Trong guồng quay hối hả của cuộc sống, những ngày cuối năm, dù bận rộn tới đâu, dù có ra bắc vào nam, đi ngược về xuôi hay ở nơi nào trên khắp thế giới, mỗi người dân Việt Nam lại hướng về quê hương của mình, nơi đó, có gia đình thân thương, có người cha người mẹ kính yêu đang đứng ngóng chờ, để rồi cả gia đình quây quần bên mâm cơm Tất niên – Bữa cơm chiều Ba mươi Tết.
Ngay từ sáng sớm ngày ba mươi, nhà nhà đều tất bật dọn dẹp nhà cửa, trang trí cho gian phòng khách thật ấm cúng, có màu sắc đỏ thắm hoặc hồng phớt của hoa đào, có âm thanh rộn ràng của khúc nhạc chào năm mới, hòa quyện cùng hương hoa cúc, lay ơn thoang thoảng đến nồng nàn khiến tâm hồn con người ta như bị chững lại. Dường như không gian này, thời gian này có một điều gì đó thật ý nghĩa đối với mỗi con người. Nhưng thực ra, ẩn sâu trong đó lại chính là sự níu kéo kì lạ của gia đình.
Trưa ngày ba mươi Tết, mọi người đi chợ sắm sửa những đồ vật cuối cùng cần thiết cho Tết, đặc biệt là mâm cơm chiều 30. Các thành viên trong gia đình không ai bảo ai, mỗi người một việc chuẩn bị làm cơm thắp hương. Đây được coi là bữa cơm quan trọng nhất trong năm để những người trong gia đình sau một năm tất bật với những lo toan của cuộc sống, với những khó khăn hay thuận lợi, buồn vui hạnh phúc hay khổ đau cùng nhau ngồi lại, quây quần bên nhau để san sẻ tâm tư, nỗi niềm.
Có thể nói bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết, song đó là phong tục của người dân Việt Nam. Đây không phải là lễ bắt buộc nên có nhiều nhà không có bữa cơm này, nhưng là dịp cần thiết để mỗi gia đình sum họp, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, gặp gỡ những người con cháu ở xa sau một năm. Bữa cơm tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về.
Thời gian cứ trôi qua, lớp màu thời gian có thể phủ kín lên những thứ nhạt nhòa. Nhưng những giá trị đã đi vào tiềm thức của người Việt Nam thì không bao giờ phai nhạt. Bữa cơm tất niên mang ý nghĩa tư tưởng của mỗi người khi xuân về. Mùi Tết ấm áp từ bữa cơm tất niên lan tỏa là thời khắc tình cảm con người tuôn trào. Không chỉ có vậy bữa cơm tất niên còn có nhiều ý nghĩa tâm linh.
Theo quan niệm truyền thống, bữa cơm cuối cùng của năm là để tiễn biệt năm cũ, ăn xong người ta sẽ bỏ qua mọi muộn phiền của năm cũ, những giận hờn cũng sẽ xóa bỏ từ đây. Mâm cơm tất niên còn là tục lệ truyền thống rước ông Công, ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc của gia chủ. Ngoài ra, đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình. Có thể ra mộ của bậc trên đã khuất thăm hương với mong muốn rước ông bà tổ tiên về cùng ăn tết với gia đình hoặc cũng có thể thắp hương cúng tất niên ngay tại gia đình.
Lễ tất niên được tiến hành vào chiều ngày 30 Tết. Trong ngày 30 Tết, nhà nhà đều dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết. Sau khi công việc chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầm ấm, thiêng liêng, vui vẻ xong thì phải chuẩn bị mâm cỗ cúng Tất niên. Mâm lễ cúng Tất niên thường gồm: Hương hoa, vàng mã; Đèn nến; Trầu cau; Rượu; Bánh chưng và các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, tinh khiết, bầy biện đầy đặn, trang nghiêm.
Qua bao nhiêu năm, tôi vẫn còn nhớ như in bài văn cúng của mẹ trong lễ tất niên. Nó mang đậm ý nghĩa nhân văn, đặc biệt là chứa đựng cái tình của thế hệ sau với bậc sinh thành: “Hôm nay là ngày 30 tết chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên địa Tôn thần, phụng hiến tổ tiên, truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuệ trừ cáo tế cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận”.
Khi những nén hương đã cháy hết, mẹ từ từ bưng mâm cỗ từ ban thờ xuống, cả nhà lại sum vầy đầy đủ bên mâm cơm chiều ngày cuối cùng của năm cũ. Cứ như thế, biết bao những vụn vặt lo toan thường ngày tan biến, nhường chỗ cho những niềm vui, những câu chuyện tâm tình và cả giọt nước mắt cảm động trong sự yêu thương.
Thưa quý vị!
Trong cuộc sống hiện đại, gấp gáp ngày nay, nhiều người vẫn thường mơ về một gia đình mà một năm có ngày đủ 3 hoặc 4 thế hệ cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện. Trong khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ, con cháu thành kính báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa. Ông bà cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng người, trong đó có việc phải đến chúc tết, thăm hỏi những cụ cao niên trong họ.
Khi rời xa mới biết ý nghĩa của gia đình, Bởi vậy mà khi đi xa ta muốn tìm về gia đình của mình, ít nhất là trong ngày cuối năm được quây quần, ấm áp. Như những vần thơ:
Nơi có mẹ cha có ông bà anh chị
Có cả xóm giềng và những người tri kỉ
Luôn cạnh bên chia sẻ nỗi vui buồn…
Chiều 30 Tết, chiều ngày cuối cùng của năm cũ, chiều của những tình cảm thiêng liêng gia đình và bữa cơm tất niên sum họp.
Đức Tùy