Chuyển tới nội dung

Dâng cúng hoa tươi thế nào khi lễ chùa mới được nhiều phúc báu?

  • bởi

Hoa tươi là một trong các món cúng dường Phật, Bồ Tát. Trong kinh Pháp Hoa viết có đến 10 món cúng dường, và hoa tươi cúng dường là món đứng đầu bởi đó là tinh túy của các loài thảo mộc được hấp thu và phát triển từ thiên nhiên. Khi hoa tỏa hương hoặc hé nở ai cảm nhận được cũng hài lòng thư thái.

Người xưa quan niệm dâng hoa tươi cúng Phật là đem hương thơm thanh khiết, trang nghiêm, kính ngưỡng lên Phật, Bồ Tát (dù giá trị vật chất không nhiều). Cách dâng hoa tươi lên chư Phật, Bồ Tát còn gọi là hiến hoa; Cách rải hoa lên Phật đài, đạo tràng – gọi là tán hoa. Trong đạo Phật còn có xâu hoa thành tràng đeo lên cổ (tập quán của Ấn Độ xưa). Nhưng giới luật Phật giáo qui định Tỳ kheo không được dùng hoa trang sức trên thân, nên các Tỳ kheo nhận vòng hoa rồi treo lên vách để phòng có hương thơm, và để người dâng hoa cũng được phúc báu. Có khi còn dùng những vật phẩm để làm thành vòng hoa, treo trong thất.

 Hoa gói xưa. Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam xưa người dân hay dâng hoa cúng vừa đủ trong cái đĩa nhỏ xinh, tùy mùa mà có đủ bông hoa (hoa huệ trắng muốt thơm ngát, bông ngọc lan thơm nồng, nhánh hoàng lan thơm mềm mại, rồi hoa sói, hoa cúc, đóa thược dược…) hương thơm ngào ngạt, được gói lá dong, hay lá bàng, lá dong riềng trước khi dâng cúng.

Ngày nay thay thế các đĩa hoa là các bình hoa đủ loại, đủ sắc rực rỡ.

Không phải hoa gì cũng dâng cúng

Dâng hoa tươi cúng Phật không phải hoa gì cũng cúng được. Trong Đà La Ni Tập Kinh, quyển 6 chép: “Hoa có mùi hôi, cây gai sanh hoa, hoa có vị đắng cay, hoa không có tên… đều không nên đem cúng.

Theo nhà nghiên cứu phong thủy Hà Thanh (Viện Nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người), hoa tươi bây giờ có hàng trăm loại, nhưng cơ bản vẫn là cúc, hồng, sen, huệ… Dâng hoa tươi ở chùa ngoài hoa đẹp, có hương thơm, cần có ý nghĩa về sự thoát tục, thanh khiết, cao quý. Nên chọn hoa thơm, tên đẹp, tính chất hoa đẹp, dâng cúng mới phù hợp, trang nghiêm, thể hiện lòng kính ngưỡng chư Phật, Bồ Tát.

Theo sư chú Tuệ Nguyên (chùa Sủi, Bắc Ninh), các hoa thường dâng cúng chư Phật, Bồ Tát, thánh tăng là mẫu đơn, hoa sen, hồng thắm, cúc đại đóa, địa lan… Sư Tổ dạy rằng, dâng hoa cúng Phật tượng trưng dâng sự thanh khiết, thơm tho, là thành kính dâng điều thiện lành, tốt đẹp, tâm biết ơn tới Tam bảo. Vì vậy cần chọn những bông hoa tươi đẹp, có hương thơm, bông vừa mới nở (chứ không chọn bông đã nở xòe to). Lựa kỹ để tránh những bông hoa bị sâu đục lỗ giữa bông, hoặc úa lá).

Trong kinh điển nhà Phật ghi chép: Trong các loài hoa, hoa trân quí nhất là hoa sen có đến 4 loại khác nhau (Ưu Bát La Hoa, tức hoa sen xanh. 2. Ba Đầu Ma Hoa, tức hoa sen hồng. 3. Câu Vật Đầu Hoa, tức hoa sen vàng. 4. Phân Đà Lợi Hoa, tức hoa sen trắng). Hay dùng nữa là Uất Kim Hương, Bà la hoa (Vô ưu).

