Tôi có cô bạn thân tên Nguyệt. Mối quan hệ giữa cô và mẹ mình khá là kỳ lạ…
Cha đi theo người phụ nữ khác ngay khi Nguyệt mới chào đời được hơn 3 tháng. Mẹ dẫn theo cô sống cuộc sống tha hương, chuyển nhà hết nơi này đến nơi khác, cứ cách mấy năm, thậm chí vài tháng lại chuyển nhà một lần. Đến năm cô 16 tuổi, khi chuyển đến thành phố nơi tôi ở mới định cư hẳn. Vậy nên, Nguyệt luôn cảm thấy đời mình tựa như cánh bèo trôi, không biết cội nguồn ở nơi nào.
Bởi vì Nguyệt cứ vài năm phải chuyển trường một lần, cuộc sống kiểu nay đây mai đó khiến cô từ bé đã không có được người bạn thân nào. Vậy nên từ nơi sâu thẳm trong tâm, cô vô cùng oán hận mẹ mình.
Để thể hiện thái độ bất mãn đối với mẹ, cô bắt đầu phản kháng một cách cố ý. Mẹ bảo cô đi hướng đông, thì cô nhất định đi sang hướng tây; bảo cô đi mua đường, nhưng cô lại mua muối mang về… Cô với mẹ tuy gắn bó như hình với bóng, nhưng lòng thì lại cách xa tựa mười vạn tám nghìn dặm.
Khi mẹ đưa cô đến nhà thờ cầu nguyện, cô lặng lẽ nói với Thượng Đế rằng: “Chúa ơi, nếu Người thật sự thương yêu con, thì sao Người lại để con đầu thai làm con của một người mẹ như vậy chứ?”
Nguyệt và mẹ chiến tranh lạnh mãi cho đến cái ngày cô tròn 18 tuổi. Vừa đón xong sinh nhật, cô giống như con chim sổ lồng, lập tức thu dọn hành lí chuyển ra ngoài ở.
Không lâu sau, cô đã cùng một chàng trai kết hôn. Nhưng hạnh phúc của cô chưa được kéo dài bao lâu, thì mẹ của cô đã qua đời, nghe nói bà bị căn bệnh ung thư phát tác mau chóng, chưa đến 6 tháng đã từ giã cõi đời này.
Khi hay tin mẹ mất, Nguyệt không biết phải phản ứng thế nào. Cô muốn khóc, nhưng lại muốn cười, thế là cô toét miệng, cười chẳng ra cười mà khóc cũng chẳng ra khóc, nước mắt nước mũi chảy khắp cả mặt.
Khi hay tin mẹ mất, Nguyệt cười không được mà khóc cũng không được. (Ảnh minh họa: cloudarticles.info)
Cô chợt cảm thấy ân hận, hết thảy mọi điều tốt đẹp mà mẹ dành cho cô, toàn bộ đều hiện ra ngay trước mắt… Trong những ngày mưa gió mẹ ôm cô đến bệnh viện khám, suốt đêm túc trực bên cạnh; dưới cây thông Nô-en, toàn món quà mẹ mua cho cô, còn bản thân mẹ lại không có gì cả; vào ngày sinh nhật của cô, mẹ đã thức đêm để nướng bánh kem, mời mấy người bạn nhỏ của cô đến mở tiệc sinh nhật; khi cô đánh bóng chày, mẹ đứng dưới nắng trời như thiêu như đốt, ở trong đoàn người cỗ vũ cho cô; còn có mười mấy năm đưa đón cô đến trường…
Nguyệt càng nghĩ thì lại càng ân hận, càng nghĩ càng đau lòng. Cô đã ngã bệnh, căn bệnh dai dẳng tới 11 năm. Khi cô đến phòng khám để trị liệu, một nửa tóc đã bạc trắng hết cả. Cô chỉ vừa mới ngoài 30 tuổi, mãi vẫn không có con, mắc bệnh trầm cảm, bắp thịt toàn thân đau nhức, còn có triệu chứng của thời mãn kinh.
Tôi nghĩ rằng không thể nào, cô chỉ mới hơn 30 tuổi đầu, làm sao lại có những triệu chứng này được? Thế là tôi bắt đầu hỏi han về gia đình của cô. Điều được hỏi đầu tiên là về mẹ cô, vì chu kỳ kinh nguyệt của con gái thường có quan hệ với người mẹ. Ngờ đâu khi tôi vừa hỏi, nước mắt cô liền trào ra như suối, khóc không thành tiếng, tiếp đó kể câu chuyện trên cho tôi nghe.
