Chàng trai làm vỡ một chiếc ly thủy tinh rẻ tiền, ông chủ nhà vẫn vui vẻ bỏ qua. Nhưng anh ta vẫn bị “xua đuổi” vì một lý do ít ai ngờ tới.
Chuyện chiếc ly bị vỡ, bài học về tính ích kỷ khiến nhiều người phải suy ngẫm
“Một thanh niên một mình đi tìm thuê chung cư ở. Chủ nhà là một ông lão hòa ái, dễ gần. Sau khi xem phòng, anh thấy rất hài lòng, liền muốn ký hợp đồng thuê dài hạn với ông chủ.
Ông chủ cười nói: “Không! Chàng trai, anh chưa từng ở đây, còn chưa biết chỗ này tốt hay không, chúng ta nên ký hợp đồng ở thử, sau khi có những trải nghiệm thực tế, khi ấy sẽ cân nhắc có nên thuê dài hạn không”.
Anh nghe xong thấy có lý, cuối cùng đồng ý ký hợp đồng 5 ngày với ông lão. Gian phòng rất ấm áp, ông lão cũng rất tin tưởng anh, nên không hề đến kiểm tra đồ đạc.
Ngoài ra, rác thải không cần đem xuống phía dưới, đặt ở cửa ra vào sẽ có công nhân vệ sinh đến lấy theo lịch, cả hành lang sạch sẽ đến mức không có một hạt bụi.
Hạn 5 ngày đã đến, anh muốn thảo luận với ông lão để có thể thuê dài hạn. Chợt xảy ra một chuyện ngoài ý muốn, anh bất cẩn làm vỡ một ly thủy tinh. Anh rất khẩn trương, cảm giác thấy cái ly này giá trị xa xỉ, e rằng làm vỡ ly thủy tinh, ông lão sẽ không cho anh tiếp tục thuê phòng.
Nhưng khi anh gọi điện nói cho ông lão, ông lão nói: “Không sao, anh không phải cố ý mà, cái ly thủy tinh đó rất rẻ”. Anh rất vui mừng, nhanh tay quét dọn những mảnh vỡ thủy tinh và rác cho vào một cái bao, đặt ở bên ngoài.
Một lát sau, ông lão đến, không đợi anh mở lời, ông lão nói:”Những mảnh vỡ thủy tinh kia đâu rồi?”.
Anh trả lời: “Tôi đã thu dọn xong và để ngoài cửa đó”.
Ông lão mở bao rác ra xem, sắc mặt không vui, liền đi vào phòng và nói: “Ngày mai anh có thể chuyển đi, ta không cho anh thuê phòng nữa”.
Anh không thể tưởng tượng nổi, liền hỏi: “Có phải tôi đã làm vỡ cái ly mà ông yêu thích khiến ông phật ý chăng?”
Ông lão nói: “Không phải! Lý do là vì trong tâm anh không nghĩ cho người khác”.
Anh bị nói đến ngẩn ngơ không hiểu, lúc này lại thấy ông lão cầm một cây bút cùng một cái bao khác, mang theo cây chổi cùng một cái kẹp, đi ra bên ngoài, ông đổ hết rác trong bao kia ra, phân loại một lần nữa.
Ông lão chọn lựa rất cẩn thận, qua một hồi lâu, đem tất cả mảnh vở thủy tinh chứa vào một bao, lấy bút viết lên: “Bên trong là mảnh vở thủy tinh, nguy hiểm!”. Sau đó, mới đổ các loại rác khác vào một cái bao khác, viết lên: “An toàn”.
Anh ở bên cạnh đứng nhìn, từ đầu đến cuối, trong lòng hết sức kính nể, không biết nói gì nữa. Vài năm về sau, anh vẫn không ngừng nhắc lại chuyện này, mỗi lần đều liên tục cảm thán.”
Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn được đối xử
Chàng thanh niên đã khiến ông chủ nhà thất vọng, bản thân anh ta và nhiều người tưởng rằng do anh làm vỡ chiếc ly quý giá của ông chủ.
Nhưng thực ra không phải, cách anh thu dọn những mảnh vỡ đã khiến ông nhận thấy rằng, anh là một người ích kỉ và vô tâm, không biết nghĩ đến mọi người xung quanh.
Do vậy, có thể chỉ là vô tình, nhưng hành động của bạn sẽ làm cho người khác tổn thương. Hãy nghĩ đến cả những người xung quanh, hãy đối xử với mọi người bằng cách mà bạn muốn mọi người đối xử với mình.
Đời người chỉ có một, hãy trân trọng và biết nghĩ cho nhau, đừng vì ích kỷ bản thân mà làm tổn thương người khác.
Cuộc sống là chuỗi ngày mỗi con người tự hoàn thiện mình. Mỗi ngày là một bài học vô giá ta nhận được từ cuộc sống. Quá trình hoàn thiện mình này chính là gạt bỏ đi từng cái xấu và vun đắp thêm từng cái tốt dù rất nhỏ.
Bạn bị cho là ích kỉ khi bạn không đem lại lợi ích cho người khác. Một số người luôn có tư tưởng không phải việc của mình thì không làm, sống chỉ biết nghĩ cho bản thân là hoàn toàn sai lầm. Bởi bạn cho đi thứ gì thì chắc chắn cũng sẽ nhận lại những điều tương tự.
Giống như anh chàng kia, việc thu dọn những mảnh vở thủy tinh một cách cẩu thả có thể gây nguy hiểm cho người khác, nhưng anh chỉ nghĩ đơn giản rằng việc ấy không liên quan đến mình nên không cần chú tâm. Thế rồi, anh bị từ chối cho thuê nhà vì chính thái độ ích kỉ, vô tâm ấy.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là, phải đối xử với người khác như thế nào để không bị cho là ích kỉ? Bạn không cần phải vắt óc suy nghĩ, bởi câu trả lời tưởng chừng như phức tạp, nhưng thật ra lại đơn giản vô cùng
Nếu ta suy ngẫm xem mình muốn được người khác đối xử như thế nào, ta sẽ dần dần suy ra được những đức tính tốt của con người.
Không cần phải vắt óc tưởng tượng mới nhận ra rằng nếu ta được những người xung quanh đối xử theo cách đó thường xuyên, cuộc sống sẽ rất dễ chịu.
Trong thực tế cuộc sống, bạn có để ý rằng, khi ta to tiếng, cáu gắt với ai, cũng sẽ là nguồn cơn thúc đẩy họ to tiếng trở lại với mình.
Hoặc khi bạn tìm cách chơi xấu người khác, chắc chắn rằng người ấy rồi cũng tìm cách hạ bệ bạn. Bởi lẽ, chúng ta đối xử với người khác nhưng thế nào, sẽ nhận lại như thế.
Ta có thể tự suy ra những đức tính tốt của con người chỉ bằng việc nhận ra bản thân mình muốn được đối xử thế nào.
Có thể sẽ mất một thời gian và cả tính nhẫn nại để tìm cách đối xử tốt với người khác, nhưng nếu duy trì được việc ấy bằng cách mỗi ngày chỉ cần chọn một đức tính tốt để làm, như vậy, cuối cùng những đức tính tốt đó đều sẽ thành nếp.
Và rồi, bạn cũng sẽ nhận được sự đối xử tốt từ mọi người vì bạn đã góp phần làm lan tỏa thái độ sống tích cực đến nhiều người xung quanh.
Cuộc sống và sẽ tốt hơn rất nhiều, nếu mỗi người biết đặt mình vào vị trí của nhau.
Theo Thế giới trẻ