“Mừng tuổi” là một tục lệ, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta từ xưa đến nay. Thế nhưng, ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất người dân từng bước được nâng lên, tục mừng tuổi ngày Tết đang dần bị thương mại hóa, mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Tết càng đến gần, vợ chồng anh Minh, chị Hà (xã Văn Lang, Hưng Hà) lại càng tích cực dệt khăn với hy vọng hết tháng sẽ lĩnh được số tiền “kha khá” để tiêu Tết. Chị Hà tâm sự: “Là con trưởng trong nhà, sống chung với ông bà nội nên ngày Tết các chú, các cô, họ hàng, hàng xóm đến chúc Tết rất đông. Bên cạnh việc sắm sửa chuẩn bị Tết, chuyện mừng tuổi cho mấy chục đứa cháu đến Tết cũng tiêu tốn hàng triệu đồng”.
“Mừng tuổi” là một tục lệ, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta từ xưa đến nay. Trước đây, người lớn thường mừng tuổi trẻ con những đồng tiền lẻ còn mới với ý nghĩa đó là đồng tiền may mắn giúp trẻ con mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, học giỏi. Mừng tuổi trong những ngày đầu tiên của năm mới đem lại niềm vui đầu năm cho cả người đi mừng và người được mừng.
Thế nhưng, ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất người dân từng bước được nâng lên, tục mừng tuổi ngày Tết đang dần bị thương mại hóa, mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Đối với người lớn đó là chuyện “duy trì mối quan hệ”; với trẻ nhỏ là chuyện “được bao nhiêu tiền?”, là cách nhìn nhận “cô này rộng rãi, bác kia keo kiệt”. Từ một phong tục chứa đựng những giá trị tinh thần mang tính nhân văn sâu sắc, ý nghĩa của tục “mừng tuổi” đang dần bị biến thể khiến không ít người nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thấy lo lắng, bận tâm.
Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Trường THPT Nam Duyên Hà (Hưng Hà) cho biết: “Khi còn là một đứa trẻ, Tết luôn khiến tôi háo hức, mong chờ. Tết, chúng tôi sẽ được nghỉ học, được bố mẹ cho đi chợ, mua quần áo mới, được nhiều bánh kẹo và quan trọng nhất, sẽ được mừng tuổi, được người lớn chúc học giỏi. Số tiền mừng tuổi ngày ấy chỉ khoảng 1.000 – 5.000 đồng nhưng với chúng tôi đó là những đồng tiền lộc đem lại may mắn cho cả năm. Còn nhớ có năm Nhà nước phát hành tiền xu, đêm giao thừa, tôi được bố mừng tuổi một phong lì xì trong đó có đồng xu 5.000 đồng vàng chóe in hình chùa Một Cột. Đồng tiền ấy đã theo tôi suốt mấy năm sau đó.
Trẻ con ngày ấy không giống với nhiều trẻ con, học sinh cấp 3 bây giờ, các trẻ nhỏ hiện nay mỗi khi đi Tết cùng bố mẹ chỉ quan tâm đến chủ nhà sẽ mừng tuổi bao nhiêu tiền, cô kia mừng nhiều, bác kia mừng ít và sau Tết dùng vào chơi điện tử, mua thẻ nuôi điện thoại, ăn quà vặt…”. Các vị phụ huynh đưa con đi Tết, khi về nhà thì luôn miệng: “Cô A mừng tuổi cho con bao nhiêu?”, “Đưa mẹ xem chú B lì xì con mấy tiền để biết đường mừng tuổi lại cho mấy đứa con chú ấy?”, “Tiền mừng tuổi của con cũng là của bố mẹ, bố mẹ bỏ tiền đi mua quà bánh Tết các bác thì các bác mừng tuổi cho con”. Rất nhiều người đang chú trọng đến số tiền được mừng tuổi mà quên đi ý nghĩa cao đẹp từ phong tục này”.
“Hai vợ chồng đều làm trên Hà Nội, công việc bận mải nên thường chỉ Tết mới về quê. Mỗi năm, tiền mua lễ đi Tết cũng tốn nhưng vẫn không đáng lo bằng cái khoản tiền mừng tuổi. Mặc dù rất kỹ lưỡng trong tất cả các khoản ngày Tết nhất là chuyện mừng tuổi, nhưng năm nào ra Tết lên Hà Nội đi làm cũng phải “vay tiền mừng tuổi” của con để tiếp tục mừng tuổi cho các cháu là con bạn bè đồng nghiệp”. Đó là lời chia sẻ thật thà của chị Hải, xã Nam Cao, Kiến Xương.
Có thể thấy rằng “mừng tuổi đầu năm” là một phong tục mang nhiều ý nghĩa, chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Nhưng, trong cuộc sống hối hả ngày nay, phong tục này đang mất dần ý nghĩa nguyên sơ, thánh thiện của nó bởi người được mừng và người đi mừng đều có xu hướng coi trọng giá trị vật chất, bỏ quên những giá trị tinh thần vốn có từ phong tục này mang lại. Làm gì để giữ lấy ý nghĩa nhân ái, đẹp đẽ của tục “mừng tuổi ngày Tết” có lẽ là điều người lớn chúng ta cần quan tâm!
Vũ Hường