Cô đem hết thảy trò đùa quái đản mà bản thân mình đối đầu với mẹ như thế nào, cố ý để mẹ xấu hổ, lúng túng trước mặt bạn bè ra sao, đầu đuôi ngọn nguồn đều kể lại với tôi. Cô ân hận vì bản thân không bao giờ còn có cơ hội để nói lời xin lỗi với mẹ nữa, cũng không bao giờ còn có thể làm chuyện khiến bà vui lòng dù chỉ một lần để báo đáp công ơn dưỡng dục nữa.
Tôi biết rằng châm cứu, uống thuốc sẽ trị không khỏi nỗi ân hận cũng như tháo gỡ được nút thắt trong lòng cô, bởi đây là tâm bệnh, nên cũng không giúp được gì nhiều. Tuy nhiên, sau đó bệnh tình của cô đã có chuyển biến tốt, điều này có liên quan tới một giấc mơ.
Có một lần, Nguyệt mơ thấy mẹ mình. Cô khóc lóc cầu xin mẹ tha thứ, rồi kể về nỗi nhớ mong và sự hối hận của mình. Ngờ đâu mẹ nghiêm giọng quát mắng cô rằng: “Không được khóc nữa! Sau khi sinh ra con, ta chưa từng được sống thoải mái dù chỉ một ngày. Lại vì con, mà ta mới phải chết sớm, cái chết của ta toàn là lỗi của con. Bây giờ tuy ta ở âm gian, nhưng mối hận này chưa giải được. Con bị bệnh thoi thóp đến tận bây giờ, hoàn toàn là có liên quan với ta. Lúc sống ta là mẹ của con, sau khi chết rồi thì lại là kẻ thù”.
Nguyệt giật mình, cô nghĩ: “Mình vì nhớ mẹ mà bị bệnh đến thế này, vậy mà mẹ lại trách mình hại chết bà. Mình hà tất phải khổ sở như vậy!”
Nguyệt giật mình, không hiểu sao mẹ lại trách mình như vậy. (Ảnh minh họa: blogfa.com)
Trong cơn tức giận, Nguyệt liền từ trong mộng tỉnh lại. Cô trở mình xuống giường, cảm thấy giấc mơ sống động như thật này, cô hối hận, phẫn uất, nhưng lại không biết làm sao mới phải.
Khi Nguyệt đến phòng khám kể lại giấc mơ của bản thân, dường như vẫn không thể bình tĩnh lại được. Cô muốn biết tôi nhìn nhận việc này như thế nào.
Tôi nghĩ ngợi một lúc, rồi nói với cô rằng: “Tức giận có thể gây ra bệnh, nhưng cũng có thể trị bệnh. Cô nhớ mẹ da diết, hơn nữa chịu sự dày vò và dằn vặt trong một thời gian dài, không thuốc nào có thể giúp được. Bây giờ, chỉ một cơn tức giận, có thể khiến cô lập tức tháo gỡ nút thắt này. Có thể thấy mẹ cô đã dụng tâm vất vả như thế nào, đây chính là cái gọi là ‘không ai hiểu con bằng mẹ’. Chính vì mẹ cô vẫn thương yêu và nhớ mong cô, dù cho đã đến âm gian, cũng không muốn thấy cô phải chịu cái khổ như vậy, vậy nên bà đã cố tình dùng kế khích tướng để cô thoát khỏi biển khổ. Cô nên cảm kích mới đúng”.
Nguyệt nghe lời của tôi xong, tâm cũng đã bình tĩnh trở lại, rời khỏi phòng khám. Về sau cô lại đến mấy lần nữa, bệnh tình cũng đã khỏi hoàn toàn.
Thật ra, nhân duyên giữa người với người, không phải là kết quả của một đời này. Con người dẫu cho đã thoát khỏi cái thân xác thịt này, món nợ mà mình đã thiếu, ác nghiệp mà mình đã tạo cuối cùng vẫn cần phải trả. Như vậy, nhân duyên giữa Nguyệt và mẹ cô, rốt cuộc ai đã mắc nợ ai đây, đành xin để cho quý độc giả tự mình suy ngẫm vậy.
(vn.pngd)