Chỉ trong 7 phút, bà mẹ một con đã trị được thói cứng đầu, thay đổi ý kiến xoành xoạch của con bằng cách không thể nhẹ nhàng hơn.
Trẻ em luôn hiếu động, và dường như trong trẻ không có khái niệm nào mang tên là “nghỉ ngơi”. Không chỉ vận động thân thể như chạy nhảy, leo trèo liên tục mà ngay cả khi ngồi yên một chỗ thì não trẻ vẫn đang hoạt động hết công suất. Bằng chứng là trẻ thay đổi ý kiến như chong chóng, nhiều khi làm cha mẹ không biết đâu mới là ý muốn thực sự của con mình.
Trẻ có thể vừa mới nói muốn ăn bánh mì nướng, nhưng chỉ sau vài phút đã đẩy đĩa bánh mì ra xa kèm theo vẻ mặt cau có, khó chịu “con không muốn bánh mì”. Trong tình huống này, cha mẹ thường đưa ra hàng loạt các câu hỏi lo lắng như: “Sao thế con?”, “Có chuyện gì vậy con?”, “con không đói à?”. Nhưng đáp lại là sự im lặng dỗi hờn từ trẻ.
Ở độ tuổi còn nhỏ, não chưa phát triển đầy đủ nên trẻ chưa thể kiểm soát được hành vi, cảm xúc của mình.
Lauren Tamm là một y tá chăm sóc sức khỏe tại nhà, đồng thời cũng là mẹ của cậu con trai 2 tuổi. Ở trong giai đoạn “tiền” khủng hoảng tuổi lên 3, con trai cô cũng ngang bướng, cố chấp, và thay đổi ý kiến liên tục. Điều này làm cô căng thẳng. Do đó, Lauren cố gắng đi tìm lời giải đáp liên quan đến cơn giận của trẻ em. Và cuối cùng thì cô đã tìm thấy câu trả lời cho vấn đề này.
Lý do thật sự cho những hành vi ngang bướng của trẻ em là gì?
Đầu tiên, các bậc cha mẹ nên biết một điều là từ lúc sinh ra cho đến khi 3 tuổi, chỉ có một phần của não chịu trách nhiệm điều khiển cảm xúc hành vi của trẻ. Ba năm đầu đời là “thời kỳ hoàng kim” của sự phát triển não bộ, cứ mỗi một giây là có 700 tế bào thần kinh mới được sinh ra. Đây là lý do thực sự cho hành vi bướng bỉnh, cứng đầu và thay đổi xoành xoạch ý muốn của trẻ.
Vì vậy, cha mẹ hãy yên tâm rằng con bạn không phải là một đứa trẻ ngang bướng, thất thường. Nguyên nhân chỉ đơn giản là do ở độ tuổi còn nhỏ, não chưa phát triển đầy đủ nên trẻ chưa thể kiểm soát được hành vi, cảm xúc của mình. Đồng thời, trẻ cũng chưa đủ khả năng để trả lời được những câu hỏi của cha mẹ như “Tại sao con làm như thế?”, hay “Có chuyện gì xảy ra với con vậy?”, hoặc “Vì sao con khóc?”. Ngay chính bản thân trẻ còn không thể giải thích được tại sao mình lại làm như thế này, tại sao mình không làm như thế kia thì làm sao có thể trả lời cha mẹ được.
Hành vi của trẻ, ý muốn của trẻ đều bị điều khiển bởi những “xung đột” cảm xúc – những ước muốn, những yêu cầu hành động đến cùng một lúc mà trẻ thì không xác định được đâu là cái cần nhất. Cho nên, trẻ thường nức nở, la hét, khó chịu, hay im lặng giận mỗi khi cha mẹ hỏi thăm.
(Ảnh minh họa).
Vậy phải làm gì khi trẻ ngang bướng, cứng đầu, chống đối lại cha mẹ?
Khi Lauren đã hiểu quá trình hình thành hành vi của trẻ thì cô đã quyết định thử một phương pháp mới để giao tiếp với đứa con trai 2 tuổi của mình.
“Lần tiếp theo, con trai tôi đòi ăn bánh mì nướng vào bữa sáng, nhưng ngay sau đó đã hất đổ đĩa bánh mì ra khỏi bàn với một tiếng thét “con không muốn ăn bánh mì” thì tôi đã quyết định không tranh luận. Tôi kìm chế bản thân để không cáu giận hay hỏi những câu liên quan đến hành động vừa rồi của con. Đồng thời tôi cố gắng hết sức bộc lộ thái độ xem như hành vi của con là bình thường. Tôi tự nhủ với mình rằng con tôi thật sự không biết tại sao mình lại cảm thấy không còn ngon miệng với món bánh mì nướng này nữa. Con cũng không thể giải thích hành động của mình sai như thế nào. Lý do đơn giản chỉ là con chưa kiểm soát được cảm xúc của mình mà thôi.
Cha mẹ hãy tiếp nhận những cơn bộc phát cảm xúc của trẻ bằng cách ôm con vào lòng, và để con được yên tĩnh, sắp xếp lại những mong muốn của mình (Ảnh minh họa).
Vì vậy, tôi chấp nhận hành vi của con tôi và nói “Được rồi, nếu con không muốn ăn nó bây giờ thì mẹ cất đi vậy”. Tôi biết phải mất vài phút để cậu bé quyết định xem mình thật sự muốn gì nên tôi thong thả sử dụng thời gian đó pha cho mình một tách cà phê.
Chính xác là 7 phút sau, con tôi đã đến gặp tôi và nói rằng con muốn ăn bánh mì nướng. Đó có phải là một phép lạ không? Thay vì tôi dùng 7 phút đó để giận dữ, để “giáo dục” con, thì tôi lại chọn cách tha thứ cho mình và tôi đã đạt được mục đích mà tôi đặt ra ban đầu”.
(Ảnh minh họa).
Cha mẹ hãy nhớ rằng: Không nên tranh luận với trẻ nhỏ. Đồng thời, cha mẹ hãy tiếp nhận những cơn bộc phát cảm xúc của trẻ bằng cách ôm con vào lòng, và để con được yên tĩnh, sắp xếp lại những mong muốn của mình. Và còn một điều các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý là những “bé con” không có ý định làm phiền bạn. Trẻ chỉ đang cố gắng thể hiện những gì mình muốn hoặc không muốn trong tại thời điểm đó mà thôi.
Theo Brightside
Thân Nguyễn / Theo Trí Thức Trẻ