Chuyển tới nội dung

“Xoa tượng Phật cầu may” có thực sự rước thêm may mắn?

  • bởi

(Kiến Thức) – Cứ mỗi dịp đầu năm mới, người dân Việt Nam thường đi lễ chùa, cầu may mắn, bình an và tài lộc. Đặc biệt, khi đi lễ chùa, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân chen chúc nhét tiền, xoa tiền lên tượng Phật để cầu may.

Trong khi đi lễ chùa Bái Đính (Ninh Bình) dịp đầu năm mới, không ít người dân chen chúc để nhét tiền, xoa tiền lên tượng Phật để cầu may mắn, tài lộc. Do vậy, rất nhiều tiền lẻ được người dân để ở dưới chân các bức tượng La Hán bằng đá. Đặc biệt, nhiều vị trí như tay, chân, quần áo của các bức tượng bị người dân xoa tiền nhiều nên đã mòn và đổi từ màu đen sang màu vàng.

Ngay cả khi nhà chùa đặt nhiều biển báo “cấm sờ, xoa tay vào tượng” nhưng rất nhiều du khách vẫn xếp hàng dài xoa tay hoặc xoa tiền lên tượng phật La Hán.

Không ai có thể khẳng định việc xoa tiền lên tượng Phật có thực sự đem đến may mắn, tài lộc hay không nhưng hành động này đã khiến những bức tượng bị bào mòn và đổi màu theo thời gian. Việc làm này cũng trở thành hình ảnh không đẹp, thậm chí bị coi là phản cảm khi đi lễ chùa và vãn cảnh chùa.

Rất nhiều người dân xoa tiền lên tượng Phật vì quan niệm làm như vậy sẽ gặp nhiều may mắn và tài lộc. Ảnh minh họa: Zing News. 

Chia sẻ về tình trạng người dân xoa tiền lên tượng Phật cầu may mắn, Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “Đây là hành vi huyễn hoặc, con người có niềm tin mù quáng vào tôn giáo”.

Theo Đại đức Thích Đạo Hiển, hành động xoa tiền lên tượng Phật là việc làm không đúng trong Phật pháp. Nguyên do là vì trong đạo Phật, kết quả của cuộc sống chúng ta tạo dựng được do bản thân có chí tiến thủ, lao động, học tập chứ không phải do sự may mắn nào tạo nên, càng không có chuyện dùng tiền xoa vào Phật, xoa vào chuông chùa sẽ gặp may mắn.

“Nếu chỉ dùng tiền xoa vào tượng Phật sẽ may mắn thì chúng tôi đã làm rồi, không đến lượt mọi người hành động”, Đại đức Thích Đạo Hiển cho biết.

Mời quý độc giả xem video: Đi lễ chùa nên cầu gì, vái thế nào? (nguồn: Online tử vi)

Bàn về vấn đề “nóng” dư luận trên, Thượng tọa Thích Tiến Đạt, nguyên Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, cho hay hành động xoa tiền vào tượng Phật rất có thể sẽ bị tổn phúc.

“Nếu theo quan điểm đúng đắn của nhà Phật, hành động xoa tiền vào tượng chưa chắc đã mang lại may mắn, rất có thể sẽ bị tổn phúc bởi việc làm đó trở thành bất kính với Phật. Các vị bồ tát, đức Phật bỏ cả ngai vàng, quyền lực, tiền tài đi tu. Mục đích các ngài đi tu chỉ mong tìm đường cho chúng sinh thoát khổ. Do vậy, không bao giờ có chuyện chúng ta xoa tiền dưới chân ngài sẽ được may mắn. Theo đức Phật, ngài bỏ tiền tài như bỏ đờm rãi, bây giờ chúng ta mang thứ ngài bỏ đi để cầu cúng, liệu ngài có chấp nhận hay không? Điều ấy đã chứng minh hành động xoa tiền, buộc dây lạ lên mái đình cầu may là những hành động phi văn hóa, không đúng đạo lý đức Phật” , Thượng tọa Thích Tiến Đạt giải thích.

Theo Thượng tọa Thích Tiến Đạt, lễ Phật không phải nhiều hay ít, xa hay gần, giàu hay nghèo…, tất cả xuất phát từ tâm. Chúng tôi mong muốn các con nhang Phật tử khi đến chùa hãy mang trong mình cái tâm thanh tịnh, hãy trả lại không khí trang nghiêm, phong cảnh bình yên nơi chùa chiền, giúp con người rũ sạch bộn bề ngoài cuộc sống.

Để giải quyết vấn đề trên, ban quản lý các chùa cũng khuyến cáo du khách đến lễ chùa, vãn cảnh chùa không có hành vi phản cảm như xoa tiền vào tượng Phật. Thêm nữa, ban quản lý cũng cắt cử nhân viên túc trực để nhắc nhở, tuyên truyền người dân không xoa tiền, gài tiền lẻ lên tượng Phật, đảm bảo sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status