Nước có thể lẳng lặng chảy róc rách thành dòng suối nhỏ, cũng có thể ào ào ngày đêm trên những con thác lớn. Lão Tử từng nói “Thượng thiện nhược thủy”. Vậy nên, làm người hãy giống như nước, khiêm nhường không tranh giành cao thấp với ai.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Trương Phi tính tình nôn nóng vội vàng, chỉ cần có việc hơi không vừa ý là lập tức trút giận xuống thuộc hạ của mình. Mỗi khi uống rượu vào, ông lại càng không kiêng nể gì ai, hơi một chút là đánh đập thuộc hạ, giận cá chém thớt, thường hay ra vẻ ta đây. Nhưng rốt cuộc thì cũng là gieo gió mà gặp bão nên cuối cùng ông cũng bị thuộc cấp giết chết.
Quan Vũ lại hoàn toàn tương phản với Trương Phi. Nhưng Quan Vũ lại có một nhược điểm rất lớn, đó chính là kiêu ngạo và tự mãn. Ông khinh thường lão tướng Hoàng Trung, thậm chí từng tuyên bố rằng “không cùng hàng ngũ với lão tướng”.
Ông cũng khinh thường Tôn Quyền, vị quân chủ đầu tiên của nước Ngô. Đối với lời cầu hôn của con trai Tôn Quyền, Quan Vũ không đồng ý mà nói: “Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử được!”.
Đối với những người đồng sự của mình như My Phương, Sĩ Lâm, ông cũng khinh thường và tuyên bố rằng“muốn tính sổ với bọn họ”. Đối với vị tướng trẻ của Đông Ngô là Lục Tốn, Quan Vũ càng coi thường hơn. Ông gọi Lục Tốn là con nít. Thậm chí đối với Gia Cát Lượng thì ngay từ ban đầu, Quan Vũ cũng không tâm phục.
Rốt cuộc, Quan Vũ và Trương Phi là những nhân vật như thế nào? Một người thì tự cao tự đại, cho mình là trên hết, một người lại nóng nảy táo bạo khó có thể thuần phục. Vậy mà 2 người lại nguyện đi theo Lưu Bị, thậm chí còn có thể ngủ cùng giường như anh em ruột thịt. Hơn nữa còn ngày ngày hầu hạ bên cạnh, không quản ngại khó nhọc mà cũng không quên lễ nghi quân thần.
Còn việc Lưu Bị ba lần đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng, đến lần thứ ba, Gia Cát Lượng mới gặp mặt, đã trở thành câu chuyện được người đời ca tụng. Từ đó thể hiện, Lưu Bị là người có lòng “chiêu hiền đãi sĩ”, chân thành ba lần bảy lượt mời cho được người hiền tài giúp mình.
Đối với thiên hạ, Lưu Bị dùng khoan dung độ lượng mà được lòng người. Còn trong công việc ông lại dùng nguyên tắc “chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy điều ác nhỏ nhặt mà làm”. Nói chung, sở dĩ Lưu Bị có thể có được sức mạnh lớn nhất của thuộc hạ và cuối cùng hoàn thành được sự nghiệp Đế Vương là đều có liên quan đến những đức tính này.
Dân gian có câu ca dao rằng: “Lưu Bị khóc ra giang sơn”. Ý nói, từ vườn đào kết nghĩa huynh đệ, cảm động mà khóc, ba lần đến mời Gia Cát Lượng cũng quỳ gối mà khóc, “lệ ướt ống tay áo, vạt áo đẫm nước mắt”, khóc vì Tử Long, khóc vì Từ Thứ, khóc vì dân chúng lầm than…
Lưu Bị đã làm cảm động văn thần võ tướng, khiến quân lính chiến đấu quên mình, suốt đời trung thành. Ông khiến dân chúng cảm động, bỏ nhà bỏ cửa, quên cả sống chết mà một lòng một dạ đi theo ông.
Ngày xưa, khi Trương Phi và Quan Vũ mất, Lưu Bị một ngày khóc 3 đến 5 lần, khóc đến mức y phục ướt đẫm, quyết định thay Trương Phi và Quan Vũ báo thù. Lưu Bị bấy giờ không để tâm đến xã tắc mà tự mình dẫn hơn mười vạn đại quân tiến đánh Ngô, bất chấp nguy hiểm của ngàn mũi tên, đến nỗi binh bại, từ đó mà khóc ra một chữ “Nghĩa”!
Chí hướng của Lưu Bị đặt tại thiên hạ, vậy mà ông lại có thể luôn luôn mang trong mình một tấm lòng khiêm tốn. Ông hoàn toàn trái ngược với Trương Phi và Quan Vũ, đối với quyền quý thì không kiêu căng, không xu nịnh, đối với thuộc hạ thì như anh em, đối với dân thì yêu như con.
Có người cho rằng, Lưu Bị chính là một thứ dân nhỏ mọn, dệt chiếu cỏ, bán giày dép mà sống. Hoàn toàn dựa vào hơn mười năm đánh đông dẹp bắc mà cuối cùng xưng Vương. Cho nên, công bằng mà đánh giá thì không thể không nói Lưu Bị là một vị anh hùng chân chính.
Thái Công viết: “Nọa tất thọ xương, dũng tất yêu vong”. Ý là, nhu mềm thì tất sẽ sống thọ, dũng mãnh thì tất sẽ chết yểu.
Lão Tử cũng viết: Người quân tử có tính thiện giống như nước, có thể mang nước đem lên núi được, cũng có thể đập nước bắn qua đỉnh đầu được, có thể vuông có thể tròn, uyển chuyển tùy theo hình dạng của vật chứa. Cho nên người quân tử có thể mềm mà không yếu, có thể mạnh mà không cứng, giống như tính chất của nước vậy.
Lão Tử cũng dùng nước để thuyết về Đạo: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỉ vu đạo. Cư thiện đích, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trì, sự thiện năng, động thiện thì. Phu duy bất tranh, cố vô vưu”. Ý rằng, Thiện cao nhất giống như nước, nước đem lại lợi ích cho vạn vật mà không tranh giành với vạn vật, có thể ở những chỗ mà mọi người không thích nhất, cho nên nước là giống với Đạo. Làm người phải giống như nước, khéo lựa chọn chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ cho trầm tĩnh mà sâu, cư xử với người thì chân thành, nói thì phải giữ lời, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ. Không tranh giành với ai, cho nên cũng không có rắc rối.
Vậy nên, mỗi người phải biết tự nhắc nhở bản thân mình phải biết khiêm tốn, nhún nhường giống như phẩm chất của nước vậy. Tức là có thể đạt đến cảnh giới không tranh giành, thiện chí giúp đỡ mọi người, chân thành đối đãi với mọi người và không coi thường người khác.
(Suy ngẫm – mnmcn)