Tại sao con người chúng ta chỉ mất 3 năm để học nói nhưng mất cả đời để học cách im lặng?
Nói nên chậm, tâm nên thiện
Ở Lang Da, Sơn Đông, Trung Quốc có gia tộc họ Vương nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Theo thống kê, chính sử ghi chép lại, từ thời Đông Hán đến triều Minh Thanh, kéo dài đến hơn 1.700 năm, gia tộc này có tới 36 nữ tử làm hoàng hậu, 36 nam tử làm phò mã, lại có 35 người làm tể tướng. Mà gia tộc hiển hách này suốt bao đời chỉ tuân theo một giáo huấn gồm sáu chữ “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện”, tức là “Nói nên chậm, tâm nên thiện”.
Chúng ta không phải là thánh nhân, nếu nói quá nhanh không suy nghĩ sẽ rất dễ mắc lỗi. Có những người, khi đối đáp thường rất nhanh, thoạt nhìn thì quả thực là có khả năng ăn nói, nhưng kỳ thực là lời nói ra không được suy xét kỹ càng, đầy những sơ hở. Những người như vậy kỳ thực sẽ không được người khác coi trọng.
Khổng Tử dạy: “Thị vu quân tử hữu tam khiên: Ngôn vị cập chi nhi ngôn vị chi táo, ngôn cập chi nhi bất ngôn vị chi ẩn, vị kiến nhan sắc nhi ngôn vị chi cổ”, tức là người quân tử thì có ba điều hổ thẹn. Chưa đến lượt nói mà đã cất lời hấp tấp, mạo phạm người khác rồi. Đến lúc nói mà lại im lặng, thì chính là lấp liếm. Không nhìn xét đến tâm trạng người khác, không quản sự rối ren của tình huống mà đã phán xét, thì có thể còn phạm sai lầm lớn hơn.
Cổ nhân cũng có câu: “Động không bằng tĩnh, nói nhiều vốn chẳng bằng im lặng.” Quả thực, lời nói là thứ rất dễ gây tổn thương người khác, và khi đã tạo thành vết thương đó thì rất khó lành lại như cũ. Nếu như trong giao tiếp, chúng ta chỉ chú trọng vào biểu đạt cá nhân, không nghĩ đến cảm thụ của đối phương, sẽ dễ gây hiểu lầm, bất đồng. Trong nhiều trường hợp, không nói lời nào còn tốt hơn trăm vạn lần so với nói những lời hồ ngôn lộng ngữ.
Chu Dịch viết: “Cát nhân chi từ quả, táo nhân chi từ đa”, ngụ ý là người có uy đức thì không nói nhiều, người giảo hoạt mới dùng nhiều lời để nói. Lời nói phần nào phản ánh tâm hồn của mỗi người. Lời nói ra, kỳ thực có thể nhìn thấu rất nhiều điều trong đó. Chỉ cần để tâm quan sát, có thể nhận thấy những người khác nhau sẽ nói ra những lời khác nhau.
Khi bị xem nhẹ, đừng nói lời oán giận
Hãy nhớ kỹ rằng, trên đời này, người thực sự không coi thường bạn chính là người quan tâm đến bạn. Đến một ngày nào đó, bạn không còn quan trọng trong mắt họ thì cũng là duyên đã hết, và nên cảm ơn họ, đừng oán giận.
Khi bị người khác nhục mạ, đừng nói lời xằng bậy, vô nghĩa
Đời người không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Khi bị người khác nhục mạ, rất nhiều người sẽ miên man suy nghĩ, khi bị cảm xúc bi quan chế ước, họ sẽ rất dễ suy đoán lung tung, hồ đồ. Khi đó, người ta thường phát tiết ra và nói những lời vô nghĩa.
Vì vậy, khi bị người khác nhục mạ thì thái độ xử thế tốt nhất không phải là bất mãn, mà là tự suy xét lại bản thân mình, khách quan phân tích và tìm ra nguyên nhân bản thân bị nhục mạ là gì mà từ bỏ nó đi. Trên thế giới này, người có thể cứu vớt mình chính là bản thân mình, điều người khác có thể làm chỉ là khuyên giải.
Ghen tị với người khác, đừng nói lời đồn đại
Ghen tị là một tật xấu mà rất nhiều người gặp phải. Ghen tức tật đố sẽ ảnh hưởng đến cả thân thể và tinh thần của một người. Nó sinh ra lòng thù hận, hại người hại mình.
Một người nên được gì thì đó là trong mệnh của họ đã được an bài dựa theo “đức” và “nghiệp” mà họ tích được. Nếu muốn được những điều tốt đẹp, hãy tự nhắc nhở bản thân hành thiện, làm việc tốt. Đối mặt với người hơn mình, không nên ghen tị, đố kỵ mà phao tin đồn để làm hại họ. Bởi vì, thực ra hại người cũng chính là hại mình.
Khi được người khác khen ngợi, đừng nói lời ngông cuồng, ngạo mạn
Khi được người khác khen ngợi, khẳng định năng lực chính là vì bạn làm tốt một lĩnh vực nào đó. Nhưng kỳ thực mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, đừng nên vì thế mà vội kiêu ngạo.
Trong cuộc sống rất cần những lời khen ngợi, nhưng đừng vì sự ngưỡng mộ, tán thưởng của người khác mà trở thành người ngạo mạn, tự đại mà mê lạc mất bản thân.
(pntoday)