, cửa thành đóng chặt. Thái tử y theo lời ông lão, lấy cây chày kim cang cạnh cửa thành nhẹ gõ vài cái, cửa lập tức mở ra. Năm trăm tiên nữ xinh đẹp, tay cầm đủ thứ bảo châu mừng đón thái tử vào thành. Họ đem những thứ bảo châu này tặng cho chàng.

Trong đó nàng tiên nữ đẹp nhất, tay cầm một viên ngọc màu xanh chính là Chiên Đà Ma Ni. Thái tử nghe theo lời ông lão, đầu tiên nhận ngọc Chiên Đà Ma Ni, gói chặt vào trong chéo áo, rồi mới nhận các thứ châu bảo khác. Sau đó chàng lên đường trở về.

Lại nói đến sau khi thái tử Thiện Sự ra đi, thái tử Ác Sự cùng với những người lên đảo tìm ngọc. Thái tử Ác Sự nói với họ:

– Đến đây một chuyến thật không dễ dàng, mọi người lấy được bao nhiêu thì cố gắng lấy, càng nhiều càng tốt.

Mọi người nghe lời của Ác Sự tranh nhau lượm các thứ trân bảo chất đầy thuyền không còn chỗ chất nữa mới ngừng. Ác Sự nghĩ thầm: “Phụ vương rất thương Thiện Sự, sau này nhất định hắn ta sẽ nối ngôi cha. Lần này hắn ta tìm dược ngọc trở về thì danh vọng càng cao hơn nữa. Tại sao ta không nhân cơ hội này quăng hắn xuống biển? Chỉ có chiếc thuyền nhỏ đó hắn không thể trở về”. Nghĩ vậy Ác Sự bèn nói với mọi người:

– Thái tử Thiện Sự cùng với ông già đi đến nay đã không có tin tức, không biết chừng nào mới trở về. Nếu qua mùa gió, chúng ta không thể trở về, chi bằng nên đi trước giảm bớt được hai người thì thuyền có thể chứa thêm một số châu ngọc. Thái tử Thiện Sự và ông già tự ngồi thuyền nhỏ cũng có thể trở về.

Mọi người đã tìm được châu báu đều muốn sớm trở về lại nghe nói có thể kiếm thêm chút ít châu báu, càng thêm vui mừng. Họ bèn nhặt thêm một ít châu ngọc rồi lên thuyền giương buồm trở về nước.

Ác Sự âm mưu giết anh trai, hòng chiếm đoạt ngọc Chiên Đà Ma Ni

Thiện Sự chèo thuyền trở về đảo, phát hiện không còn một bóng người, giật mình biết rằng mọi người đã khởi hành về nước, chàng vô cùng nóng ruột, vội vàng lên thuyền đuổi theo. Thuyền đi dược vài ngày, thấy xa xa có một người đang ôm miếng gỗ nhấp nhô theo dòng nước. Thiện Sự vội cho thuyền đến gần. Người đó nhìn thấy thuyền bèn lớn tiếng kêu cứu, khi đến gần nhìn kỹ mới biết đó là Ác Sự. Thì ra thuyền của đoàn người vì chất đầy châu báu quá nặng, đi được vài ngày gặp cơn gió lớn sóng to, thuyền bị chìm, mọi người đều bị rơi xuống biển. Ác Sự nắm được một miếng gỗ cho nên chưa bị chết. Ác Sự nhìn thấy Thiện Sự, lớn tiếng kêu cứu:

– Anh ơi, mau cứu em với, đừng bỏ em ở đây.
Thiện Sự vội kéo Ác Sự lên thuyền hỏi em việc gì đã xảy ra. Ác Sự nói:
– Đám thương nhân không chịu nghe lời anh, chất châu ngọc đầy thuyền, rồi đòi lập tức trở về. Em khuyên thế nào họ cũng không nghe. Thuyền đi được vài ngày thì bị sóng to gió lớn đánh chìm. Những người đó không biết ở đâu, có lẽ bị chìm hết rồi. Chúng ta từ biệt cha mẹ ra biển tìm châu báu, vốn muốn kiếm thật nhiều trở về, không ngờ gặp phải chuyện này. Nay hai bàn tay không trở về, thật không còn mặt mũi nào nữa.
Thiện Sự vốn trung hậu thật thà, nhìn thấy em thương tâm như vậy, bèn nói:
– Em chớ nên buồn, anh đã kiếm được viên ngọc Chiên Đà Ma Ni, chỉ cần có được nó, chúng ta muốn bao nhiêu tiền của cũng được.
Ác Sự nghe xong giật mình vội nói:
– Cho em xem với.

Thiện Sự bèn mở chéo áo lấy hạt châu đưa cho Ác Sự xem. Ác Sự cặp mắt sáng quắc, hận mình không thể lập tức đoạt viên ngọc này, nên nghĩ: “Phụ vương vốn thương hắn, lần này hai anh em ra biển, Thiện Sự có được viên ngọc Chiên Đà Ma Ni, còn ta hai bàn tay không. Trở về phụ vương càng không ưa ta, cuộc sống của ta chắc sẽ càng buồn hơn. Làm sao đây? Ta phải nghĩ cách giết Thiện Sự, đoạt cho được viên ngọc này. Trở về ta sẽ nói Thiện Sự đã bị chết, dù sao việc này cũng không ai biết. Như vậy ta sẽ có châu báu, tiền của không bao giờ hết, còn được phụ vương tin yêu, sau này được kế thừa ngôi báu. Nhưng nay còn ở trong biển nếu ta giết Thiện Sự lỡ có gió to sóng lớn, một người không thể chống đỡ, thôi chờ lên bờ rồi tính”.

Vài ngày sau thuyền nhỏ cặp bờ, hai anh em xuống thuyền lên bờ, đi theo đường cũ trở về nước. Trên đường di, Ác Sự luôn nghĩ cách giết Thiện Sự chiếm đoạt viên ngọc. Một ngày nọ Ác Sự nói:
– Anh à, càng đi người càng đông. Chúng ta mang theo viên ngọc này lỡ có chuyện gì thì hối hận không kịp. Từ nay, lúc ngủ hai anh em ta sẽ thay nhau thức canh chừng.

Thiện Sự nghe xong lập tức đồng ý. Tối hôm đó Thiện Sự để cho em ngủ trước còn mình ngồi bên cạnh canh giữ. Ác Sự ngủ một giấc, thức dậy ân cần nói với anh rằng:

– Đến phiên anh ngủ để em thức canh cho.

Thiện Sự an tâm nằm xuống, vì quá mệt nên ngủ rất say. Ác Sự thấy Thiện Sự dã ngủ mê bèn lén vào trong khu rừng gần đó, kiếm hai cây đầu nhọn, lại len lén quay trở về bên Thiện Sự, đâm vào hai mắt anh và đoạt lấy viên ngọc Ma Ni. Thiện Sự trong giấc ngủ bỗng nhiên hai mắt đau nhức, lại bị tước đoạt viên ngọc, liền hét lên:
– Ác Sự! Em mau đến đây, chỗ này có giặc cướp.

Nhưng kêu mãi mà không có ai trả lời, Ác Sự đã chạy xa rồi. Thần cây trong rừng nhìn thấy hết mọi việc, bèn hiện thân nói với Thiện Sự:

– Ngài không nên kêu gào nữa. Ở đây không có giặc cướp nào cả mà chính là Ác Sự đâm mù mắt của ngài và đoạt lấy viên ngọc rồi.

