Tham và sân là hai mặt của một đồng tiền. Vì u minh, ta sinh tâm phân biệt, bám víu thứ này, xua đuổi thứ kia. Khi không có được thứ ta muốn, hoặc bị người khác cản trở ta đạt được mục đích của mình, hoặc sự việc xảy ra không theo ý ta muốn, thì ta sinh lòng sân hận, giận dữ, oán thù. Phản ứng bằng những thái độ đó không đem lại lợi ích gì. Chúng chỉ đem lại tai hại. Vì tham, sân và si, ba thứ độc của tâm, ta không ngừng tạo ra nghiệp chướng, phiền não.
Không có gì độc hại hơn là lòng sân hận, vì bản chất của nó là phá hoại. Nó là kẻ thù của ta. Không có thứ hạnh phúc nào có thể đến từ lòng sân hận, vì bản chất tiêu cực của nó.
Giận dữ và tranh chấp có thể mang đến bạo động. Khi bị xúc phạm, phần đông chúng ta cảm thấy phải ăn thua, trả đũa lại cho bằng được. Đó là phản ứng tự nhiên của con người. “Nếu ai thô lỗ với tôi, tôi sẽ đáp lại bằng sự cộc cằn. Nếu ai đánh tôi, tôi sẽ đánh trả lại cho công bằng”. Hay hơn thế nữa, “Nó là kẻ thù của tôi, nếu giết được nó, tôi mới vừa lòng!”
Chúng ta không nhận ra rằng khi ta có khuynh hướng nóng nảy, hay gây thù chuốc oán, thì kẻ thù hình như có mặt ở khắp mọi nơi. Càng ngày ta càng thấy khó thân thiện với một ai, và dễ ghét mọi người. Người ta bắt đầu tránh mặt chúng ta, khiến ta càng thêm lẻ loi, cô độc. Khi nóng giận, đôi khi ta tuôn ra những lời thậm tệ, chửi rủa người khác.
Người Tây Tạng có câu, “Lời nói không mang gươm giáo, nhưng có thể làm thương tổn trái tim”. Lời nói của ta đôi khi rất nguy hiểm, không những vì chúng có thể làm tổn thương người khác, mà còn khích động sự nóng giận trong ta thêm lên. Thông thường chúng ta hay đi trong vòng luẩn quẩn: người này cảm thấy không vừa lòng với người kia, nên thốt lên những lời gây đụng chạm; người kia bèn phản ứng lại cũng bằng những lời không tử tế. Thế là cả hai bắt đầu nóng lên và một cuộc khẩu chiến lại xảy ra. Trong một quốc gia hay nhiều quốc gia trên thế giới cũng thế. Cũng có nhóm này gây hấn với phe phái kia, quốc gia này gây chiến với quốc gia khác.
Khi bạn để sự nóng nảy, giận dữ làm chủ mình, thì cũng giống như khi bạn muốn thủ tiêu ai đó bằng cách vứt họ xuống sông, nhưng hai tay bạn lại ôm chặt lấy họ, như thế thì cuối cùng cả hai đều chìm. Nghĩa là khi bạn muốn tiêu diệt kẻ thù của mình, thì bạn cũng đang tự hủy diệt mình.
Tốt hơn hết là nên dập tắt nhúm lửa sân trước khi nó kịp phát thành một đám cháy, bằng thái độ bình tĩnh. Khi hiểu rõ trách nhiệm của mình với bản thân, ta sẽ dễ hành động như thế hơn. Khi gặp phải một người đối với ta không tốt, làm ta bực bội, ta thường coi như thể tự nhiên họ hành động, ứng xử như thế. Ta đâu biết rằng có thể trong những kiếp trước đó, ta đã nói lời thô lỗ với họ, đánh mắng họ, hay có những tư tưởng thù oán họ. Do đó thay vì đổ lỗi người khác, trách móc hoàn cảnh hay con người làm ta phiền não, ta phải đối mặt với kẻ thù thật sự của ta. Kẻ thù mà, trước mắt làm cho ta mất sự bình an, hạnh phúc và lâu dài hơn lại cản trở ta đạt được sự giải thoát. Kẻ thù đó chính là sự sân hận, cố chấp của bản thân chúng ta.
Hiểu được như thế thì ta không còn gì để chống đối. Không còn cãi vã, không còn nhìn người khác như kẻ thù, khi kẻ thù thực sự đã biến mất. Một phần thưởng lớn lao cho chút công sức nhỏ mọn có phải không? Về lâu, về dài, bạn và tha nhân cũng tránh được sự lặp đi lặp lại những hoàn cảnh tương tự khiến sự xung đột có thể xảy ra. Như thế cả hai người đều cùng có lợi.
