Con người đều có phiền não, khi chúng trở thành thói quen thì cảm giác của phiền não dần không tồn tại, chỉ còn lưu lại hiện tượng phiền não, đó cũng là thói quen xấu.
Như người xem trọng đồng tiền giống như thân mạng, nhìn thấy tiền như đói khát, vừa thấy tiền liền muốn chiếm về mình; cảm giác đói khát này là phiền não. Nếu như một người thường có cảm giác đói khát như thế, vừa thấy tiền thì muốn lấy ngay, hoàn toàn không suy xét có nên lấy hay không; lúc đó, họ trở thành tật xấu tham mà không phải là phiền não tham. Cho nên, tật xấu và phiền não rất khác nhau.
Chẳng những phiền não làm tổn hại mình mà có lúc làm tổn thương người khác. Nếu khi phiền não sinh khởi, chưa biểu hiện ra ngoài có lẽ người khác chưa bị tổn thương, nhưng lại hại mình, làm cho mình rất đau khổ. Giống như chàng trai yêu thầm trộm nhớ đến cô gái, tâm trí thường thích nghĩ về cô ta, nhưng cô ta vốn không hề hay biết gì, còn chàng trai thì buồn khổ; mặc dù, anh ta chưa làm tổn thương đến người khác, nhưng tự làm hại mình. Giả sử cô gái kia không thương anh ta, nhưng anh ta theo đuổi mãi cũng làm cho cô ta bực mình khó chịu, ảnh hưởng đến người khác như thế, làm cho người khác bị tổn thương, cũng là đem phiền não cho người khác.
Nhưng tật xấu thường nuôi dưỡng hình thành trong bất giác, tự mình vô tình làm tổn thương người khác cũng không biết đó là phiền não. Như có người khi ăn cơm với người khác, anh ta có thói quen hay nhìn vào chén của họ ăn những món gì, người khác nhìn thấy rất khó chịu. Có người không để ý đến thái độ của người khác, khi ho không che miệng lại, thậm chí vừa nói chuyện với người, vừa ho; anh ta không hề biết hành động như vậy làm cho người cảm thấy bực bội. Bởi vì, anh ta vô ý nên không hề biết người khác bực bội, nhưng sự vô ý của anh ta làm người khác bực mình, thói quen vô ý kỳ lạ này khiến cho người khác chán ghét, đó là tật xấu.
Người bị tật xấu nặng thường làm cho người khác chán ghét; nhưng có những tật xấu lại làm cho người ta thấy dễ thương. Như ngài Dalai Lama khi đi hoằng pháp các nơi, ở chốn đông người ngài thường vừa nói, vừa kéo y phục, hoặc đưa tay sờ lên mũi, rất nhiều hành động nhỏ nhặt khác. Ngài không để ý thái độ của mọi người như thế nào, nhưng vì ngài là Dalai Lama biểu hiện như thế lại làm cho mọi người thấy dễ thương.
Có một lần, chúng tôi giảng pháp tại nhà kỷ niệm của chủ tịch ở Đài Bắc; bởi vì chúng tôi mặc nhiều y phục nên thấy rất nóng nực. Ngay lúc đó, chúng tôi không để ý thái độ của người khác như thế nào, liền nói: “Xin lỗi! Chúng tôi nóng quá!”. Sau đó, chúng tôi giải y ra, thính chúng ở hội trường cảm thấy vị hoà thượng này thật tự tại và gần gũi. Mặc dù chúng tôi không tự nhiên giống ngài Dalai Lama, nhưng khi bị ngứa chúng ta cũng không cần thiết ráng chịu đựng không gãi. Khi chúng ta bị ngứa tất nhiên phải gãi, ngồi lâu cũng có thể cử động, không cần phải quá nghiêm trang; bởi vì như thế cũng là một loại đau khổ.
Làm người ai cũng có biểu hiện tật xấu, có người biểu hiện rất dễ thương, nhưng có người biểu hiện làm cho mọi người chán ghét. Vì thế phải chú ý đến mình ở trường hợp đó thế nào, thân phận của mình là gì, nhất định không nên theo sự thoải mái của mình làm cho người khác khó chịu. Bằng không tự mình không có phiền não, lại gây phiền não cho người khác.