Thiện Sự nghe Ác Sự nhẫn tâm như vậy, vô cùng đau đớn. Lúc này ở cặp mắt máu tươi tuôn trào, Thiện Sự lần mò đi một đoạn đến một đám cỏ thì ngất xỉu. Sáng sớm hôm đó, một người chăn bò lùa bầy bò đến đám cỏ, một con bò phát hiện Thiện Sự hôn mê bất tỉnh, bèn dừng lại dùng lưỡi nhẹ nhàng liếm máu, còn các con khác thì vây quanh. Người chăn bò nhìn thấy chúng tụ lại một chỗ, cảm thấy kì lạ bèn đến xem, phát hiện Thiện Sự đang nằm trên mặt đất, đôi mắt bị đâm, vô cùng thương xót, bèn nhổ cây ra, rồi đem về nhà. Người chăn bò dùng đầu tô lạc bôi lên vết thương, chuẩn bị những món ăn ngon, chăm sóc cho thái tử rất chu đáo. Vết thương của Thiện Sự dần dần lành, nhưng cặp mắt của chàng đã bị mù, không còn thấy được vật gì nữa.

Một ngày nọ Thiện Sự hỏi chủ nhà:
– Ông có bao nhiêu tài sản? Sinh sống bằng nghề gì?
Người chăn bò trả lời:
– Tôi chẳng có tài sản gì cả, chăn bò cho nhà vua, vắt sữa, bán sữa sinh sống qua ngày.

Thiện Sự nghĩ: “Gia cảnh người này không giàu, mỗi ngày cực khổ làm lụng mới có cơm ăn áo mặc, ta làm sao có thể ở đây ăn không ngồi rồi. Vết thương của ta đã lành nên nghĩ cách tự kiếm sống, bèn nói:

– Nhờ ơn ông cứu giúp, trị vết thương, lại quan tâm lo lắng đồ ăn thức uống, ân tình của ông tôi suốt đời không quên. Tôi nay có thể cử động được, muốn vào thành xin ăn để nhẹ gánh lo cho gia đình ông.

Người chăn bò nghe thái tử muốn vào thành xin ăn bèn nói:

– Cả nhà tôi đều muốn ông tiếp tục ở lại đây, đừng vào thành xin ăn. Gia đình chúng tôi tuy nghèo nhưng có thể lo cho ông được miếng cơm manh áo.

Thái tử thấy người này thành tâm thành ý mong mình ở lại, cảm thấy khó xử bèn ở thêm vài ngày. Nhưng trong tâm trí chàng muốn ra đi vì cảm thấy mình gây phiền phức cho gia đình người chăn bò không ít. Một ngày nọ chàng lại nói:

– Gia đình của ông đối với tôi quá tốt, quan tâm lo lắng lại còn cơm nước chu đáo, nhưng tôi không thể cứ mãi nương vào ông được. Tôi muốn vào thành tìm cách tự nuôi sống mình. Xin ông hãy đưa tôi vào thành.

Người chăn bò thấy Thiện Sự kiên quyết, đành phải đồng ý, chuẩn bị thức ăn, áo quần và đưa thái tử vào thành. Thái tử nói:

– Nếu ông thương tôi, xin mua cho tôi cây đàn.

Người chăn bò bèn mua cho thái tử một cây đàn, dặn dò đủ điều rồi mới trở về nhà. Thái tử từ nhỏ đã học qua cầm kỳ thi hoạ, không gì không biết, từ đó mỗi ngày chàng lang thang đầu đường xó chợ gảy đàn xin ăn. Những khúc nhạc mà chàng đàn rất hay, thanh nhã, làm rung động lòng người. Người trong thành đều thích nghe tiếng đàn của chàng, mỗi lần thấy chàng họ đều cho rất nhiều đồ ăn. Những người xin ăn trong thành đều nương theo tiếng đàn của chàng mà được cơm ăn.

Thành này thuộc nước Lê Sư Bạc. Nhà vua có một khu vườn trồng cây ăn trái rất lớn, trong đó trồng đủ các thứ cây, mỗi năm đến mùa trái chín thường có nhiều chim anh vũ bay đến ăn trái. Người trông vườn canh không xuể nên có rất nhiều trái cây bị chim mổ ăn. Một ngày nọ người giữ vườn dâng trái cây cho nhà vua. Vua nhìn thấy nhiều trái cây có dấu chim anh vũ mổ, vô cùng tức giận, muốn trị tội người giữ vườn. Người giữ vườn sợ quá vội quỳ xuống đất cầu xin, nói:

– Muôn tâu bệ hạ, vườn vì thiếu người trông coi nên các loài chim mới đến mổ trái ăn. Khẩn cầu bệ hạ tha cho thần lần này. Trở về thần lập tức tìm người giúp việc siêng năng, không để cho loài chim anh vũ đến ăn trái cây nữa.

Nhà vua nghe vậy bèn tha cho người giữ vườn. Người giữ vườn ra về đi khắp nơi tìm người giúp việc và gặp Thiện Sự đang trên đường đi xin. Thấy chàng có vẻ trung hậu thật thà ông ta bèn hỏi rằng:

– Ngươi có thể giúp ta chăm nom vườn cây không? Nếu ngươi đồng ý ta sẽ cho ngươi tiền lương, thực phẩm hàng ngày.

Thiện Sự nói:

– Tôi là một người mù làm sao có thể trông coi được vườn cây?

Người giữ vườn nói:

– Không sao, nếu ngươi đồng ý ta sẽ có cách. Trên cành cây ta sẽ buộc những sợi dây, trên đó có treo những cái chuông nhỏ, ngươi nắm đầu dây, nghe tiếng anh vũ bay đến thì giật dây. Khi tiếng chuông vang lên chim anh vũ sẽ sợ hãi bay đi.

Thái tử nghe rồi vui mừng nói:
– Nếu chỉ vậy thì tôi có thể làm được.
Từ đó thái tử trở thành người coi vườn.
Lại nói Ác Sự một mình trở về hoàng cung, vua cha thấy vậy lo lắng vội hỏi tin tức của Thiện Sự. Ác Sự làm bộ đau thương nói:

– Số của chúng con thật xui xẻo, thuyền chất nhiều châu báu quá bị sóng to gió lớn đánh chìm. Anh trai và những người thương nhân cùng chiếc thuyền chứa đầy ngọc ngà châu báu đều chìm vào biển khơi. Con may mắn vớ được miếng gỗ lênh đênh trên biển cả, cố hết sức bơi vào bờ mới bảo toàn tính mạng.

Vua và hoàng hậu nghe những lời này như sấm nổ trên đầu, lập tức hôn mê bất tỉnh. Kẻ hầu bên cạnh vội dùng nước lạnh giúp họ tỉnh lại. Vua và hoàng hậu khóc thương thảm thiết, trong hoàng cung các quan đại thần cũng vô cùng thương cho số phận thái tử. Nhân dân nghe tin Thiện Sự gặp nạn ai cũng thương xót cho chàng.

Thái tử Thiện Sự có nuôi một con chim nhạn, chàng rất thương con chim nhạn này nên làm tổ và ngày ngày tự mình đem thức ăn đến cho nó. Vua cha trở về cung điện của mình nhìn thấy chim nhạn lại càng nhớ đến thái tử, ôm lấy chim nhạn khóc rằng:

– Thái tử rất thương ngươi, nay bị chết trong biển cả, không còn trở lại nữa. Ngươi hãy xem thử xác của con ta ở đâu rồi trở về nói cho ta biết.

Nói xong nhà vua viết một bức thư cột lên cổ nhạn, rồi mở lồng cho nhạn bay đi. Nhạn lượn trên không vài vòng rồi bay đi thật xa. Nó bay mãi, bay mãi, tìm thái tử Thiện Sự. Một ngày nọ nhạn bay đến nước Lê Sư Bạc, nghe tiếng đàn ca trong vườn cây của nhà vua, nhận ra tiếng của Thiện Sự, vô cùng vui mừng, bèn bay đến cất tiếng kêu.

Thái tử nghe biết là chim nhạn yêu quý của mình, vội ôm chim vào lòng, chàng rờ thấy bức thư nhưng mù mắt nên không thể đọc được nội dung trong thư. Chàng tìm giấy và bút viết cho cha một bức thư kể chuyện từ lúc mình ra đi đến nay, hiện nay mình ở đâu rồi cột vào cổ nhạn. Nhạn hiểu ý vỗ cánh bay lên trời xanh, trở về nước.

