Chuyển tới nội dung

Hạnh phúc thay Đức Phật đản sinh

  • bởi

Đức Phật đản sinh là sự kiện lớn của nhân loại và là niềm hân hoan của tất cả người con Phật trong năm châu bốn biển. Bởi từ đây, nhân gian được hấp thụ nguồn Chánh pháp, chân lý được hiển bày và con đường diệt khổ để tìm đến an vui, hạnh phúc được hé lộ. Hạnh phúc thay Đức Phật đản sinh!

Đức Phật đản sinh là sự kiện lớn của nhân loại và là niềm hân hoan của tất cả người con Phật trong năm châu bốn biển. Bởi từ đây, nhân gian được hấp thụ nguồn Chánh pháp, chân lý được hiển bày và con đường diệt khổ để tìm đến an vui, hạnh phúc được hé lộ. Hạnh phúc thay Đức Phật đản sinh!

Ngày Phật Đản lòng son nên nhớ

Mấy ngàn năm lòng chớ phôi pha

Nhớ ơn điều ngự Thích Ca

Cử hành đại lễ dâng hoa cúng dường.

Phật là từ để chỉ cho đấng giác ngộ. Ngoài ra từ Phật cũng là danh từ chung để chỉ cho sự giác ngộ của tất cả chúng ta. Đứng về góc độ lịch sử thì hôm nay là ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn đứng ở góc độ tư tưởng thì khi nào chúng ta có giác ngộ, có tỉnh thức thì khi đó có “Đức Phật” ra đời. Đức Phật ra đời đồng nghĩa với sự hạnh phúc của tất cả chúng sanh trên đời này bởi khi tâm hồn tăm tối vô minh, không có sự giác ngộ, không có sự tỉnh thức thì đồng nghĩa với sự đau khổ. Khi có Phật đản sinh trong lòng thì khi đó là hạnh phúc

Hạnh phúc thay Đức Phật giáng sinh

Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh

Hạnh phúc thay tăng già hòa hợp

Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu

( Kinh Pháp cú phẩm Phật Đà 194)

I. MANG ĐẾN SỰ BÌNH ĐẲNG CHO CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI GIAI CẤP

Nhìn lại lịch sự, chúng ta thấy Đức Phật là một nhà cách mạng xã hội, là người có tư tưởng lớn, đã mang đến cho dân chúng Ấn Độ một cuộc sống an lành và bình đẳng hơn khi Ngài khẳng định rằng “ Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn”. Và trong suốt cuộc đời của Đức Phật đã chứng minh được điều này.

Thời Đức Phật, đất nước Ấn Độ tồn tại bốn giai cấp. Và bốn giai cấp này được sinh ra từ bốn vị trí của Phạm Thiên, là người sáng tạo ra vũ trụ này theo quan điểm của kinh Vệ Đà. Đó là Bà Là Môn, Sát Đế Lợi, Vệ Xá, Thủ Đà La

•        Bà La Môn được sinh ra từ miệng của đấng Phạm Thiên: Là những người tu sỹ chịu trách nhiệm tế tự, cúng bái, nghi lễ của Ấn Độ thời bấy giờ. Và luật này có từ trước khi Đức Phật ra đời 2000 năm.

•        Sát Đế Lợi được sinh ra từ vai của đấng Phạm Thiên: Là những vua quan, binh sỹ để nắm quyền hành trong tầng lớp của xã hội

•        Vệ Xá được sinh ra từ đùi của đấng Phạm Thiên: Là những người kinh doanh, buôn bán, thường thuyền để tạo ra vật chất trong xã hội

•        Thủ Đà La được sinh ra từ bàn chân của đấng Phạm Thiên: Là giai cấp nô lệ, chỉ phục dịch cho những giai cấp trên

Một xã hội sống theo giai cấp của Ấn Độ trước khi Đức Phật ra đời làm cho những người cùng đinh, thấp hèn rất đau khổ.

Cho nên bằng trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật, Ngài không chấp nhận chuyện bất công này. Do đó, điều tuyệt vời nhất là Đức Phật đã đem sự bình đẳng đến cho mọi người, không chia giai cấp giàu nghèo hay giai cấp trên dưới nên Ngài đã chấp nhận những giai cấp thấp nhất vào giáo đoàn của và họ đã trở thành bậc tôn kính như bao nhiêu người khác.

Chúng ta thấy rằng đức Phật đã làm thay đổi lịch sử của Ấn Độ bằng quan điểm Phật tánh bình đẳng.

