Vệ sinh không chỉ giúp duy trì vẻ ngoài sạch sẽ. Trên thực tế, đó là một cách chủ động để ngăn ngừa sự lây lan của virus và vi khuẩn.
Thói quen vệ sinh cá nhân tốt sẽ giúp cho con bạn khỏe mạnh, tránh các bệnh truyền nhiễm và duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Trẻ em không có những hiểu biết về vệ sinh. Do đó, trách nhiệm của bố mẹ là phải giáo dục con cái về tầm quan trọng của vệ sinh và các thói quen vệ sinh.
Nói đến việc giáo dục trẻ em, tốt hơn hết là bắt đầu từ sớm, với những phương pháp đơn giản tại nhà. Trẻ em tiếp thu và học hỏi rất nhanh. Điều này sẽ tạo ra các thói quen tốt theo chúng đến suốt cuộc đời.
Dưới đây là 10 thói quen vệ sinh bạn nên dạy con từ sớm.
1. Vệ Sinh Răng Miệng
Thực hiện vệ sinh răng miệng là một phần trong thói quen hằng ngày của trẻ em. Trên thực tế, bố mẹ nên quan tâm chu đáo đến việc vệ sinh răng miệng từ lúc đứa trẻ mọc cái răng đầu tiên.
Bằng cách làm sạch răng và lợi của trẻ, bạn có thể ngăn ngừa một loạt các vấn đề về sức khỏe bao gồm hôi miệng, sâu răng và bệnh tim có thể mắc sau này.
Khi con của bạn đủ lớn, bạn cần giám sát cách bé thực hành vệ sinh răng miệng. Bạn nên yêu cầu con chải răng ít nhất 2 lần 1 ngày và mỗi lần ít nhất phải 2 phút. Ngoài ra hãy khuyến khích bé chải răng sau mỗi bữa ăn để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuần và tránh sâu răng.
Cùng với việc đánh răng thì dùng chỉ nha khoa và làm sạch miệng bằng nước súc miệng cũng rất quan trọng.
Việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách là kĩ năng được học và chỉ có thể cải thiện thông qua thực hành. Trách nhiệm của cha mẹ là tạo thói quen này cho trẻ em từ khi còn nhỏ.
Đồng thời, bạn phải đảm bảo rằng con của bạn không ăn đồ ăn có quá nhiều đường bởi nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến răng.
Nếu cần, hãy đưa bé đến nha sỹ. Nha sỹ có thể giúp con bạn nhận ra những hậu quả của hôi miệng, của các vấn đề liên quan đến răng miệng và những ảnh hưởng của sâu răng đến ngoại hình và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
2. Vệ Sinh Móng Tay
Móng tay cần phải được chăm sóc tốt vì vậy điều quan trọng là phải dạy trẻ chăm sóc móng tay từ khi còn nhỏ.
Phát triển các thói quen chăm sóc móng lành mạnh là điều cần thiết, vì móng tay là nơi sinh sản của vi khuẩn có hại. Những vi khuẩn này có thể dễ dàng truyền sang mắt, mũi và miệng của con bạn, làm cho trẻ bị bệnh.
Đối với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ nên đảm bảo rằng các móng tay được cắt ngắn mỗi tuần. Cắt móng tay là một cách tốt để làm giảm lượng vi khuẩn sinh sống dưới móng. Ngoài ra, móng tay ngắn sẽ sạch hơn và ít bị gãy hơn.
Khi con của bạn đủ lớn để tự cắt móng tay của mình, hãy dạy cho chúng một vài điều cơ bản, chẳng hạn như nên cắt móng tay sau khi tắm vì khi đó chúng mềm hơn, nên cắt móng chéo lên để tránh móng mọc đâm vào thịt, sau khi cắt cần giũa móng tay, và dạy trẻ không cắt các lớp biểu bì vì những lớp này giúp bảo vệ phần móng mới khi chúng vừa mọc lên từ gốc.
Bạn thậm chí có thể mua một chiếc bàn chải móng tay và dạy bé làm sạch bụi bặm dưới móng trước khi đi ngủ.
Nếu con bạn có thói quen cắn móng tay, hãy ngăn thói quen này lại ngay lập tức. Cắn móng tay có thể truyền vi khuẩn có hại vào miệng, dẫn đến nhiều vấn đề với đường tiêu hóa.
3. Thói Quen Tắm Rửa
Ban đầu bé có thể ghét tắm, nhưng tắm là một thói quen vệ sinh cá nhân mà bạn nên tạo cho trẻ từ khi còn nhỏ.
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, đóng vai trò chính trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như bụi bẩn và vô số vi khuẩn gây hại. Tắm thường xuyên sẽ giúp bạn giữ cơ thể sạch sẽ.
Tắm cũng giúp loại bỏ các tế bào chết trên da, giúp tái tạo các tế bào da mới. Điều này rất quan trọng để sở hữu một làn da khỏe và đẹp.
