Xưa kia, Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận phải trái. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một vị khách đang đứng trước cổng nhà.
Ông ta gọi vị học trò kia lại và hỏi: “Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài, bằng không người phải bái lạy ta”.
Vị đệ tử kia suy nghĩ một lát bèn trả lời: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!”
Người khách kia cãi lại: “Sai! Có ba mùa!”
Đúng lúc hai người đang tranh luận dữ dội, mãi không thể phân định kẻ thắng người thua thì Khổng Tử đi ra mở cửa. Vị khách vội vàng hỏi: “Thánh nhân! Xin ngài hãy phân minh giúp chúng ta, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”
Khổng Tử nhìn vị khách rồi nói: “Ba mùa!”
Vị khách nọ đắc chí, cười ha hả và quay lưng bỏ đi. Cậu học trò không phục, bèn quay sang Không Tử: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”
Khổng Tử đáp: “Người khách nọ cũng giống như loài châu chấu. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa là xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông là gì? Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ đi đến hồi kết hay sao?”
Không tranh cãi với người không ra gì
Trong thiên Thu Thủy, Trang Tử từng viết viết: “Không thể nói chuyện băng tuyết với côn trùng mùa hạ”. Câu này có nghĩa, tranh luận với người cố chấp, không chịu hiểu vấn đề là một điều vô ích.
Sống trên đời, không nên tranh giành hơn thua với kẻ ngốc, đó là một loại trí khôn. Tránh lãng phí thời gian vào những việc không hay, chúng ta sẽ thu hoạch được những điều tốt đẹp hơn đang chờ mình.
Có những lúc giả câm vờ điếc sẽ chẳng mất gì, tránh đẩy mình vào trạng thái căng thẳng, tức tối khi tranh cãi nhầm người.