Vua Lê Sư Bạc có người con gái xinh đẹp tuyệt vời, vua rất thương con, bất luận việc gì đều chiều theo ý của con. Một ngày nọ công chúa đến vườn dạo chơi, nhìn thấy Thiện Sự tóc rối bù, mặt mày dơ bẩn, áo quần rách rưới, cặp mắt đã mù, đang ngồi giữa rừng cây, sinh lòng thương xót, bèn hỏi chuyện Thiện Sự. Trong lúc nói chuyện, công chúa phát hiện người này học rộng biết nhiều, thần thái nho nhã, thật không giống người thường, nên sinh cảm tình. Đến giờ ăn cơm, vua cho người mời công chúa về dùng cơm, nàng nói:

– Hãy bảo người đem cơm đến vườn cây, ta muốn ăn cơm ở đây.
Công chúa nói với Thiện Sự:
– Chúng ta cùng ăn cơm nhé.
– Tôi là người ăn mày, còn nàng là công chúa, làm sao tôi dám ăn cùng với nàng? Nếu vua biết được nhất định sẽ trừng phạt tôi.
– Nếu chàng không ăn tôi cũng không ăn.

Thiện Sự thấy vậy đành nhận lời. Từ đó về sau công chúa hay đến vườn cây ăn trái tìm Thiện Sự. Hai người cùng nhau gảy đàn ca hát, dạo chơi, dần dần nảv sin tình cảm.
Một hôm công chúa cho người thưa với vua cha.

– Con thương người giữ vườn, muốn làm vợ người này. Ngoài chàng ra bất luận là vương tôn công tử con cũng không yêu. Mong phụ vương thoả mãn tâm nguyện của con.

Vua Lê Sư Bạc nghe công chúa nói như thế vô cùng tức giận, nhưng công chúa từ nhỏ đến giờ luôn được nuông chiều, tính khí ngang bướng, vua cha lại không nỡ làm trái ý con. Vua than rằng:

– Kiếp trước ta tạo nghiệp gì mà sinh ra đứa con bất hiếu như vậy. Trước kia vua Bảo Khải đã cầu hôn con gái ta cho thái tử Thiện Sự. Sau đó thái tử đi biển tìm châu báu, đến nay không có tin tức. Nay nó không muốn lấy thái tử mà muốn lấy người ăn mày, thật là mất mặt.

Tuy nhà vua không bằng lòng nhưng do thương con nên đành rước người ăn mày vào cung cho thành hôn với công chúa. Vì không thích chàng rể này, nên nhà vua không muốn gặp mặt và cũng không công khai việc này. Thiện Sự và công chúa tình cảm mặn nồng, cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Qua một thời gian, công chúa có việc nên sáng đi đến tối mới về liên tục vài ngày như vậy. Thái tử giận dữ nói:

– Chúng ta đã là vợ chồng, tại sao nàng ngày ngày đi sớm về tối, tâm không để đây, hay là đã để tâm bên ngoài.
Công chúa thấy Thiện Sự hoài nghi mình liền nói:
– Thiếp đối với chàng thuỷ chung như nhất, không bao giờ hướng tâm ra bên ngoài.
– Ai có thể làm chứng?
Công chúa liền thề rằng:
– Ông trời có thể làm chứng, thiếp không bao giờ nói dối. Xin ông trời minh chứng cho con, nếu lời của con là chân thật xin cho một con mắt của chồng con được sáng lại.
Lời công chúa vừa dứt, một con mắt của Thiện Sự lập tức sáng lại, vợ chồng vô cùng vui mừng. Công chúa hỏi:
– Chàng chưa bao giờ nói cho thiếp nghe thân thế của chàng. Hãy nói cho thiếp nghe chàng là người nước nào? Cha mẹ ở đâu?
– Nàng có nghe tên vua Bảo Khải không?
– Có nghe.
– Đó là cha của ta. Nàng có nghe vua Bảo Khải có một thái tử tên là Thiện Sự không?
– Thiếp có nghe.
– Thiện Sự chính là ta.

