Hãy nghe câu chuyện này
“Trong “Long Môn Tử ngưng đạo kí” của Tống Liêm – nhà chính trị, nhà sử học, nhà văn, nho sĩ, đại thần cuối thời Nguyên đầu thời Minh có ghi chép lại một câu chuyện như sau:
Thời xưa, ở đất Tây Vực có một thương nhân họ Hồ mang một khối bảo ngọc đem bán. Khối bảo ngọc ấy có màu hồng thuần khiết, giống như màu hồng của hoa anh đào, dài mười phân, có giá hơn mười vạn đồng.
Long Môn Tử hỏi thương nhân họ Hồ: “Bảo ngọc này có thể chống lại đói khát không?”
Người họ Hồ nói: “Không thể!”
“Bảo ngọc này có thể chữa khỏi bệnh tật không?”
“Không thể!”
“Vậy bảo ngọc này có thể xua đuổi ôn dịch không?”
“Cũng không thể!”
“Bảo ngọc này có thể dạy con cái hiếu thảo với cha mẹ, anh em thuận hòa với nhau không?”
“Không thể!”
Long Môn Tử lại hỏi: “Đã vô dụng như vậy thì rốt cuộc vì sao mà giá của nó lại cao hơn cả mười vạn đây?”
Thương nhân họ Hồ đáp: “Bởi vì nó được xuất sinh ở một nơi xa xôi nguy hiểm, phải trải qua muôn phần gian nan mới kiếm được. Cho nên, nó mới vô giá.”
Long Môn Tử cười cười bỏ đi rồi nói với đệ tử của mình là Trịnh Uyên: “Cổ nhân có câu nói như thế này: Vàng tuy là vật quý nhưng người sống mà ăn vào thì sẽ chết, bụi vàng rơi vào mắt, mắt sẽ mù.” Đã lâu như vậy rồi, bảo vật đối với bản thân ta là không có gì quan trọng. Trên người ta có một khối bảo vật trân quý nhất, giá trị của nó không phải chỉ là mười vạn đâu. Báu vật này, nước không thể làm ướt, lửa không thể thiêu cháy, gió không thể thổi đi, ánh mặt trời không thể sấy khô. Tên của nó chính là “lương tâm”. Dùng tốt lương tâm thì thiên hạ an định, thủ vững lương tâm thì thân thể được bình an. Cho nên “lương tâm” mới là báu vật vô giá.”
Ngập ngừng một lát, Long Môn Tử lại nói: “Nhưng mà…có người lại không biết ngày đêm đi bảo hộ nó mà đem địa vị, tiền tài, mỹ nữ, châu báu coi là việc quan trọng duy nhất rồi liều mình theo đuổi. Đây chẳng phải chính là “bỏ gần mà tìm cầu xa”, “bỏ quý mà tìm cầu rẻ mạt” sao?”
“Có một số người chính là đã đánh mất đi lương tâm của mình, làm mất đi báu vật vô giá của mình rồi!..”
Lương tâm theo Khổng Tử răn dậy đệ tử chính là đạo đức. Khổng Tử nói: “Lập đạo của trời nói âm và dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa.”
Tất cả các tính khác của con người đều do nhân và nghĩa mà tạo nên, cũng như vạn vật, vạn việc trên trời dưới đất do âm dương, nhu cương tạo thành vậy, con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc, chính vì lẽ đó con người muốn được coi là “nhân” thì phải có nhân, nghĩa phải có lương tâm. Lương tâm chính là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh.