Có người đến tận nơi hỏi Đức Phật về những điều họ còn thắc mắc.
Có 10 vấn đề được thắc mắc nhiều nhất, đó là:
Một là vấn đề có quan hệ đến vũ trụ:
1. Vũ trụ có vĩnh hằng không?
2. Vũ trụ không vĩnh hằng phải không?
3. Vũ trụ là có giới hạn sao?
4. Vũ trụ là vô hạn đúng không?
Hai là vấn đề liên quan đến mặt lý học:
5. Thân và tâm là đồng nhất sao?
6. Thân và tâm là riêng biệt?
Ba là vấn đề chứng ngộ cảnh giới của Phật Đà:
7. Như Lai sau khi chết có tiếp tục tồn tại ở đây không?
8. Như Lai sau khi chết là không tiếp tục tồn tại ở đây?
9. Như Lai sau khi chết có tồn tại nhưng không tồn tại ở đây?
10. Như Lai sau khi chết không tồn tại cũng không đồng thời tồn tại ở đây?
Đối với những thảo luận này, Đức Phật tỏ vẻ không quan tâm. Vậy nên mỗi lần có người tìm gạn hỏi những vấn đề này thì Ngài luôn trầm mặc không nói gì.
Câu trả lời của Đức Phật
Một ngày nọ, có một vị tỳ kheo tên là Mạn Đồng Tử, người này sau khi tĩnh tọa vào giờ ngọ, đột nhiên đi đến chỗ Đức Phật hành lễ sau đó ngồi xuống một bên nói: “Thưa Thế tôn, con một mình tĩnh tọa, bỗng nhiên trong đầu nổi lên một ý nghĩ: Có 10 điều Ngài chưa từng giải thích minh xác cho chúng con. Mỗi khi mọi người hỏi Ngài về những vấn đề này, Ngài đều luôn gác lại một bên, trầm mặc không nói gì. Con không muốn như vậy”.
“Thế tôn, hôm nay ngài hãy giải thích rõ ràng giúp con 10 điều đó để con có thể tiếp tục tu hành. Nếu như thế tôn biết rõ thế gian là vĩnh hằng, xin Ngài cứ giải thích cho con như vậy. Nếu như vũ trụ không vĩnh hằng, thì nguyên do vì sao? Nếu như Ngài đối với những vấn đề này cũng không biết, thì hãy thẳng thắn nói: Ta không biết!”.
Đức Phật nói: “Ngươi đúng là một người ngu muội! Ngươi trước khi xuất gia tu hành chẳng phải chính là vì để hiểu rõ những điều này mà tu hành hay sao? Ngươi đi theo ta tu hành thì ta sẽ giải đáp cho ngươi những điều đó hay sao?”.
Mạn Đồng Tử trả lời: “Thế tôn, không có ạ!”.
Phật Đà nói: “Mạn Đồng Tử, giả sử có một người bị mũi tên tẩm độc gây thương tích, người thân của hắn đưa hắn đến thầy thuốc. Nếu lúc ấy người kia nói: Tôi sẽ không rút cái mũi tên độc này ra, trừ phi ta biết là ai đã bắn ta. Hắn là thuộc loại người nào, là dòng dõi Bà La Môn hay dòng dõi đế vương? Hắn là có dáng người cao hay thấp, màu da trắng hay đen, rám nắng hay là màu vàng kim óng ánh? Hắn đến từ thành thị hay nông thôn?
“Tôi không muốn rút cái mũi tên độc này ra, nếu tôi chưa biết rõ tôi bị loại cung nào bắn, dây cung là loại gì, là loại mũi tên nào, được chế tạo ra sao, là làm từ nguyên liệu gì? Mạn Đồng Tử, những điều này ngươi chưa kịp biết rõ đáp án thì đã sớm chết trước rồi. Cũng giống như vậy, nếu có người nói, tôi không muốn đi theo tu hành cùng thế tôn nữa, trừ phi ông ấy trả lời tôi các vấn đề rằng, vũ trụ có tồn tại vĩnh hằng hay không. Người này còn chưa có được đáp án thì đã chết rồi”.
Bởi vì nhân sinh thật ngắn ngủi, nếu như chúng ta cả ngày bị những vấn đề siêu hình này làm cho khốn nhiễu, theo đuổi không bỏ, cố tìm căn nguyên, sẽ dễ dẫn đến lạc lối, cuối cùng cũng chẳng thu hoạch được gì.
Ngôn ngữ chữ viết là có hạn
Hơn nữa, bởi vì ngôn ngữ của con người là có hạn, phàm phu không cách nào thông qua ngôn ngữ mà có thể làm sáng tỏ những điều này. Ngôn ngữ là do con người sáng tạo ra để biểu đạt những thể nghiệm, kinh nghiệm, tư tưởng và tình cảm của con người về vạn vật thông qua giác quan và tâm linh.
Nó đại biểu cho những hiểu biết của chúng ta về sự vật bằng những ký hiệu. Bởi vậy ngôn ngữ là có giới hạn về thời gian, không gian, không có khả năng siêu việt khỏi phạm vi sinh sống của con người. Nói một cách khác, nhân loại chỉ có thể trong phạm vi thời gian, không gian hữu hạn này mà dùng ngôn ngữ để biểu đạt một sự kiện, một loại cảnh giới.
Có khi, ngôn ngữ của nhân loại thậm chí không đủ để có thể mô tả sự vật hằng ngày một cách chân thực nhất. Ví như kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy, đôi khi chúng ta có một loại cảm xúc hoặc cảm thụ mãnh liệt, nhưng lại không có ngôn ngữ nào để biểu đạt ra.
Giáo lý nhà Phật có nói: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri”, tạm dịch: Như người uống nước, nóng hay lạnh tự mình biết lấy. Cho nên ngôn ngữ nhân loại không phải là vạn năng, nó nhất định là có giới hạn. Về phương diện chân lý, ngôn ngữ càng không thể nào biểu đạt một cách chính xác, hơn nữa dễ dàng gây nên sai lầm.
Bởi vì chân lý tuyệt đối (ví dụ như Niết Bàn) là vượt qua thời gian, không gian và hạn chế cũng những nguyên lý định luật. Nhân loại chỉ có thể tự mình chứng ngộ, mà không có khả năng dùng ngôn ngữ để miêu tả, cũng chính là điều gọi là “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Ý tứ của câu trên là mỗi người muốn lắng nghe tiếng nói nội tâm đích thực, muốn hòa mình vào sự im lặng của nội tâm sâu thẳm thì phải biết cắt đứt ngôn ngữ và diệt trừ tư duy khái niệm.
Trên thực tế, những vấn đề này vĩnh viễn không thể nào thông qua ngôn ngữ chữ viết mà có được câu trả lời đầy đủ và thuyết phục, không có bất kỳ loại ngôn ngữ chữ viết nào có thể biểu đạt được những loại thể nghiệm này.