N
gười ta cứ nghĩ rằng những người xuất gia là đi vào ngõ cụt rồi, cuộc đời xuất gia xem như là chấm hết rồi. Có người nghĩ xuất gia là cách tiêu cực, trốn đời, yếu đuối, không có đường nương tựa rồi giờ đi tu, cho rằng những người đi tu là những người bi quan. Vậy sự thật là xuất gia để làm gì?
1
Hiểu về hai chữ xuất gia
Xuất gia theo nghĩa đen là ra khỏi nhà. Nhưng đầy đủ thì xuất gia mang ba ý nghĩa chính
- Xuất thế tục gia
- Xuất phiền não gia
- Xuất tam giới gia
Xuất thế tục gia: chỉ cho người đó quyết lòng vứt áo ra đi, từ bỏ những tình cảm, những lòng thương yêu thân bằng quyến thuộc của mình, chấp nhận ra đi và ra đi tìm đạo, chân lý, con đường chân lý, hay để phụng sự.
Xuất phiền não gia: là qua quá trình tu tập người này đã điều phục được tất cả phiền não: tham, sân, si, ích kỷ, đố kỵ, thù hận, ghen tuông, thủ đoạn, lừa đảo, mánh mung, … tất cả những thói hư tật xấu này, mà người tu tập cần phải điều phục.
Xuất tam giới gia: Và khi đã chấm dứt mọi phiền não vượt ra ngoài sự chi phối, ràng buộc của ba cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Đây là những từ ngữ chuyên môn có phân tích thì cũng mơ hồ lắm, nhưng đại khái để giải thoát ra khỏi cuộc đời này, cái đó gọi chung là xuất tâm giới gia.
Như vậy đủ ý nghĩa này thì chúng ta gọi là xuất gia. Một người ra khỏi nhà nhưng chưa chắc gì ra khỏi phiền não. Mà phiền não chưa chắc ra khỏi thì làm sao ra khỏi nhà tam giới?
2
Xuất gia để làm gì?
Trong những tuồng cải lương, những tập phim hay những bài hát thường xây dựng hình ảnh một người xuất gia do bị thất bại trong công việc, bị thất tình, đau khổ, tuyệt vọng. Hay những ông già bà lão chán đời, bị ruồng bỏ mới vào chốn thiền môn đi tu. Ngôi chùa khi ấy như trở thành một viện dưỡng lão, một nhà tình thương cho những con người yếu đuối, không còn giá trị gì nữa. Điều này khiến người đời nghĩ rằng: Người xuất xa, những vị tu sỹ đi tu thuộc những hạng người như thế. Vâng, đó là ý nghĩ đầy tiêu cực của những người không hiểu đúng về đạo Phật.
Người xuất gia phải có đức hy sinh
Tu là một con đường hy sinh, không trốn chạy ai cả. Ở đây không ai thiếu nợ mà đi tu, cũng không ai tệ bạc gì lắm mà đi tu, cũng không ai trốn chạy được điều gì, nhưng cơ bản nhất là trước hết muốn đi tu người đó phải hy sinh.
Người đi tu trước hết là hy sinh cho gia đình, hy sinh tình cảm riêng, hy sinh nguồn hy vọng của gia đình và bên cạnh đó phải đủ bản lĩnh hy sinh tất cả nhu cầu riêng tư của bản thân. Có phải người tu là hy sinh tất cả những nhu cầu của bản thân không? Người tu ăn cái gì? Mặc gì? Nhu cầu của nhà tu là cái gì? Như vậy chúng ta thấy rằng phải hy sinh nhu cầu của bản thân.
Thậm chí về mặt tình cảm cũng phải kiềm chế những tình cảm riêng của bản thân rất là cơ bản của con người. Đừng nghĩ một nhà tu không có tình cảm, cả cuộc đời này ngoài người điên và bậc chứng thánh không ai không có tình cảm cả nhưng nếu là một nhà tu phải biết kiềm chế tình cảm riêng để vì cái chung, và qua quá trình tu hành phải đủ bản lĩnh vượt qua những nhu cầu của bản năng càng sớm càng tốt, có khả năng tự chủ mình càng cao càng hay. Chứ đừng nói đi tu không có tình cảm.
Khi Thái tử Sỹ Đạt Ta chứng kiến cảnh đau khổ thường tình của kiếp nhân sinh khi dạo bốn cửa thành, Thái Tử đã xin phép vua cha xuất gia nhưng bị ngăn cản. Người đã ra bốn điều kiện nếu cha đáp ứng được sẽ không đi tu. Đó là:
- Làm sao cho con trẻ mãi không già.
- Làm sao cho con mãnh mãi không đau.
- Làm sao cho con sống hoài không chết.
- Làm sao cho mọi người hết khổ.
Cho nên vì vậy đức Phật đi tu đầu tiên vì tình yêu thương rộng lớn, đầu tiên Ngài phải hy sinh tình cảm cá nhân của ngài.
