Chuyển tới nội dung

Thủ Đà La năm lần bảy lượt gây chuyện ác với người con nuôi và quả báo nặng nề mà ông ta phải chịu

  • bởi

Xưa kia, có một người vô cùng nghèo khó, vợ sinh được đứa con trai mà cũng không nuôi nổi, đành phải dùng vải rách bọc lại, đợi lúc đêm tối đem con bỏ ngoài đường cùng tất cả số tiền bấy lâu chắt góp được. Ông mong rằng con mình sẽ gặp được người có lòng tốt đem về nhà nuôi dưỡng. Ngày hôm đó là một ngày tốt, nhân dân trong nước bất luận là già trẻ lớn bé, cao quý thấp hèn đều treo đèn kết hoa ăn mừng. Một vị Bà La Môn từ xa đến đây nhìn thấy cảnh náo nhiệt trong ngày lễ hội, tán thán:

-Thật là một ngày tốt! Phàm những đứa trẻ sinh ra trong ngày này, dù trai hay gái, sau này nhất định sẽ là một người cao quý, tương lai xán lạn.

Trong thành có vị tài chủ Thủ Đà La, tiền của rất nhiều, nhưng hiếm muộn, ông rất muốn nhận một đứa con nuôi. Ngày hôm đó ông ra ngoài đi chơi, nghe vị Bà La Môn nói như vậy trong lòng vui mừng, bèn phái người hầu đi hỏi khắp nơi có ai hôm nay sinh con mà không muốn nuôi. Có người mách rằng:

– Sáng sớm nay có người quả phụ lượm được một đứa bé trai trên đường.

Thủ Đà La bèn đem theo người hầu tìm đến nhà người quả phụ, nói:

– Tôi rất giàu có, nếu bà đồng ý nhường đứa bé này, tôi sẽ cho bà một số tiền lớn.

Nghe vậy, bà ta bằng lòng ngay, Thủ Đà La liền ôm đứa bé về nhà, xem nó như con ruột, hết lòng nuôi nấng dạy dỗ.

Nhưng được vài tháng thì hay vợ mang thai, ông vô cùng mừng rỡ và có ý định bỏ đứa con nuôi: “Ta vì không có con mới ôm đứa trẻ nghèo này về nuôi. Nay ông trời đã ban cho ta một đứa con để nối dõi tông đường, thì nuôi nó làm gì?”, nghĩ vậy ông ta bèn bỏ đứa trẻ vào trong bọc, nửa đêm đem quăng ở một con rạch nhỏ đã cạn.

Sau đó liên tiếp mấy ngày, người chăn dê trong nhà Thủ Đà La thấy có chuyện lạ, dê mẹ thường đến con rạch khô làm gì đó. Anh đi theo thì phát hiện con dê mẹ này đang cho đứa bé sơ sinh xinh xắn bú sữa. Anh ta cảm thấy lạ kì: “Đứa trẻ này sao lại bị bỏ ở đây?”. Anh bèn ẵm đứa trẻ về, hàng ngày dùng sữa dê nuôi nó. Thủ Đà La biết được sữa hàng ngày đem lại không đủ bèn trách rằng:

– Tại sao ngươi dám trộm sữa dê của ta?

Người chăn dê vội nói:

– Tôi nhặt được đứa bé trai ở con rạch khô, tội nghiệp nó quá nên đem về nuôi. Nhưng trong nhà không có gì nuôi nó, cho nên mỗi ngày cho nó bú sữa dê, xin ông đừng trách tội.

Thủ Đà La nghe vậy sinh lòng hổ thẹn, hối hận, nên đem đứa bé về nuôi dưỡng như xưa.

Được mấy tháng thì người vợ của Thủ Đà La sinh đứa con trai. Ông ta lại cảm thấy nuôi dưỡng đứa trẻ này thật là gánh nặng, bèn sinh ác niệm. Lần này ông bọc đứa bé lại rồi quăng trên đường cái, nghĩ rằng: “Xe qua lại nhất định sẽ cán chết đứa bé”. Sáng sớm hôm sau có rất nhiều thương nhân ngồi trên các cỗ xe lớn đi ngang con đường cái này. Con trâu đầu đàn phát hiện trên đường có hài nhi bèn dừng lại, bị đánh thế nào cũng không chịu đi. Đoàn thương nhân lấy làm lạ, xuống xe, bước đến thì thấy một đứa trẻ bụ bẫm. Mọi người nhìn thấy đứa trẻ xinh đẹp, đều nói:

– Đây thật là con của thiên thần, tại sao lại bị quăng ở đây?

Họ bèn bế đứa trẻ lên xe, khi ấy trâu đầu đàn mới chịu đi.

Đi khoảng hơn ba mươi dặm, đoàn thương nhân dừng lại ở một quán nhỏ bên đường để nghỉ ngơi. Chủ quán là một bà lão đã lớn tuổi. Bà biết được đứa trẻ do những người thương nhân lượm trên đường, lại thấy bé dễ thương quá bèn cầu xin:

– Xin cho tôi đứa trẻ. Tôi không có con, đứa trẻ sau này lớn lên có thể nuôi dưỡng tôi lúc tuổi già.

Các thương nhân nghĩ đem theo đứa trẻ thật không tiện, lại thấy bà già cô độc đáng thương bèn cho đứa bé.

Tin tức đoàn thương nhân lượm được đứa bé trên đường rồi cho bà chủ quán được truyền đi nhanh chóng. Thủ Đà La nghe được lại sinh lòng hối hận, nghĩ thầm: “Ta làm việc này thật là thất đức, sau này gặp phải báo ứng thì sao?”. Càng nghĩ ông ta càng hối hận, bèn tìm đến bà chủ quán, chuộc đứa trẻ về nhà, nuôi dưỡng cùng với đứa con ruột của mình.

Hai đứa trẻ càng ngày càng lớn, nhìn đứa con nuôi vừa thông minh vừa tài giỏi, trong tâm Thủ Đà La không vui nên nghĩ: “Đứa trẻ này thông minh như vậy, con ta thật không sánh kịp. Sau này con ta sẽ bị nó hiếp đáp”. Nghĩ tới nghĩ lui, quyết tâm trừ đứa lớn để tránh hậu hoạ về sau, ông bèn đem đứa con lớn vào rừng sâu trói lại, treo lên một cái cây nơi hoang vắng, rồi an tâm trở về, nghĩ thầm: “Lần này nhất định nó sẽ chết đói ở đây”.

Đứa trẻ bị trói, lớn tiếng kêu gào khóc lóc, nhưng không ai đáp. Giãy giụa một hồi nó từ cành cây rơi xuống, chẳng may rơi xuống dòng suối, bập bềnh theo dòng nước trôi xuống hạ lưu. Vừa lúc đó gia đình nọ có người chết, đang đưa vào rừng chuẩn bị cử hành nghi thức hoả táng. Trong lúc họ đi tìm củi thì thấy đứa trẻ đang trôi theo dòng nước, vội vàng vớt lên, thấy nó vẫn còn sống. Mọi người nhìn đứa trẻ tướng mạo đoan trang, dễ thương bèn đem về nhà nuôi dưỡng.

Tin này truyền đến tai Thủ Đà La, ông vừa sợ vừa hối hận, đem một số tiền lớn chuộc dứa bé về nhà nuôi dưỡng. Theo thời gian hai đứa trẻ ngày càng lớn lên, Thủ Đà La mời thầy giáo đến nhà dạy học cho con.

Đứa con nuôi tư chất thông minh, học một biết mười, bất luận là môn nào, vừa học liền biết. Bản tính cậu rất nhân từ, thường giúp đỡ mọi người. Người trong thành đều cho rằng người anh sau này sẽ là một nhân vật xuất chúng nên có rất nhiều người đến thỉnh giáo cậu. Ngược lại, con ruột của Thủ Đà La chỉ là đứa trẻ khờ lại hay nghịch ngợm. Thủ Đà La nhìn thấy như vậy, sinh lòng đố kỵ, lại quyết tâm trừ đứa lớn để tránh hậu hoạ về sau.