       – Bình đẳng thứ nhất là bình đẳng về các vai trò khác nhau trong xã hội, đừng để người này phải bóc lột người kia.

        – Bình đẳng thứ hai là bình đẳng trong Phật tánh, đó là bản thể của tất cả chúng sanh.

Như vậy Đức Phật đã làm một điều vĩ đại trong lịch sử:

1. Ni Đề là kẻ gánh phân, là kẻ thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, vẫn được xuất gia và vẫn được đắc quả.

2. Am bà ba li là một kỷ nữ vang danh trong kinh thành Tỳ Xá Ly cũng được Ngài độ để trở thành bậc thánh ni

3. Vô Não là kẻ giết người không ghớm tay đức Phật cũng độ được để chứng đắc.

Đức Phật đã nói rằng: Giáo pháp của ta cũng như nước. Nước có khả năng rửa tất cả các bụi nhơ, bu bám vào cho dù là vật cao quý hay là vật thấp kém đều có khả năng rửa sạch cả. Giáo pháp của Ta cũng như đất có thể dung chứa tất cả những loại cao quý cũng như thấp hèn. Giáo pháp của ta cũng như lửa có thể đốt tất cả những hương liệu thơm tho hoặc hôi dơ khác.

II. MANG ĐẾN SỰ BÌNH ĐẲNG TRONG TU TẬP.

Điều này thể hiện rõ hơn trong kinh Pháp Hoa phẩm Đề Bà Đạt Đa, khi ngài Trí Tích và ngài Xá Lợi Phất luận bàn về sự việc con gái 8 tuổi của vua Rồng Ta Kiệt La có khả năng chứng đắc thành Phật. Khi ấy ngài Xá Lợi Phất không tin nổi vì là rồng cái, loài súc sinh và mang thân nữ thì sao có khả năng độ chúng sanh nhanh như thế để thành Phật được?

Khi đó, con gái 8 tuổi của vua Rồng hiện lên dâng lên Phật hạt minh châu và nói tôi sẽ thành Phật nhanh hơn việc dâng viên minh châu này. Thế là bỗng chốc biến thành thiện nam tử và bay lên hư không thành Phật.

Câu chuyện này cho thấy Phật giáo Đại Thừa luôn đề cao sự bình đẳng tong tu tập, nghĩa là mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Mà chúng sanh không chỉ riêng loài người mà là tất cả pháp giới chúng sanh. Tư tưởng bình đẳng của Phật giáo khác với tư tưởng của những tôn giáo khác. Với Phật giáo tu để thành Phật chứ không phải thành con dân của Ngài “ Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”

Vì vậy hạnh phúc thay Đức Phật đản sinh về mặt tư tưởng hay lịch sử đều đạt ý nghĩa tối cao.

III. SỰ THÁI BÌNH VÀ HẠNH PHÚC

Đức Phật ra đời đã mang đến cho chúng ta một quan niệm về cuộc sống không có phân chia, không có người bóc lột người, để chúng ta sống bằng lòng từ bi, yêu thương và san sẻ. Vì thế nếu nhân loại này, thế giới này sống theo quan niệm của Đức Phật thì không bao giờ có chiến tranh, không bao giờ có sự lầm than và đau khổ, nên người ta thường nói Phật giáo đến đâu thì hòa bình đến đó.

Chúng ta nên nhớ suốt thời kỳ của Đức Phật tại thế, các quốc gia nhỏ trong đất nước Ấn Độ không có chiến tranh. Vì khi Đức Phật đi đến đâu đều giáo hóa được cho vua chúa ở đó về cách trị vì bằng tình thương và tôn trọng hòa bình.

Lời dạy của Đức Phật đến vua Ba Tư Nặc, một vị vua của nước Kosala – đất nước rất lớn thời bấy giờ.

“ Này đại vương, tất cả những việc thiện ác chúng ta làm đều không muốn, mọi việc thiện ác đều theo ta như bóng theo hình. Đại vương! Hãy yêu thương thần dân như con ruột của mình, đừng bóc lột họ, đừng làm đau khổ họ, hãy bảo vệ họ như bảo vệ chính đôi tay của mình. Đừng vì những tham vọng mà làm khổ quần chúng, đừng vì những danh vọng, địa vị của mình mà giẫm đập đi những danh vọng, địa vị của người khác để phục vụ riêng cho tham vọng của mình. Hãy tu và làm theo chánh đạo, hãy nguyện suốt cuộc đời đi trên con đường lành. Hãy gần gũi và yêu thương kẻ nghèo khổ, hãy quan tâm hơn đến quần chúng. …”

Như vậy lời dạy của Đức Phật lúc nào cũng đem đến một sự đoàn kết, hòa họp cho tất cả các quốc gia chứ không bao giờ đem đến cho dân chúng sự hiếu chiến, sự ham muốn quyền lực, địa vị của mình mà cất binh đánh để thí mạng biết bao chúng sanh.