Cha mẹ nên cho trẻ nhỏ tắm trong bồn tắm, và đừng để chúng tắm một mình trong phòng. Vào những ngày bạn không thể tắm cho trẻ thì lau người bằng bọt biển cũng là một cách để vệ sinh thân thể.
Khi bé đã đủ lớn để tự tắm, bạn hãy quan sát và dạy trẻ tắm đúng cách ngay từ đầu.
Cho con bạn tắm hai lần một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ. Trong khi tắm, hãy dạy cho chúng cách vệ sinh các bộ phận trên cơ thể – bàn tay, nách, chân, bàn chân, cổ chân, lưng, bụng (rốn), khuỷu tay và đầu gối. Hướng dẫn chúng cách làm và sau đó thì để chúng tự thực hiện.
Ngoài ra, hãy dạy trẻ lau khô người sau khi tắm và sử dụng chất giữ ẩm cho da. Yêu cầu chúng thay đồ lót hàng ngày và mặc quần áo sạch sẽ.
4. Vệ Sinh Tay
Khi nhắc đến vệ sinh tay thì rửa tay là một phần không thể thiếu mà cha mẹ nên dạy cho con từ bé. Rửa tay là một hoạt động đơn giản chỉ mất vài giây, nhưng thói quen này có thể giúp chúng ta tránh được vi khuẩn và nhiễm trùng.
Rửa tay thường xuyên có tác dụng làm giảm bệnh tật ở trẻ em, vì những vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập vào cơ thể thông qua tay. Vệ sinh tay không đúng cách là một trong những lý do chính gây ra tiêu chảy ở trẻ em cũng như người lớn.
Đối với trẻ nhỏ, hãy lau tay cho bé bằng khăn sạch thường xuyên.
Khi bé lớn, hãy dạy cho bé cách rửa tay sạch sẽ, chứ không chỉ làm ướt tay bằng nước.
Cần dạy cho trẻ em cách rửa tay bằng xà bông và nước. Khi sử dụng xà phòng, hãy chắc chắn rằng bé xoa 2 tay vào nhau trong khoảng 20 đến 30 giây, sau đó rửa sạch xà phòng bằng nước sạch.
Phải rửa tay trước và sau bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi ở chỗ bẩn hoặc chơi với vật nuôi, sau khi ho hoặc chảy mũi, và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
5. Vệ Sinh Chân
Giống như vệ sinh tay và vệ sinh da, việc dạy con của bạn vệ sinh chân cũng là một điều vô cùng quan trọng. Vệ sinh bàn chân thích hợp sẽ làm giảm nguy cơ hôi chân, nấm chân và các bệnh về chân khác.
Rửa chân và lau khô chân cho bé ít nhất hai lần một ngày. Bạn cần biết rằng nước đọng lại giữa các ngón chân là một trong những lý do gây ra nấm chân. Đừng cho trẻ đi giày dép cả ngày, đặc biệt là khi không đi tất.
Khi con của bạn đủ lớn để tự chăm sóc bàn chân của mình, hãy dạy cho chúng một vài điều cơ bản, bao gồm:
- Rửa chân ít nhất hai lần một ngày. Để rửa chân đúng cách, hãy dạy chúng cách chà xà bông vào giữa các ngón chân, lòng bàn chân và móng chân.
- Dạy chúng lau khô bàn chân bằng khăn sạch, đặc biệt là ở giữa các ngón chân. Sau đó,thoa một lớp kem dưỡng ẩm.
- Nhắc nhở trẻ giữ giày sạch sẽ và khô ráo.
Cha mẹ nên mua cho con những chiếc tất làm bằng bông, thay vì sợi tổng hợp. Về giày dép thì giày da và giày vải là tốt nhất.
6. Vệ Sinh Sau Khi Đi Toilet
Khi con của bạn có nhận thức nhất định về việc vệ sinh sau khi đi toilet, cha mẹ cần dạy chúng những thói quen để giữ cho các bộ phận nhỏ luôn sạch sẽ.
Dạy bé lau sạch từ trước ra sau bằng giấy vệ sinh sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, bạn cũng nên dạy bé cách xả nước bồn cầu.
Nếu cần thiết hãy đặt một tấm biển trên tường nhà tắm dưới cuộn giấy vệ sinh để nhắc nhở bé.
Ngoài ra, yêu cầu bé rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh. Những thói quen lành mạnh này sẽ giúp giảm bớt sự kích ứngvà nguy cơ nhiễm bệnh.
Cần kiên nhẫn trong việc giáo dục con cái về việc vệ sinh sau khi đi toilet, vì nhiều đứa trẻ khó tiếp thu những thói quen này.
7. Giữ Vệ Sinh Khi Ho Và Hắt Hơi
Khi con của bạn đã đủ lớn, điều quan trọng là cha mẹ phải dạy cho chúng cách giữ vệ sinh khi bị ho và hắt hơi. Những điều đơn giản này đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tật.