Công chúa giật mình hỏi:

– Chàng là thái tử Thiện Sự? Tại sao chàng lại lưu lạc và rơi vào cảnh ngộ này?

Thiện Sự bèn kể cho công chúa nghe mình ra biển tìm châu báu như thế nào, bị Ác Sự hãm hại ra sao. Công chúa nghe rồi than thở nói:

– Thiếp không ngờ chàng gặp phải nhiều khổ nạn như vậy. Ác Sự thật là đáng ghét, sau này nếu bắt được chàng dự định trừng trị như thế nào?

– Thôi, dù sao cũng là anh em cùng một cha sinh ra. Tuy Ác Sự đối với ta như vậy, ta vẫn tha thứ.

– Ác Sự đã hại chàng như vậy, chàng đã không oán hận lại còn tha thứ cho hắn?

Thiện Sự thấy công chúa có vẻ không tin bèn thề rằng:

– Xin trời chứng giám, nếu lời tôi nói ra chân thật thì xin con mắt còn lại của tôi cũng sáng lại.

Lời nói vừa dứt con mắt còn lại lập tức lành lặn. Công chúa thấy hai mắt Thiện Sự khôi phục như xưa, cặp mắt có thần, thần thái của chàng càng thêm thanh tú, uy nghiêm, mừng vui không thể tả, vội chạy đến chỗ vua cha hỏi:

– Muôn tâu phụ vương, phụ vương có biết thái tử Thiện Sự con của vua Bảo Khải không?
– Biết, con hỏi làm gì?
– Cha có muốn gặp chàng không?
– Muốn gặp chứ, chàng đi biển tìm châu báu đã trở về chưa, nay ở đâu?
– Chàng chính là chồng của con.

Vua Lê Sư Bạc không nhịn được, cười lớn nói:

– Có lẽ thần kinh của con đã bị rối loạn! Thái tử Thiện Sự uy nghiêm như thế, đem rất nhiều người ra biển tìm châu báu. Chồng của con là một kẻ mù đi xin ăn, làm sao có thể là thái tử Thiện Sự được?

– Nếu cha không tin thì tự đến xem để xác minh.

Nhà vua bèn theo công chúa đến chỗ thái tử nhìn kỹ quả nhiên là Thiện Sự, giật mình, lông tóc dựng ngược, vội cúi đầu trước mặt thái tử xin lỗi:

– Tôi không biết ngài là thái tử Thiện Sự, thật là có tội, xin thái tử lượng thứ cho.

Vua Lê Sư Bạc vốn là một trong năm trăm vị vua chư hầu dưới quyền vua Bảo Khải. Sau khi biết sự thật ngài liền bí mật cho người đưa thái tử ra ngoài biên giới, sau đó thông báo cho người dân trong nước là thái tử Thiện Sự ra biển tìm châu báu nay đã trở về. Vua Lê Sư Bạc thống lĩnh quan quân, xe ngựa, cờ lọng huy hoàng cùng đến biên giới nghênh tiếp thái tử. Vua ra lệnh bày yến tiệc, mời mọi người đến ăn mừng. Trong buổi tiệc nhà vua tuyên bố gả công chúa cho thái tử và chọn ngày lành tháng tốt cử hành hôn lễ cho hai người.

Lại nói đến chim nhạn bay trở về cung vua Bảo Khải. Vua nhận được thư của thái tử mới biết thái tử còn sống và biết toàn bộ câu chuyện. Vua và hoàng hậu vừa vui mừng vừa thương tâm lại vừa tức giận. Tin tức truyền đi, trong ngoài hoàng cung đều vui mừng nghe tin thái tử còn sống, không ai lại không tức giận việc làm của Ác Sự. Vua Bảo Khải ra lệnh bắt Ác Sự giam vào ngục, lại viết một bức thư cho vua Lê Sư Bạc: “Thái tử ở trong nước của ngươi bị hại, phải lưu lạc làm người ăn xin, tại sao không báo cho ta biết? Nhận được thư này lập tức phái người đưa thái tử về nước, nếu chậm trễ ta sẽ đem binh đến hỏi tội”. Sau đó nhà vua phái sứ giả ngày đêm đi đến truyền lệnh này cho vua Lê Sư Bạc.

