Người ta nói “Lời nói gió bay”, nhưng không phải lời nào cũng vậy. Có những chuyện nói ra sẽ khiến bản thân gặp rắc rối vì bị tam sao thất bản.
Hãy cùng đọc câu chuyện ngụ ngôn sau:
Trong một nông trại, có lừa, chó, mèo dê, gà và lợn chung sống với nhau. Một ngày, Lừa làm việc vất vả về bèn than phiền với chó: “Ông bạn ơi, tôi thấy mệt mỏi quá. Ngày mai tôi thật muốn nghỉ ngơi một hôm”.
Chó nghe xong lại nói với Mèo: “Này tôi vừa đi thăm anh lừa, anh ấy quá mệt rồi, anh ấy nói rằng muốn được nghỉ ngơi một ngày. Cũng không thể trách được, ông chủ đã bắt anh ấy làm việc quá nặng..”.
Ai ngờ Mèo lại mang chuyện kể với Dê: “Anh lừa phàn nàn chủ nhân bắt anh ấy làm việc quá sức, anh ấy muốn nghỉ một hôm, ngày hôm sau không làm việc nữa.”
Dê lại nói với Gà: “Lừa không muốn làm cho chủ nhân nữa, anh ấy phàn nàn rằng mình phải làm quá nhiều công việc nặng nhọc. Không biết chủ nhân khác có đối xử với lừa của mình tốt hơn chút nào không?”
Gà lại nói với lợn rằng: “Anh lừa không sẵn sàng làm việc cho chủ nhân, anh ấy muốn đi làm cho một gia đình khác. Thật là.. chủ nhân sao lại đối xử quá tệ với lừa của mình như vậy, bắt anh ấy làm quá nhiều công việc nặng nhọc và dơ bẩn, thậm chí còn dùng roi đánh đập anh ấy tàn nhẫn.”
Trước bữa tối, bà chủ cho lợn ăn, lợn bước tới phía trước và thì thầm: “Thưa bà chủ, tôi muốn phản ánh đến bà một sự tình. Anh lừa dạo này có vấn đề trong suy nghĩ, bà phải giáo dục anh ấy cẩn thận. Anh ấy không muốn làm việc cho chủ nhân nữa, anh ấy trách chủ nhân bắt anh ấy làm việc quá nặng nhọc, quá dơ bẩn, quá mệt mỏi. Anh ấy còn nói anh ấy muốn rời khỏi chủ nhân và đến một nhà khác để ở.”
Sau khi nhận được báo cáo từ lợn, bà chủ liền kể lại với ông chủ rằng: “Lừa muốn phản bội ông, nó muốn đổi một người chủ khác. Tội phản bội này không thể tha thứ, ông định xử lý nó thế nào?”
“Đối với kẻ phản bội giết không tha”, người chủ vô cùng bực tức nói lớn.
Vậy là chú lừa đáng thương chăm chỉ lại bị mang đi giết thịt mà chính mình cũng không hiểu vì sao.
Trong cuộc sống, ắt hẳn nhiều khi chúng ta cũng bị vướng mắc bởi những chuyện như thế này. Vì thế nếu có vấn đề gì, hãy nói trực tiếp, đừng than phiền kêu ca với người không liên quan, kẻo gặp liên lụy không đáng có.
Cuộc sống vốn dĩ rất phức tạp, là tập hợp đa dạng của đủ loại người, tốt có, xấu có… vì thế, làm việc gì cũng nên cẩn trọng, tránh dính vào những thị phi không đáng có. Thị phi là chuyện phải và quấy, là lời thiên hạ bình phẩm đúng sai – tốt xấu – thiện ác. Trong tiếng “thị” còn ngầm chỉ chỗ tranh nhau mua bán (cãi nhau). Trong tiếng “phi” đã có nghĩa là không phải, nói xấu người. Từ nguyên ngữ, thị phi đã có ý nghĩa không tốt thế mà vẫn còn nhiều người dính mắc, vướng vào.
Từ xưa, nhân loại đã biết rằng: Vua tin lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin lời thị phi thì gia đình ly tán. Nhưng có mấy ai tìm ra cách vượt thị phi để được an vui?
Có nhiều người nói, trước thị phi nên im lặng, bởi im lặng là cảnh giới cao nhất của không ngoan, nhưng cứ im lặng mãi có phải là thật tốt?
Đối diện với những tiếng thị phi một cách trí tuệ và nhân ái nhất vẫn là câu chuyện Đức Phật gặp ngoại đạo hiềm khích: “Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà-la-môn giáo. Các tu sĩ Bà-la-môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả. Thấy Phật thản nhiên, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi: Ngài có điếc không? Đức Phật đáp: Ta không điếc. Vậy Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi? Đức Phật nói: Này Bà-la-môn, nếu nhà ông có tiệc, thân nhân tới dự ông lấy quà tặng mà họ không nhận thì quà đấy về tay ai? Bà-la-môn đáp: Quà ấy về tôi chứ ai! Phật kết luận: Ông chửi Ta, Ta không nhận thì cũng như vậy”.
Đức Phật đã từng dạy: Khi bị người ác mắng chửi (hay tìm cớ nói xấu, bịa chuyện), ta không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc!
Vì thế, hãy cẩn trọng với lời nói của mình. đừng gây ra thị phi cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ. Bởi “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”. Hãy nên mở lòng cảm thông, yêu thương và chia sẻ với tất cả, thì đời sống bao giờ cũng được an vui trọn vẹn!