Khuyên con bạn luôn mang khăn tay bên mình. Dạy chúng cách sử dụng khăn tay hoặc khăn giấy để che miệng và che mặt trong khi ho hoặc hắt hơi. Bởi vì làm như vậy có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang người khác.
Sẽ rất hữu ích nếu bạn dạy cho con mình những điều cần làm khi chúng bị hắt hơi. Có thể bạn cần phải dạy đi dạy lại một vài lần cho đến khi chúng thành thạo những điều ấy.
Đồng thời, dạy bé rằng khi không có khăn tay hoặc khăn giấy, bé nên hắt hơi hoặc ho vào bên trong khuỷu tay.
Ngoài ra, hãy dạy trẻ cách lau mũi và xì mũi nhẹ nhàng vào khăn giấy khi mũi bị tắc. Giáo dục trẻ vứt khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho. Ngoài ra, đừng cho bé ngoáy mũi.
8. Vệ Sinh Nhà Cửa
Ngoài vệ sinh cá nhân, điều quan trọng là phải dạy cho trẻ em giữ vệ sinh nhà cửa.
Giữ cho nhà cửa và khu vực xung quanh sạch sẽ là một thói quen lành mạnh mà mọi người nên làm, kể cả trẻ em. Đây là một bước quan trọng để hướng tới một xã hội sạch sẽ và lành mạnh.
- Dạy cho trẻ em sắp xếp gọn gàng đồ đạc của mình, ví dụ như đồ chơi và sách vở.
- Dạy trẻ không vứt đồ đạc bừa bãi trong nhà cũng như nơi công cộng và phải vứt rác vào thùng.
- Dạy trẻ ăn thức ăn một cách gọn gàng, sạch sẽ và không để đồ ăn vương vãi.
- Yêu cầu chúng đặt bát hoặc đĩa đã dùng vào bồn rửa sau khi ăn, và rửa tay.
- Giáo dục trẻ vứt quần áo bẩn vào trong máy giặt và luôn mặc quần áo sạch sẽ.
- Khuyên con trẻ không nên ngồi ăn trên sàn nhà. Điều này đặc biệt quan trọng nếu có vật nuôi trong nhà.
- Giúp trẻ hiểu rằng giường ngủ chỉ để ngủ bởi và không nên chơi hoặc ăn trên giường.
9. Giữ Gìn Giọng Nói
Dạy cho con mình cách giữ gìn giọng nói là một điều vô cùng quan trọng.
Trẻ em đang ở trong giai đoạn học hỏi và chúng không biết cách cách nói chuyện với người già và những người khác như thế nào. Trên thực tế, hầu hết trẻ em có khuynh hướng nói rất nhiều, la hét và giả giọng nói để bắt chước ai đó. Cha mẹ cần phải ngăn chặn điều này.
- Để giúp các dây thanh quản phát triển đúng cách, giữ cho trẻ em luôn đủ nước. Cho con bạn uống nước thường xuyên.
- Đừng tạo cho bé thói quen uống đồ lạnh khi còn nhỏ.
- Tránh cho trẻ nhỏ ăn hoặc uống đồ quá lạnh, vì nó có thể ảnh hưởng đến dây thanh quản.
- Dạy bé sử dụng 1 tông giọng ổn định trong khi nói chuyện.
10. Chăm Sóc Tóc
Chăm sóc tốt cho tóc của trẻ để chúng có một mái tóc khỏe mạnh. Việc chăm sóc tóc không tốt có thể gây ra ngứa, gầu, có chấy hoặc các bệnh về da đầu khác.
Đối với trẻ nhỏ, cần phải gội đầu hai hoặc ba lần mỗi tuần để giữ cho tóc khỏi bẩn và bết. Tránh gội đầu quá thường xuyên vì nó có thể làm khô da đầu, khiến bé dễ bị gàu hơn.
Khi gội đầu cho bé, hãy sử dụng dầu gội phù hợp dành cho trẻ con. Đồng thời, hãy cẩn thận, tránh để dầu gội đầu tiếp xúc trực tiếp với mắt. Cùng với việc gội đầu, cần chải tóc cho bé hai hoặc ba lần một ngày để giữ cho tóc không bị rối. Sử dụng lược có răng thưa hoặc bàn chải lông mềm khi chải đầu cho bé.
Khi trẻ lớn hơn, tạo cho bé thói quen tự chải đầu mỗi ngày hai lần. Khuyến khích bé giữ tóc gọn gàng.
Đồng thời, dạy con bạn đừng bao giờ dùng chung đồ vật cá nhân như lược, gối và mũ với người khác. Ngoài ra, cần nhắc nhở bé không được chụm đầu vào đầu của bạn khác để tránh bị lây nhiễm chấy.
Khi con bạn bước vào giai đoạn dậy thì, tóc của chúng có thể có nhiều dầu hơn và vì thế cần phải gội đầu mỗi ngày.