Chuyển tới nội dung

Lập tài khoản ảo để “thử” chồng, người vợ trẻ phát hiện ra một sự thật khiến cô khóc ròng

  • bởi

Phát hiện của cô vợ trẻ có thể nói đã làm thay đổi cuộc sống của họ về sau.

Câu chuyện trên được một cô gái trẻ chia sẻ trên mạng xã hội và được trang ntdtv.com (Trung Quốc) đăng tải lại.

Nội dung câu chuyện khá cảm động và rất có thể, nó sẽ truyền cảm hứng cho không ít người trong chúng ta.

Nội dung câu chuyện

Ngày chúng tôi kết hôn, không khí thật rộn ràng náo nhiệt. Các quan khách ai nấy đều trưng diện bảnh bao, tạo thêm sự sang trọng cho tiệc cưới của chúng tôi.

Vậy nhưng giữa đám đông quan khách ăn mặc lịch sự, có một cặp vợ chồng già ăn mặc rách rưới, ngồi nép mình trong một góc phòng.

Tôi thầm nghĩ: “Anh xã là trẻ mồ côi, làm gì có người thân nhỉ?”

Nghĩ vậy, tôi liền gọi anh ra hỏi. Trước câu hỏi của tôi, anh ấp úng đáp, đó là chú và thím của anh ở quê.

Khi mời rượu họ, tôi mới phát hiện ra rằng thím bị mù hai mắt còn chú thì mất một chân bên phải.

Một người mù, một người què, đôi vợ chồng này thật lạ. Tôi nói với chồng đợi khi nào chú thím về quê sẽ cho họ một ít tiền. Anh xã gật đầu, nắm chặt tay tôi không nói gì.

Đêm giao thừa đầu tiên sau ngày cưới, chồng tôi nói anh đau dạ dày, không muốn ăn cơm rồi đi vào phòng nghỉ. Thực ra tôi biết anh không đau dạ dày nên đã hỏi anh rốt cuộc anh bị làm sao?

Anh nói anh nhớ chú thím ở quê và song thân đã qua đời, sợ rằng trong lúc ăn cơm, không kìm nén được cảm xúc sẽ khiến bố mẹ vợ không vui nên mới làm vậy.

Tôi nắm tay anh, mắng yêu: “Anh thật ngốc. Nếu anh nhớ chú thím thì qua tết chúng ta về quê thăm họ là được, việc gì phải khổ tâm đến vậy.”

Thế nhưng anh lại chối, nói rằng đường núi khó đi, sợ tôi mệt và bảo đợi khi nào đường làm xong xuôi hãy về. Và như thế, chúng tôi chỉ gửi một ít đồ về cho họ chứ không về thăm chú thím anh như gợi ý của tôi.

Đêm giao thừa, anh chồng khổ tâm nghĩ đến người nhà ở quê. Ảnh minh họa.

Vào dịp Tết trung thu năm thứ hai sau khi cưới, tôi phải đi công tác xa nhà vài ngày.

Vì nhớ nhà, nhớ chồng và bố mẹ nên tôi thường trằn trọc khó ngủ. Gọi điện thoại về nhà xong, không ngủ được, cho rằng thế nào anh xã cũng vẫn còn thức, biết đâu lại đang lướt web nên tôi đã quyết định mở máy tính, lập một tài khoản “ảo” định bụng “thử” chồng.

Tôi kết bạn với anh trên mạng xã hội và được chấp nhận. Tôi hỏi anh: “Muộn thế này sao vẫn còn trên mạng?”

Anh trả lời: “Vì vợ tôi đi công tác. Tôi nghĩ cô ấy không ngủ được nên vào mạng xem sao.”

Câu trả lời của chồng khiến tôi thích thú và hạnh phúc. Dẫu vậy, tôi vẫn cố tình “do thám” anh: “Vợ không có nhà thì tìm một cô bồ thay thế trong những lúc trống trải đi.”

Một lúc lâu sau, tôi mới nhận được câu trả lời: “Nếu cô định tìm tình nhân thì xin lỗi, cô tìm nhầm người rồi.”

Im ắng một hồi, bỗng anh hỏi: “Còn cô, sao lên mạng muộn thế?”

Tôi đáp: “Tôi đang đi công tác, nhớ nhà, nhớ bố mẹ không ngủ được nên đành lướt mạng.”

“Tôi cũng nhớ bố mẹ tôi, nhưng bố mẹ ở xa, con cái muốn chăm nom mà không được”, anh nói.

Tôi bất ngờ cảm thấy khó hiểu. Chồng tôi vẫn nói anh là trẻ mồ côi, sao bây giờ lại nói như vậy?

Rồi anh lại tiếp tục: “Dù sao tôi và cô cũng không quen biết, vậy xem như cô là một khán giả lắng nghe một câu chuyện được không?”

Tôi đồng ý và anh bắt đầu kể câu chuyện của mình.

Cô vợ trẻ thử chồng với một tài khoản ảo và khám phá ra một sự thật được chồng luôn giấu kín. Ảnh minh họa.

Bí mật của chồng

Ngày xưa, bố tôi vì bị mất một chân, lại thêm gia cảnh bần hàn nên không thể lấy được vợ. Về sau, nhờ một lần cứu giúp một người già, ông cụ đó vì muốn trả ơn nên đã gả cô con gái mù lòa của mình cho bố tôi. Người đó chính là mẹ tôi.

Cuộc sống của một người mù, một người què thật chẳng dễ dàng gì. Vậy nhưng tôi chưa bao giờ phải chịu đói dù chỉ là một bữa.

Bố mẹ tôi vì không thể tự làm ruộng nên chỉ biết đi tách ngô thuê cho những gia đình trong thôn. Họ làm việc nhiều đến nỗi tay bật máu. Thế nhưng, họ vẫn chẳng có một ngày nghỉ ngơi, băng bó vết thương rồi lại làm tiếp.