Ta có thói quen là luôn tìm cách trả đũa người khác, làm cho bằng họ. Nếu ai xúc phạm ta, ta thường chấp chặt vào đó, rồi tự hành hạ mình bằng những câu hỏi: Tại sao nó lại nói với tôi như thế? Vân vân. Giống như khi người ta bắn một mũi tên về phía ta nhưng không trúng, và khi ta cứ cố chấp về những lời nói, hành động của người thì giống như ta đi nhặt mũi tên đó lên và găm chặt nó vào mình, để tự gây thương tích bằng những suy nghĩ như: “Nó nói những lời đó thật quá đáng, tôi không thể tin là nó có thể nói như thế với tôi”.
Tuy nhiên ta có thể dùng phương pháp này để quán tưởng theo một cách khác, hầu thay đổi các phản ứng giận dữ theo thói quen của ta. Lúc đầu ta sẽ khó thực hành trong những lúc đang nóng giận, đầu óc không được sáng suốt, nhưng ta sẽ bắt đầu thực hành khi ở nhà một mình. Hãy tưởng tượng ra những xung đột và các phản ứng thông thường của ta. Thí dụ, tưởng tượng ra ai đó đánh đập, sỉ nhục hay xúc phạm bạn. Bạn tự nghĩ: “Tôi phải làm gì? Tôi phải bảo vệ tôi chứ – tôi sẽ chống trả lại. Tôi sẽ đuổi cổ hắn ra khỏi nhà”. Giờ thì thử một cách ứng xử khác. Hãy tự nhủ mình, “Kẻ này đang chọc giận ta, nhưng sân hận là gì? Nó là một trong những món độc hại cho tâm, dẫn tới tạo ra ác nghiệp, dẫn tới đau khổ thêm. Trả đũa lại với người làm ta tức giận cũng giống như nhìn thấy một người điên sắp nhảy xuống vực thẳm. Ta có cần hành động giống như thế không? Hành động đó rõ ràng là điên rồ, nhưng càng điên hơn, nếu ta cũng làm giống như người đó”.
Hãy nhớ rằng những người tấn công, đối xử không tốt với bạn, chỉ tự chuốc lấy khổ đau, tạo ra các ác nghiệp chỉ vì u minh. Họ nghĩ rằng họ đang hành động vì lợi ích của bản thân, đang sửa chữa những điều sai trái, hay ngăn cản những điều tai hại có thể xảy ra. Nhưng sự thật là hành động của họ không mang lại lợi ích gì. Họ có nhiều điểm giống với một kẻ đau đầu, nhưng lại dùng búa đập vào đầu mình để giảm đau. Và rồi, họ đổ lỗi cho người khác về nỗi đau của mình, người khác lại giận dữ, chống đối trở lại làm cho sự việc càng thêm tồi tệ. Khi nghĩ về những bất hạnh của họ, ta nhận ra rằng họ đáng cho chúng ta thương hơn là trách móc, giận hờn. Lúc đó ta sẽ có thêm động lực để làm mọi cách bảo vệ họ khỏi phải đau khổ thêm, như ta vẫn làm với đứa trẻ cứng đầu, cứ chạy ra đường, nhưng khi ta cố dẫn nó vào thì nó đánh đấm, cào cấu ta. Thay vì bỏ mặc những kẻ tự hủy mình như thế, ta cần phải nhận ra rằng chính họ cũng đang đi tìm hạnh phúc nhưng không biết phải làm sao.
Hơn nữa kẻ thù của ta hôm nay chưa hẳn sẽ là mãi mãi. Kẻ gây phiền não cho ta hôm nay, sau này có thể trở thành bạn tốt của ta. Hay trong một tiền kiếp nào đó, họ có thể là người đã sinh ra, nuôi nấng và thương yêu ta.
Thực hành quán tưởng như thế mãi, ta sẽ biết cách phản ứng lại với những xung đột bằng lòng từ bi, trả lại sự giận dữ bằng lòng tử tế của mình.