Trong bọn thủ hạ của Thủ Đà La có một người thợ rèn, ở ngoại thành cách đây bảy dặm. Thủ Đà La bèn viết một bức thư gửi cho người thợ rèn, dán bức thư kỹ lưỡng rồi kêu con nuôi đến nói rằng:

– Ta tuổi tác càng ngày càng lớn, lại thêm thường bệnh tật, chắc sống không bao lâu nữa. Con đem bức thư này giao cho người thợ rèn ở ngoại thành, lấy số tiền mà người ấy nợ ta, ta cho con số tiền ấy.

Người anh vâng lời cha đi đưa thư. Đi đến cửa thành thì gặp đứa em đang chơi bắn hồ đào với đám trẻ. Đứa em càng chơi càng thua, nhìn thấy anh đi ngang mừng rỡ kêu lên:

– Anh! Anh đến đây giúp em lấy lại vốn đi.

– Không được! Cha sai anh đi đưa thư cho người thợ rèn để đòi nợ.

Người em giật lá thư:

– Anh giúp em bắn đi, em đưa thư giúp anh.

Nói xong liền chạy đi. Người em đem thư đến nhà người thợ rèn trao tận tay cho ông ta. Ông mở thư ra xem, trong thư viết rằng: “Từ khi đứa trẻ này đến nhà tôi, trong nhà bệnh tật liên miên, gia sản không ngừng tiêu hao, gia súc không ngừng chết, tôi thỉnh thầy bói xem quẻ, thầy nói: “Tất cả đều là do đứa trẻ này gây ra. Nhận được thư, ông lập tức quăng đứa bé này vào trong lò lửa thiêu chết cho tôi”. Người thợ rèn xem thư xong, không nói một lời, quăng đứa em vào trong lò lửa.

Thủ Đà La đuổi được người con nuôi cảm thấy không còn lo lắng gì nữa, vô cùng vui mừng. Nhìn thấy trời đã tối mà vẫn chưa thấy đứa con ruột của mình về, bèn sai người hầu đi tìm. Người hầu đi đến cửa thành, thấy đứa con lớn thắng được một đống hồ đào đang chuẩn bị về nhà bèn hỏi có thấy người em không. Người anh vội về nhà thưa với cha là em đã thay mình đưa thư. Thủ Đà La nghe xong giật mình vội nhảy lên ngựa ra roi phóng đến nhà người thợ rèn. Nhưng đến nơi thì con ông đã thành tro bụi. Thủ Đà La kêu trời kêu đất, khóc lóc thê thảm, nhưng người chết không thể sống lại, có khóc than cũng vô ích.

Ông ta trở về nhà, nằm liệt trên giường, không dậy được, càng nghĩ càng thêm oán hận và quyết tâm giết cho kỳ được đứa trẻ này. Ông nghĩ: “Không có con thì thôi, nhất định phải nghĩ cách giết chết nó mới được”. Thủ Đà La có một nông trang cách đây một ngàn dặm. Một ngày nọ ông kêu đứa con nuôi đến giao cho một phong thư dán kín rồi bảo:

– Vị tổng quản ở nông trang không biết quản lý, con lập tức đi đến đó thay cha làm rõ sổ sách.

Người anh nhận thư, cáo từ cha rồi đem vài người hầu lên đường đi đến nông trang. Thủ Đà La có đứa em trai nhà không xa nông trang của ông. Đi ngang qua nông trang của chú, đứa con nuôi ghé vào thăm. Em trai của Thủ Đà La nghe tin con trai của anh mình đến rất vui mừng bèn thiết yến tiệc, mời rất nhiều bà con láng giềng đến dự. Chàng thanh niên tướng mạo đoan chính, phong cách đàng hoàng, làm mọi người mến mộ. Trong buổi tiệc khách chủ vui vẻ cười nói, ăn uống no say cho đến nửa đêm mới chia tay về nhà. Vì quá mệt mọi người đều ngủ say.

Em trai Thủ Đà La có cô con gái xinh đẹp diễm lệ, thông minh hơn người, gặp người anh họ bỗng sinh lòng ái mộ. Nhưng việc người anh đột nhiên đến thăm cha mình cảm thấy thắc mắc. Cô đợi đến đêm chờ mọi người ngủ say rồi lén mở túi anh, lấy bức thư ra xem, thấy trong thư viết: “Khi đứa trẻ này đến, lập tức trói lại, cột vào hòn đá lớn quăng xuống vực thẳm”.