IV. CHÚNG TA CẢM THẤY HẠNH PHÚC NHƯ THẾ NÀO KHI LÀ NGƯỜI CON PHẬT?

– Có học tu theo Phật chúng ta hiểu được chân lý về sự vô thường, nhân quả, luân hồi, biết được những việc thiện nên làm và những việc ác nên tránh.

– Có học tu theo Phật chúng ta cảm thấy tự tin hơn, chúng ta thấy tâm mình hiền hòa hơn, chúng ta biết sống sẻ chia hơn bởi học tu theo Phật chúng ta biết được chân lý nhân quả.

– Có học tu theo Phật chúng ta giác ngộ được sự tái sinh, nghĩa là thân phận của chúng ta đều thay đổi theo thời gian. Sự kết thúc của con người chỉ là giai đoạn tạm thời và nó sẽ bắt đầu bằng giai đoạn mới với một thân phận nào không ai khẳng định được trong sáu nẻo: Trời, người, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tùy nghiệp mà thọ sanh, tùy theo nghiệp xấu ác đã tạo, dù là con Phật hay không phải con Phật cũng phải chịu chi phối từ quy luật tự nhiên này.

** Cho nên:

– Nhờ học Phật chúng ta sống mới thấy có ý nghĩa và lợi ích hơn, làm chúng ta dần bỏ bớt đi tham, sân, si và ích kỷ.

– Nhờ chúng ta có tu tập theo Phật mà chúng ta mới bớt gây oan trái cho người khác, mới biết nhường cơm sẻ áo, mới biết tha thứ cho từng lỗi lầm của mình và người. Điều này rất quan trọng vì chúng ta học Phật sẽ biết rất rõ hôm này còn ngay mai nữa chứ không phải như vậy là sẽ kết thúc. Và khi học Phật chúng ta thấy con người của mình thay đổi đi rất nhiều từ quan điểm đến giá trị sống thực tế.

** Bên cạnh đó, có những người không bao giờ biết tin Phật, nói đến đạo Phật là cho rằng yếu đuối, mê tín. Nhưng khi có chuyện hữu sự thì chơi vơi, dễ dàng bị những đều mê tín, tà đạo lợi dụng và lôi dẫn đến những vực thẳm của tội ác mà không biết. Đó cũng hợp theo luật nhân quả vì không tạo thiện duyên với Chánh pháp thì sẽ bị ác duyên của mê tín dụ dẫn, khi không đủ sáng suốt để biết phân tích đúng sai.

Cho nên hạnh phúc nhất của người con Phật chính là học được lời dạy của Đức Phật để mang lại hạnh phúc tốt đẹp cho hôm nay và ngày mai, kịp thời nhận chân được tham, sân, si ở trong lòng mình, để chặn bớt đi những tội ác bằng sự mê lầm trong đầu của chúng ta trước đó.

Do đó, hạnh phúc thay khi chúng ta là người con Phật, hấp thụ giáo pháp của Đức Phật. Trên cuộc đời không ai làm được hết lời Phật dạy nhưng cứ nghiên cứu và nghiền ngẫm đi, rồi cũng có lúc chúng ta sẽ thấy nhờ Phật pháp mà cứu đời chúng ta. Vì sự thật chúng ta phải tự giác ngộ lấy, không ai giác ngộ cho chúng ta được và cũng không ai gánh những sai lầm mà chúng ta gây ra.

Qua bài chia sẻ Hạnh phúc thay Đức Phật đản sinh, mong rằng trong dịp tạ ơn Đức Phật, ngoài việc lễ lạy, cung kính chúng ta nên làm sao để giáo pháp của Ngài được lan truyền, giới thiệu đạo Phật đến với tất cả mọi người, để xã hội khi thấm nhuần Phật pháp thì sẽ bớt đau thương. Đó là việc làm thiết thực nhất, tạo nên những hoa trái ngọt ngào để chúng ta dâng lên ngày Đức Phật đản sinh:

Ngàn năm giáo pháp mưa bay

Ngàn năm giáo pháp tuyên bày muôn phương

Ngàn năm như ánh trùng dương

Ngàn năm giáo pháp tỏ hương ngạt ngào

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status