Vua Lê Sư Bạc nhận được lệnh, lo lắng vạn phần, vội viết một bức thư trả lời: “Thái tử xác thực là ở chỗ thần gặp phải mọi chuyện oan uổng, nhưng lúc đó thần không biết sự tình, xin bệ hạ tha tội. Nay thái tử đã khôi phục lại thị giác. Thần đã đem con gái gả cho thái tử. Nay thần đang chuẩn bị đích thân đưa thái tử về nước gặp bệ hạ”.

Thái tử nói với vua Lê Sư Bạc:

– Người chăn bò có ân với con, trước khi rời khỏi quý quốc, con muốn gặp người này. Xin phụ vương phái người mời người đó đến đây.

Vua Lê Sư Bạc lập tức cho mời người chăn bò vào hoàng cung. Thái tử nói:

– Năm xưa ta bị đâm mù mắt, nhờ người chữa trị, lại quan tâm lo lắng thức ăn vật uống, đối với ta rất tốt giống như cha mẹ vậy. Ta nhất định sẽ báo đáp ơn người.

Vua Lê Sư Bạc nghe thái tử nói người chăn bò này đã từng giúp đỡ thái tử nên ban thưởng rất nhiều tiền bạc, y phục, voi, ngựa, xe, ruộng vườn nhà cửa, còn tặng hết đàn bò cho anh ta. Người chăn bò vui mừng khôn tả, từ đó sống cuộc đời giàu sang sung sướng.

Vua Lê Sư Bạc hạ lệnh dùng năm trăm con voi trang trí vàng bạc châu báu, nhung lụa, cho năm trăm chiếc xe thật lộng lẫy, lại chọn năm trăm chàng trai làm tuỳ tùng cho thái tử, năm trăm thiếu nữ trẻ đẹp hầu hạ công chúa. Sau đó Vua Lê Sư Bạc tự mình thống lĩnh ba quân, cưỡi ngựa hộ tống thái tử và công chúa trở về nước. Trên đường chiêng trống, âm nhạc nổi lên, rất nhiều nghệ nhân ca hát nhảy múa chung quanh đoàn người. Mọi người đều vui mừng khi thấy thái tử an toàn trở về.

Vua Bảo Khải nhận được thư của vua Lê Sư Bạc, biết được mắt của Thiện Sự đã khôi phục lại ánh sáng, lại lấy con gái của Vua Lê Sư Bạc làm vợ, vợ chồng cùng nhau về nước nên vui mừng không thể tả, vội tập hợp toàn bộ vương công đại thần, ngồi trên xe ngựa, cùng nhau nghênh đón thái tử.

Hai bên giữa đường gặp nhau, thái tử từ đằng xa nhìn thấy cha mẹ, vội vàng xuống xe, chạy đến trước mặt cha mẹ, cúi đầu làm lễ. Vua và hoàng hậu cũng xuống xe, ôm con, mừng mừng tủi tủi, không biết nói gì. Vương công đại thần nhìn thấy tình cảnh như vậy đều cảm động và vui mừng. Hàn huyên xong mọi người lại lên xe trở về hoàng cung. Trên đường đi kèn trống, đàn ca hân hoan vui mừng. Vừa đến cổng thành thái tử hỏi cha:

– Em con nay ở đâu? Tại sao không thấy nó?
– Đứa ác độc như vậy ta không muốn gặp nó nữa, nên đã nhốt nó vào trong ngục.
– Xin cha hãy thả Ác Sự ra.
– Nó đã phạm tội lớn như vậy ta đang chuẩn bị xử, làm sao có thể tha được.
– Xin cha hãy thả em con ra. Nếu cha không tha thì con sẽ không vào thành.

