Chuyển tới nội dung

Câu hỏi 63: Hồi hướng phước có nhận được không? Câu hỏi 64: Chân thật xuất gia cứu được bảy đời cha mẹ. Câu hỏi 66: Thỉnh chuông có ý nghĩa như thế nào

  • bởi

Câu hỏi 63: Hồi hướng phước có nhận được không?

Con bạch Thầy! Phật dạy: nghiệp của ai thì người ấy phải chịu, nhưng Phật cũng dạy làm phước để hồi hướng phước ấy không phải do mình tự làm được mà vẫn có thể được nhận được hưởng. Vậy nghĩa là như thế nào ạ?

Trả Lời:

Đúng trong Kinh Phật có dạy như thế, ai tạo nghiệp thì người ấy chịu. Tập thể đồng gây nhân thì tập thể đồng phải chịu. Còn mình không làm phước nếu có người hồi hướng mình vẫn có thể được hưởng, nhưng mình với người hồi hướng cũng phải có nhân duyên. Phật dạy đệ tử Phật dù làm phước lớn hay nhỏ đều nên hồi hướng.

Người làm phước mở được tâm rộng lớn, để dẹp cái ngã, ích kỷ của mình. Tu để đến chỗ giác ngộ giải thoát là phải xả được cái nhỏ hẹp. Phước là một cái năng lực, năng lực này hướng đến ai thì người đó được hưởng. Nhưng còn được hưởng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào người nhận nữa và trong các cõi.

Như trong kinh Địa Tạng nói: làm phước được bảy phần thì người sống hưởng sáu phần hồi hướng cho người chết chỉ được hưởng một phần. Đấy là cái năng lực đặc biệt của phước báu.

Câu hỏi 64: Chân thật xuất gia cứu được bảy đời cha mẹ

Con bạch Thầy! Người chân thật xuất gia cứu được bảy đời cha mẹ, nhưng ngài Mục Liên đã chứng quả A La Hán sao mẹ Ngài vẫn bị đọa. Mong Thầy giải thích cho con?

Trả Lời:

Phật nói: Người con chân thật xuất gia cứu độ được bảy đời cha mẹ. Cứu độ chứ không phải là xuất gia xong là bảy đời cha mẹ hết đọa ngay. Mình xuất gia mà bố, mẹ ở nhà cứ đi ăn trộm, ăn cắp thì làm sao mà không đọa. Bảy đời cha mẹ không chỉ là có bảy đời mà là rất nhiều kiếp trước.

Người con chân thật xuất gia sẽ giáo hóa cha mẹ mình rất rất nhiều kiếp trước, mình đủ năng lực thì sẽ cứu độ được cha mẹ. Ngài Mục Liên đi xuất gia nhưng mẹ Ngài ở nhà vẫn tạo ác thì bà vẫn phải đọa đó là luật nhân quả. Chứ không phải đi tu rồi mẹ mặc sức tạo ác không bị làm sao cả, đó là mê tín. Ví dụ như bây giờ các Phật tử có ai đi tu rồi mình và bạn đạo về sẽ cảm hóa được cha mẹ. Cha mẹ sẽ nghĩ bây giờ mình có người con đi tu mình mà làm điều tội lỗi xấu xa thì không được sẽ mang tiếng, thì cha mẹ sẽ chuyển tâm đấy cũng là cái mình độ.

Ngài Mục Liên đã phát nguyện nhiều kiếp đi theo bà Thanh Đề để độ bà đến kiếp này Ngài mới độ được là nhờ Ngài xuất gia và nhờ đức của chúng Tăng không thôi thì cũng không thể độ.

Câu hỏi 66: Thỉnh chuông có ý nghĩa như thế nào

Con bạch Thầy! Ở các chùa thường thỉnh chuông vào buổi sáng và buổi chiều mà không phải lúc khác, vậy có ý nghĩa như thế nào ạ?

Trả Lời:

Buổi sáng thỉnh chuông mang ý nghĩa thức tỉnh chúng sinh còn đang chìm trong giấc ngủ. Còn buổi chiều cũng là để thức tỉnh chúng sinh ở các cõi họ nghe.

Trong Lương Hoàng sám có nói nếu tiếng chuông này thấu xuống địa ngục chúng sinh trong ấy nghe được thì có thể tạm ngừng tra tấn. Đấy là nói về mặt sự tướng, còn về ý nghĩa thì rất sâu xa.

Khi lòng mình đang đầy phiền não đấy chính là địa ngục, là tâm thức mình đang trong địa ngục chợt nghe thấy tiếng chuông tự nhiên lòng mình nhẹ nhàng. Cho nên nói là ” nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ” mình nghe chuông mình tỉnh ra thì lòng mình nhẹ đi thì đấy là chúng sinh trong địa ngục được nghỉ. Cho nên ở chùa thường thỉnh chuông để thức tỉnh chúng sinh quay về bản tâm đấy là ý nghĩa của việc thỉnh chuông.

3/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status