Những ngày tháng khó khăn ấy tiếp diễn tưởng như chưa bao giờ dừng lại. Ngày tôi còn bé, người trong thôn chưa bao giờ gọi đúng tên tôi mà chỉ gọi anh là “đứa trẻ con nhà mù, què”.

Mỗi lần nghe vậy, bố tôi đều không để yên, thậm chí là cãi nhau tay đôi với những người nói lời ác ý. Còn mẹ tôi vì không nhìn được nên chỉ đành lẩm bẩm mắng: “Chúng tao mù lòa què qoặt nhưng thằng bé lành lặn, chúng mày không được phép gọi như vậy. Nói cho chúng mày biết, sau này lũ chúng mày sẽ chẳng có đứa nào bằng được con tao.”

Quả là như vậy, về sau, tôi đứng đầu huyện trong kỳ thi vào trung học phổ thông. Bố mẹ tôi được phen mở mày mở mặt. Cũng kể từ đó, huyện chu cấp tiền cho tôi lên thành phố học.

Ngày tiễn tôi đi học cũng là lần đầu tiên trong đời bố mẹ tôi ra khỏi vùng quê miền núi nghèo khó. Lúc lên xe, tôi khóc như mưa. Bố tôi một tay đỡ mẹ, một tay lau nước mắt cho tôi và dặn:

“Con trai, vào trường rồi nhớ học hành chăm chỉ, sau này ở đó tìm việc làm rồi cưới vợ. Người ta có hỏi về bố mẹ thì cứ nói con là trẻ mồ côi, nếu không họ sẽ coi thường con, con sẽ không lấy được vợ đâu.

Nếu con không lấy được vợ, bố mẹ thật không có mặt mũi nào đi gặp ông bà tổ tiên.”

Tôi không chấp nhận việc đó, làm sao có thể nhẫn tâm như thế với bố mẹ đây?

Nhưng rồi bố gợi lại chuyện cũ, chuyện khi tôi mới đi học. Vì tôi là con của một người què và một người mù mà bạn bè mang tôi ra làm trò đùa, đến thầy cô giáo trong trường cũng không thích tôi.

Bố cũng dặn sau này lấy vợ thành phố thì cứ nói với nhà vợ bố mẹ là chú và thím của con là được.

Về sau, tôi tìm được việc làm và có bạn gái. Nhưng lần đầu tiên đưa cô ấy về nhà, chưa kịp ăn một bữa cơm, cô ấy đã bỏ đi vì coi thường bố mẹ tôi, nói gia đình tôi có vấn đề, sau này sinh con ra sẽ không khỏe mạnh. Tôi đã vô cũng tức giận và quyết định chia tay.

Sau đó, tôi gặp cô bạn gái thứ hai và là vợ tôi bây giờ. Tôi rất yêu cô ấy và rất sợ mất cô ấy. Gia đình cô ấy lại khá giả, bố mẹ vợ đều là người có chức sắc. Nếu làm thông gia với bố mẹ tôi, tôi e rằng hoàn cảnh của gia đình tôi sẽ làm xấu thể diện của họ.

Vì thế, tôi đành làm theo lời bố dặn, chỉ tranh thủ lúc đi học hoặc đi công tác mới về thăm bố mẹ. Mỗi dịp lễ tết, tôi nhớ họ lắm nhưng không thể làm gì.

Cảm ơn cô đã lắng nghe tôi nói nhiều như vậy, bây giờ tôi dễ chịu hơn rồi.

Có hai việc không thể chờ đợi hay chần chừ ở đời, một là chăm sóc sức khỏe bản thân và hai là hiếu kính với bố mẹ. Ảnh minh họa.

Nghe xong câu chuyện của chồng, tôi không ngăn nổi nước mắt. Cuối cùng thì tôi đã hiểu nỗi khổ tâm của chồng. Tôi quyết định xin nghỉ phép ngay sau chuyến công tác, một mình tìm về nhà anh.

Đường núi quả rất khó đi. Chân tôi phồng rộp nhưng điều đó không ngăn được nguyện vọng của tôi.

Vị trưởng thôn dẫn tôi đến nhà chồng khi hai cụ đang tách ngô. Nhìn thấy tôi, bố chồng kinh ngạc đánh rơi bắp ngô trên tay.

“Sao con lại ở đây?” – giọng ông run rẩy. Mẹ chồng tôi sau khi biết chuyện cũng vội giơ hai tay về phía tôi.

Đặt hành lý xuông, tôi nắm lấy tay bà và quỳ xuống, nói: “Bố, mẹ, con đến đón bố mẹ về nhà.”

Bố mẹ tôi cảm động rưng rưng. Mẹ chồng ôm chặt lấy tôi, khóc ướt bả vai. Lúc chúng tôi đi, trong thôn đã đốt pháo chúc mừng. Tôi nghĩ, bố mẹ chồng tôi đã có thêm một lần nữa được mở mày mở mặt.

Về đến nhà, chồng tôi ra mở cửa. Anh đã vô cùng ngạc nhiên khi tôi trở về cùng bố mẹ.

“Anh à, em chính là người đã nghe câu chuyện của anh. Em đón bố mẹ về rồi. Bố mẹ chúng ta hoàn hảo đến thế, tại sao anh có thể để các cụ trên núi chứ?”

Anh xã ôm tôi thật chặt, nước mắt chảy dài. Và tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc từ anh.

Khi bố mẹ còn sống, hãy hiếu thuận, chăm nom cho thật tốt, đó là đạo lý sống ở đời mà dù là ai, người làm con cũng phải ghi lòng tạc dạ.

* Theo Trí Thức Trẻ/soha

“>

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status