Người xuất gia phải có bản lĩnh phi thường
Chớ bảo việc xuất gia là chuyện dễ, nhờ gieo trồng hạt giống bồ đề nhiều đời nhiều kiếp mới có đủ động lực để xuất gia. Nếu nói việc xuất gia là việc dễ và con đường tu tập dễ thành thì thật sự cả trần gian này ai cũng làm hết đó.
Đừng nói là nhà tu là cái gì cũng nhát, cũng sợ, cho nên ai nói gì cũng hiền, ai nói gì nói phải im. Rồi thấy một nhà tu như vậy thấy hiền, tội nghiệp, dễ thương. Một nhà tu không phải để cho thiên hạ nói dễ thương bằng cách đó. Nếu một nhà tu mà ai muốn làm gì làm, chưởi gì chưởi như cục đất thì nhà tu đó không phải là một trong những con người có bản lĩnh để làm lợi cho đạo. Chúng ta không phải sống cho thiên hạ tội nghiệp, để thiên hạ lo cái gì, nếu chúng ta sống như vậy, không thể thành một nhà tu, chúng ta là một dây bò, dây leo, dây bìm gì đó để nương tựa.
Một nhà tu cũng đâu đơn giản. Tổ đức từng dạy “kim sanh bất liễu đạo, phi mao đới giác hoàn” Bước vào con đường tu là làm việc hy sinh và có ý nghĩa, có lợi cho đời, cho đạo, bằng không tất cả những cơm áo, gạo tiền mà mọi người đã cung phụng cho mình, mình phải mang lông đội sừng để trả lại những cái này đó. Do đó, đừng nghĩ đi tu là sướng, là khỏe, là tự do!
Người xuất gia tâm phải hướng thiện hơn người
Đối với một nhà tu, không có nói giàu nghèo gì, phân bua gì về điều đó cả. Tất cả nhà tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, mục đích là như vậy.
Quan điểm người đời cho rằng, người xuất gia sẽ có quyền lực, được người đời cung kính, bái lạy. Nhưng, sự quy ngưỡng, kính mến người tu hành. không phải vì quyền lực mà vì đạo đức, sự hy sinh và tu tập mà người ta kính mến. Cho nên đem quyền lực để đến với mọi người là không đúng với Phật giáo.
Từ lâu Đức Phật đã xem nhẹ điều này mà đức Phật ra đi mà. Nếu vì quyền lực ngài làm vua chứ ngài đi tu làm gì? Ngài từng nói trong kinh Tứ Thập Nhị Chương là: ta xem địa vị công hầu như đôi dép bỏ, xem vàng bạc, lụa là như đồ giẻ rách mà. Ngài xem thường những thứ đó và trở thành nhà tu. Còn chúng ta là hàng Thích tử, con của đức Phật lại lấy những điều đó gắn lên người để tự hào với mọi người, với đồng đạo, cái này sai.
Nếu ai có tham vọng không thể chọn con đường tu, nếu ai có tham vọng quá lớn không thể chọn con đường tu. Và nếu ai có một quan niệm sống ích kỷ không bao giờ chọn con đường tu. Đi tu để tôi kiếm tiền về nuôi gia đình được, không có những câu vô lý như vậy được. Đi tu đâu phải là một nghề để kiếm tiền đâu.
Cho nên nhà tu phải bản lãnh hơn người, phải mạnh mẽ hơn người, phải có lòng hướng thiện hơn người, tất cả những cái đó phải có. Ai có cái đó mới tu được.
Tóm lại, Tổ Quy Sơn từng dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, trấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”.
- Phù xuất gia giả : phàm là người xuất gia, hễ là người xuất gia.
- Phát túc siêu phương: giở chân cất bước đến một chân trời cao rộng.
- Tâm hình dị tục: thân tâm này phải khác người đời, tâm thì không thấy được nhưng thân này có khác người đời chưa? Nhìn đầu, nhìn áo là biết khác rồi.
- Thiệu long Thánh chủng: nối tiếp theo hạt giống, hay con đường của các bậc Thánh.
- Trấn nhiếp ma quân: nhiếp phục các cái xấu, cái dỡ, cái tệ, cái ma quân.
- Dụng báo tứ ân: để đền đáp bốn ân: tam bảo, cha mẹ, quốc gia, đàn na thí chủ.
- Bạt tế tam hữu: cứu tất cả muôn loài
Như vậy chúng ta thấy người xuất gia là con người bước đi một con đường cao rộng, một con đường sống vì tất cả mọi người, một con đường bắt đầu bước vào cuộc hy sinh mà không có những nhu câu riêng cho bản thân mình. Đó là một con người đạo đức, giàu lòng vị tham thương yêu chúng sanh mà chúng ta phải trân trọng, kính mến và ủng hộ bước đường tu tập của họ.