Hoa sen nở và búp có hình dáng bất đồng, có ngụ ý là: Khi hoa sen chưa nở, biểu thị cho chúng sanh vốn có hàm chứa tâm Bồ đề. Khi hoa sen mới nở, biểu trưng cho sự khai phát Bồ đề tâm, cần phải tu thiện hạnh để chứng được quả Bồ đề, hoa sen nở ra có “hoa quả đồng thời”, biểu thị cho đức quả chứng ngộ, trí huệ phước đức trang nghiêm đầy đủ.

Ở Việt Nam, hoa sen sống ở ao hồ đầm lầy vẫn tinh khiết nên các phật tử và người dân tới mùa là dâng cúng. Ngoài ra còn có:

– Hoa cúc, hoa hồng không nên chọn những hoa nở to.

– Hoa huệ có nhiều loại, nhiều màu, nhưng nên cúng huệ ta vừa bền, vừa trang nghiêm.

– Hoa mai, đào chọn cành nhiều nụ to, cánh hoa mịn, điểm lá non.

– Hoa địa lan (chỉ có màu xanh, vàng, thơm nhưng không rực rỡ), lại trồng ở đất (khác phong lan) nên không có tính chất khác.

– Hoa cúc vạn thọ tên hay, màu vàng tươi tắn, biểu trưng cho sự may mắn, thịnh vượng (miền Trung dùng nhiều).

– Hoa cúc vàng đại đóa: Tượng trưng cho sự thanh cao, sang trọng và phú quý.

Dâng hoa tươi cúng dường cũng cần hiểu ý nghĩa loài hoa, tùy vùng miền, tùy mùa mà linh hoạt dâng hoa bởi có khác biệt vùng miền. Người dân không nên cố chấp quá và cũng không nên thoải mái quá (bởi có nơi hiếm hoa người dân còn cắt cây chuối non cắm hoa lục bình để cúng). Hay như tháng 7 dâng hoa huệ, hoa hồng, hoa địa lan… Ngày đầu năm mới hoa dâng là hoa cúc, hoa cát tường, lay ơn…

Nên chọn hoa thơm, tên đẹp, tính chất hoa đẹp, và chỉ nên cúng một màu để tạo sự trang nghiêm. Màu sắc chọn hoa dâng cúng thường là màu vàng, đỏ (là những màu đẹp, trang trọng, người kỹ tính còn không chọn hoa màu hồng phớt, hoặc màu khác). Nếu không chọn được hoa có màu vàng rực, hay đỏ thắm, có thể chọn hoa khác có sắc độ nhạt hơn. Trong một bình hoa cũng không nên cắm quá nhiều loại hoa, với nhiều màu sắc khác nhau vì sẽ mất đi sự trang trọng và ý nghĩa thanh tao của hoa.

Dâng hoa tươi thế nào mới được nhiều phúc báu?

Theo Đại đức Thích Thiện Hóa (Chùa Bằng, Hà Nội), đi lễ chùa dâng hoa cúng Phật, Thánh, Mẫu cần tươi thơm, trang nghiêm, không có sự phân biệt. Một số người cho rằng hoa dâng Thánh Mẫu ở chùa cần nhiều màu rực rỡ, hoặc dâng hoa phải theo phong thủy bản mệnh… – đó là ý nghĩ của con người tự đặt ra, chứ nhà chùa không có quy định đó.

Người dân không nên quá cứng nhắc trong việc dâng hoa cúng, bởi còn tùy thuộc khí hậu, tùy vùng miền mà có loại hoa khác, và quan niệm cũng khác.

Điều quan trọng nhất khi dâng cúng hoa là tâm thành của mỗi người. Việc dâng hoa tươi cúng dường biểu đạt được tâm kính ngưỡng, gieo trồng công đức, trí huệ tốt đẹp… sẽ được phúc báu vô lượng.

Khi dâng hoa cúng dường nên cầu nguyện quốc thái dân an, cho mọi người và chính mình được bình an thì mọi việc sẽ tốt đẹp, bình an.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status