Cô gái đọc xong thất sắc: “Trên đời này sao lại có người ác độc tàn nhẫn như vậy, dùng cách này để hại con mình”. Nghĩ đến lúc người anh họ khôi ngô tuấn tú bỏ mạng nơi vực thẳm không tránh khỏi lo sợ, cô muốn cứu anh thoát khỏi tai hoạ này. Cuối cùng nghĩ ra một diệu kế, cô bắt chước chữ của bác mình, viết rằng: “Ta nay đã già, thời gian gần đây thường hay sinh bệnh, sức khoẻ càng ngày càng yếu. Em trai ta có một cô con gái , thông minh, hiền đức, đoan trang, ta muốn đem nó về làm dâu. Nhận được thư này, ngươi lập tức chuẩn bị các thứ sính lễ, cần phải chọn những món tốt nhất, đẹp nhất, thân hành đến nhà em ta làm lễ hỏi và nhanh chóng cử hành hôn lễ cho hai đứa”. Sau đó, cô bỏ bức thư vào trong bì thư, dán kín lại và bỏ vào chỗ cũ .

Sáng sớm hôm sau người anh từ biệt chú lên đường, không bao lâu đã đến trang trại của cha nuôi. Tổng quản xem thư xong, lập tức chiếu theo lời dặn, chuẩn bị rất nhiều vàng ngọc châu báu, tơ lụa vải vóc, tự mình đến nhà cô gái cầu hôn cho đứa con nuôi của ông chủ. Cha của cô nghĩ: “Việc hôn nhân là việc đại sự chung thân, anh ta không cho người mai mối, không hợp với lễ nghi, mà lại cho người đem sính lễ, còn yêu cầu nhanh chóng cử hành hôn lễ thì quá vội vàng”. Nhưng ông lại nghĩ: “Trai lớn gả vợ, gái lớn dựng chồng là việc tự nhiên. Hai đứa trẻ trai tài gái sắc, cũng có thể xem là xứng đôi vừa lứa, có thể là anh ta tuổi già nhiều bệnh, muốn con mình sớm thành gia thất”, cho nên ông vui vẻ đồng ý việc cưới hỏi. Họ cử hành hôn lễ, mời bà con bè bạn đến dự. Ai đến thấy cô dâu chú rể đều khen xứng đôi! Con cháu của họ nhất định đại quý đại phú.

Hôn lễ vừa xong, vị tổng quản phái người báo cho chủ nhân hay. Thủ Đà La nghe nói đứa con nuôi kết hôn với cháu gái mình tức giận không nói nên lời, hai mắt trợn ngược, run rẩy tay chân. Người đưa thư vội vã quay về trang trại báo tin cho vị tổng quản. Đứa con nghe tin cha bệnh nặng, ruột nóng như thiêu đốt, vội cùng vợ lên đường về nhà. Về đến nhà, hai vợ chồng lập tức đến giường bệnh thăm cha. Cô gái xá chào người bác, khóc nói:

– Con là vợ con trai của cha. Được cha chọn làm dâu, con nhất định không phụ lòng hy vọng của cha, sẽ lo liệu tốt việc nhà. Chỉ mong cha sớm bớt bệnh, sống lâu trăm tuổi để chúng con được trọn lòng hiếu thảo.

Gương mặt Thủ Đà La xanh rồi tím, muốn nói nhưng không thốt nên lời, trợn mắt rồi tắt thở. Người con nuôi thấy cha chết, than khóc vô cùng thương tâm. Hai vợ chồng tổ chức tang lễ rất long trọng, chu đáo. Dân trong thành ai nấy đều khen hai người là con hiếu, dâu thảo .

Ngụ ý: Các bậc cha mẹ nên đối xử công bằng với con cái, làm tròn trách nhiệm giáo dưỡng của mình; phận làm con luôn nhớ đến ân tình của cha mẹ mà phụng dưỡng hiếu kính.

3/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status