Một phương cách khác có thể sử dụng nữa là phát triển chánh niệm về tánh không thực của sân và mục tiêu của sân. Thí dụ có người nói với ta rằng: “Anh là kẻ xấu xa”. Hãy tự hỏi mình rằng: “Điều người ta nói có làm mình trở thành người xấu không? Hay ngược lại nếu mình xấu, mà họ bảo mình tốt, thì có làm mình tốt hơn không?” Nếu có ai đó bảo rằng than là vàng, có làm cho than trở thành vàng không? Hoặc họ bảo rằng vàng là than, có làm cho vàng trở thành than không? Sự vật không thay đổi theo lời nói thế này, thế nọ của người đời. Tại sao ta phải quá bận tâm vì những lời nói đó?
Hãy ngồi trước tấm gương, nhìn nét mặt của bạn, rồi nói: “Bạn xấu lắm, bạn tồi lắm”. Hay nói ngược lại: “Bạn tốt lắm, bạn đáng yêu lắm”. Dầu bạn nói gì, hình ảnh trong gương vẫn không thay đổi. Khen tặng hay phỉ báng tự chúng không có thực, giống như một tiếng vọng, một chiếc bóng, một phản chiếu. Chúng không có quyền lực gì để làm ta tốt hay xấu đi.
Khi đã thực hành bằng cách đó, ta bắt đầu nhận ra rằng sự vật không có thực thể, giống như một giấc mộng, một ảo tưởng. Do đó, ta phát triển được tâm rộng lớn – tâm không cố chấp, để khi sân nổi lên, thay vì phản ứng theo thói quen, ta có thể dừng lại, quán sát tâm, tự hỏi: “Cái gì đây? Cái gì có thể khiến ta đỏ mặt, run tay? Nó ở đâu đến thế này?” Ta sẽ thấy là không thể thấy được hình tướng của sân hận, không có gì để tìm.
Một khi ta không thể tìm ra cái giận, ta có thể để tâm tự tại. Ta không đè nén sân, không xua đuổi nó, cũng không làm theo nó sai khiến. Ta cứ để tâm dừng lại ở trạng thái đó, rồi ta sẽ thấy là sân hận cũng như tham ái, thật ra không giống như ta tưởng. Ta bắt đầu nhận ra được khoảng cách thật của nó, chỉ là hình ảnh phản chiếu qua tấm gương.
Có lẽ những điều này nói dễ hơn làm. Sân có đủ sức mạnh để khuấy động tâm ta hơn, và ta phóng theo nó –bằng cách này hay cách khác. Chúng ta phóng tâm đến phán đoán, đến phản ứng, đến thứ này hoặc thứ kia, ngụp lặn trong những điều làm ta thêm mất bình tĩnh. Thói quen chống trả lại đã được hằn sâu, thành nếp do được lặp lại nhiều lần, kiếp này qua kiếp khác.
Chỉ qua thực hành, áp dụng những phương pháp này, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, ta mới mong bỏ được những thói quen đó. Quá trình này có thể phải lâu dài, nhưng rồi ta sẽ thay đổi được. Ta rất dễ dàng thay đổi một cách tiêu cực. Khi ta đang hạnh phúc, vui vẻ, chỉ cần ai đó nói đến điều gì, làm điều gì không vừa ý là ta trở nên bực bội, nhưng thay đổi để tốt hơn, một cách tích cực hơn đòi hỏi phải có kỷ luật, công sức, và kiên nhẫn.
Chúng ta không cần một nhà tiên tri để biết tương lai mình ra sao – ta chỉ cần nhìn ngay tâm mình. Nếu như chúng ta có trái tim nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác thì ta sẽ tiếp tục được hạnh phúc. Trái lại, nếu tâm ta chỉ chứa đầy những tư tưởng sân hận, muốn hại người, ta sẽ gặp toàn những chuyện không may.
Nếu ta luôn kiểm soát tâm, tiếp tục chữa trị các chứng bệnh của tâm, dần dần ta sẽ thấy được sự đổi thay. Chỉ có ta mới biết được những gì xảy ra trong tâm ta. Chúng ta có thể dối gạt người khác. Chúng ta có thể phỉnh phờ bảo một cái túi da phình to là đựng của báu, nhưng khi người ta ngồi lên trên đó, người ta sẽ khám phá ra nó trống rỗng. Tương tự ta có thể ngồi trong tư thế tọa thiền hằng giờ nhưng nếu lúc đó trong đầu ta chỉ toàn tư tưởng độc hại, thì ta chỉ tự dối gạt mình. Tốt hơn hết là phải thành thật với chính mình, chịu trách nhiệm về những gì ta thấy trong tâm ta – hơn là phán đoán chúng – và điều trị chúng đúng thuốc để ta có thể lành bệnh.