Vua Bảo Khải biết mình không thể lay chuyển được tâm ý thái tử nên đành ra lệnh thả Ác Sự. Ác Sự được tha liền quỳ trước cha và anh nhận tội. Thiện Sự đỡ em dậy, an ủi và dạy em phải sửa đổi tật xấu. Sau đó mọi người cùng nhau vào thành trở về hoàng cung. Dân chúng trong thành thấy thái tử Thiện Sự tha thứ cho kẻ hại mình là Ác Sự lại càng tỏ ra kính phục chàng.

Thiện Sự trở về hoàng cung vẫn đối đãi thân mật với em như xưa, chàng hỏi Ác Sự

– Viên ngọc Chiên Đà Ma Ni đâu rồi?
Ác Sự trả lời:
– Em chôn nó ở bên vệ đường.
– Em hãy lập tức đem nó về đây.
Ác Sự vội đến chỗ chôn viên ngọc, nhưng đào khắp chỗ đó vẫn không tìm được đành trở về hoàng cung báo:

– Em không tìm thấy viên ngọc.
Thiện Sự giật mình hỏi:
– Tại sao tìm không được? Em hãy suy nghĩ lại xem chôn ở đâu?
– Chắc chắn là em chôn ở chỗ đó.
– Vậy em hãy đưa anh đến đó tìm.
Hai người đến chỗ chôn ngọc, thái tử Thiện Sự chỉ cần đào một chút là lập tức thấy ngay viên ngọc hào quang chiếu sáng rực rỡ.

Hai người trở về hoàng cung, Thiện Sự lấy ra năm trăm hạt châu tặng cho năm trăm vua nước nhỏ, mỗi người một hạt, sau đó cầm Chiên Đàn Ma Ni nói:

– Nếu ngươi quả thật là hạt châu Như ý, xin biến toà ngồi của cha mẹ ta thành toà thất bảo, trên cũng là lọng bằng thất bảo.

Lời nói vừa dứt thì lập tức toà ngồi và lọng báu xuất hiện. Thái tử lại nói với bảo châu:

– Xin cho kho tàng của cha mẹ ta cùng với kho tàng của các vị quốc vương, đại thần đều chứa đầy tiền của ngọc ngà châu báu.

Quả nhiên tất cả kho đều đầy châu báu tiền của. Thái tử lại nói với các quan đại thần:

– Xin các quan hãy tuyên bố cho dân chúng, bảy ngày sau thái tử Thiện Sự sẽ làm mưa rơi thất bảo cho nhân dân.

Đến ngày đó thái tử tắm rửa sạch sẽ, chàng để viên ngọc trên đỉnh đầu, mặc y phục mới, tay cầm hương lễ bái khắp bốn phương, nói:

– Nếu ngươi quả thật là hạt châu Như ý, xin hãy mưa xuống đủ các thứ cần dùng cho bá tánh.

Lời nguyện vừa dứt, bốn phương mây mù kéo đến, sau đó một trận gió thổi tan mây, quét sạch tất cả những thứ ô uế, sau đó mưa nhỏ làm sạch bụi bặm, rồi bắt đầu rơi xuống đủ các thực phẩm, ngũ cốc, tiếp theo rơi xuống y phục, cuối cùng là mưa thất bảo. Nhân dân vui mừng vô hạn, người người tán tụng không ngớt. Thái tử tuyên bố:

– Các ngươi đã đủ những thứ cần dùng trong cuộc sống, không còn thiếu gì cả. Muốn đáp đền ân tình mà trời đất đã dành cho các ngươi, mong mọi người từ đây phải nỗ lực hành thiện tích đức. Nhân dân trong nước đều cảm niệm ân đức của thái tử đã bố thí các thứ cần dùng, vàng bạc châu báu, nên đều vâng theo lời dạy của thái tử Thiện Sự

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status