Câu chuyện dưới đây đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Nội dung câu chuyện như sau:
Con của một người bạn tôi tốt nghiệp đại học đã nửa năm nhưng không đi tìm việc mà chỉ quanh quẩn ở nhà, ban ngày ngủ, đêm thức lướt web. Mới đây, cậu ta muốn xin bố mẹ tiền để sang Mỹ du học.
Bạn tôi đã tham khảo ý kiến của tôi rằng có nên cho con đi học hay không. Nhìn mái tóc đã ngả nhiều sang màu trắng của bạn, tôi nén tiếng thở dài: “Nếu cậu thực sự nghĩ cho con, hãy cho nó đi nhưng không cho nó tiền”.
Câu chuyện của người bạn bỗng khiến tôi nhớ lại câu chuyện về chồng của cô em gái. Cậu ấy là người Mỹ, từ nhỏ đã thích cuộc sống hướng ngoại. Thời trai trẻ, cậu ấy muốn chu du khắp thế giới rồi mới quay về đi học.
Mặc dù bố làm bác sĩ, điều kiện kinh tế gia đình rất khá nhưng bố mẹ không chu cấp cho con. Bản thân em rể tôi cũng không xin tiền gia đình. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chú ấy lập tức đến Alaska khai thác gỗ kiếm tiền.
Vì Alaska mùa hè ngày rất dài, mặt trời giữa đêm mới lặn, 3h sáng lại mọc nên nếu một ngày làm 16 tiếng, tiền công khai thác một mùa gỗ đủ để chú ấy đi du lịch vòng quanh thế giới.
Sau hai năm đi chu du khắp nơi, chú ấy mới quay về học đại học.
Bởi vì quyết định chọn ngành học sau khi đã suy nghĩ kỹ và có những trải nghiệm thực tế nên chỉ sau 3 năm, em rể tôi đã học xong chương trình đại học vốn kéo dài 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, công việc của cậu ấy khá thuận lợi, luôn đảm nhiệm vai trò kỹ sư trưởng.
Một lần tiếp xúc với chó sói
Có một lần, em rể tôi chia sẻ với tôi một câu chuyện có thể nói đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời cậu ấy về sau.
Đó là khi làm việc tại Alaska, cậu ấy và một người bạn đã nghe thấy tiếng chó sói kêu rất thê lương. Họ vội tìm kiếm theo hướng tiếng kêu vọng lại và cuối cùng đã phát hiện ra một con chó sói mẹ mắc kẹt một chân vào bẫy săn thú, nhìn rất tội.
Em rể tôi biết đó là cái bẫy của một công nhân già. Bác ta chỉ là một tay săn thú nghiệp dư, săn báo để lột da bán lấy tiền phụ thêm cho sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên, người này trong quá trình đi săn vì phát bệnh về tim mạch nên đã được trực thăng đưa đi cấp cứu. Thành ra, con sói mẹ bị mắc kẹt trong bẫy, không thể thoát ra, dường như sắp chết đói.
Em rể tôi đã muốn thả con sói mẹ đó ra song vào thời điểm vừa được phát hiện, nó khá hung dữ, không thể lại gần. Về sau, cậu ấy phát hiện thêm rằng con sói mẹ đang chảy sữa ra ngoài, điều này cho thấy trong hang của nó nhất định sẽ có sói con.
Em rể tôi và bạn suy luận như vậy rồi chia nhau đi tìm hang sói, cuối cùng đã mang được 4 con sói nhỏ đang khát sữa đến cạnh sói mẹ.
Cậu ấy cũng lấy thức ăn của mình cho sói mẹ ăn, giúp nó cầm cự qua cơn đói. Tối đến, họ mắc trại ngay cạnh đó để bảo vệ cả gia đình sói, bởi lẽ sói mẹ đang bị mắc kẹt, chẳng thể tự bảo vệ mình.
Cứ như thế cho đến ngày thứ 5, khi em rể tôi chủ động mang thức ăn sói mẹ, nói không còn thái độ đề phòng nữa mà vẫy vẫy đuôi ra vẻ mừng đón. Em rể tôi biết rằng mình đã được sói mẹ tin cậy.
Thêm 3 ngày nữa trôi qua, sói mẹ mới cho em rể tôi lại gần. Cậu ấy tháo bẫy, giúp con vật thoát khỏi những ngày bị kìm kẹp.
Được thả tự do, sói mẹ liếm tay em rể tôi, để cho cậu ấy giúp nó băng nó bên chân bị thương rồi mới dẫn đàn con đi. Vừa đi, nó vừa thỉnh thoảng ngoái đầu lại nhìn ân nhân cứu mạng mình.
Bài học rút ra cho bản thân
Từ sau việc này, em rể tôi cứ nghĩ mãi, rằng nêu như con người có thể khiến cho mãnh thú chủ động liếm tay mình, trở thành bạn của nhau thì lẽ nào người với người không thể bỏ vũ khí để trở thành bạn của nhau?
Suy nghĩ này đã thôi thúc, nhắc nhở em rể tôi từ đó về sau phải luôn đối xử có thành ý với người khác, bởi lẽ từ câu chuyện của con sói mẹ, có thể thấy rằng, khi chúng ta cho đi thành ý, chúng ta nhất định sẽ được đáp lại bằng thành ý.
Cậu ấy vẫn hay đùa rằng, nếu không phải như vậy, con người thật chẳng bằng con vật.
Kể từ đó, trong công việc và cuộc sống, em rể tôi luôn đối xử với tất cả mọi người bằng sự chân thành, luôn đặt giả thiết rằng tất cả mọi người đều có thiện ý, sau đó mới giải phóng hành vi tương tự của bản thân, luôn giúp đỡ người khác hết sức có thể và không tính toán hay để ý những chuyện vặt vãnh.
Có lẽ nhờ có thêm yếu tố đó mà hầu như năm nào em rể tôi cũng được thăng một cấp, tiến bộ rất nhanh. Điều quan trọng hơn cả là mỗi ngày, cậu ấy đều sống rất vui vẻ. Theo quan điểm của cậu ấy, giúp được người khác thực sự vui hơn là được người khác giúp.
Cậu ấy cũng chia sẻ với tôi rằng, cậu ấy cảm thấy may mắn vì có được những trải nghiệm ở Alaska, bởi quãng thời gian ấy giúp cậu ấy hưởng lợi cả đời.
Quả đúng như vậy, hồng không trải qua sương giá sẽ không ngọt, người không trải qua tôi rèn sẽ không trưởng thành, quan trọng hơn nữa là em rể tôi biết mình nên trân trọng cái gì.
Lời bình
Vì thế, nếu như một ai đó tốt nghiệp đại học mà vẫn chưa biết bản thân muốn gì, vậy hãy cứ mạnh dạn để người đó bước chân ra thế giới bên ngoài, va chạm với cuộc sống một thời gian, để người đó tự nuôi bản thân.
Quan trọng là bố mẹ phải dám buông tay, phải nhận ra rằng sự bảo vệ tốt nhất dành cho con chính là không bảo vệ, cho con một cơ hội để chứng minh bản thân, trải nghiệm cuộc sống.
Chắc chắn rằng, cách này sẽ giúp những bạn chưa tìm ra phương hướng cho tương lai có được những lợi ích thiết thân, dùng cả đời không hết.