Nhiều người vẫn có quan niệm rằng, ăn chay chính là tu Phật. Tuy nhiên, miệng ăn chay mà tâm vẫn cáu giận, vẫn tham muốn dục vọng thì ăn chay cũng chỉ là hình thức bề ngoài mà thôi, điều cốt lõi duy chỉ có tu tâm dưỡng tính.
Bởi vậy cho nên, muốn sống đời thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc, không tự làm khổ mình và không gây khổ cho người, chúng ta phải biết tu tâm, hay tu tâm dưỡng tính.
Người muốn tu, ở hoàn cảnh nào cũng tu được, nếu hiểu được cách tu theo lời Phật dạy, biêt khoan dung rộng lượng trong đối xử, biết tự kềm chế thú vui vật chất, mạnh dạn hy sinh lợi ích cá nhân, biết xả bỏ ích kỷ nhỏ nhen.
Trong cuộc sống phức tạp rối ren này, nếu ai đó vẫn giữ cho mình một tâm hồn trong sáng, một tấm lòng chân thật, lương thiện và nhẫn nại, thì cái tâm ấy chính là món quà thành kính nhất dâng lên Phật, mà không một lễ vật nào có thể sánh bằng.
Tu tâm dưỡng tính là làm điều tốt việc tốt cho đời
“Trang nghiêm giới hạnh, đó là thân đẹp,
Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp,
Cư xử khiêm hạ, từ tốn, đó là cử chỉ đẹp,
Giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo, đó là tấm lòng đẹp,
Hiếu với cha mẹ, kính bậc hiền thánh, đó là tâm hồn đẹp,
Gặp người đau khổ, sợ hãi, nói lời an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp,
Không khởi tà niệm, luôn chánh trực, đó là ý đẹp,
Biết độ lượng, bao dung, đó là đức hạnh đẹp,
Khai mở tâm trí, phá trừ vô minh, đó là trí tuệ đẹp”.
Ở một làng nọ, có một đôi vợ chồng già, chồng hay bố thí giúp đỡ người nghèo khó cơ nhỡ, vợ ăn chay niệm Phật rất thành kính.
Một hôm, người vợ nói với chồng:
“Ông nó à, hôm nay là ngày rằm. Tôi muốn sửa soạn một mâm cỗ chay để dâng lên bàn thờ Phật”.
Người chồng gật đầu ưng thuận, người vợ hớn hở đi chợ, sắm sanh đầy đủ nguyên vật liệu làm cỗ chay. Bà mua rất nhiều thứ, vì để tỏ lòng thành nên dự định làm nhiều món thật đẹp đẽ ngon mắt. Mất cả buổi sáng, bà mới làm xong, bèn gọi chồng vào nhà để cúng Phật với mình. Bà gọi một lần, hai lần, ba lần vẫn không thấy chồng đâu, bực mình quá định bụng chồng về sẽ quở cho một trận vì không thành kính Phật.
Lại nói về người chồng, sáng hôm ấy ông lặn lội đạp xe vào sâu trong xóm để tặng gạo cho mấy đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Mấy đứa nhỏ chẳng mấy khi được ăn cơm gạo trắng, nụ cười rạng rỡ cả khuôn mặt.
Khi ông về đến nhà đã thấy vợ ngồi đấy, mặt mày cau có khó chịu. Nhìn mâm cỗ chay, người chồng chợt thốt lên:
“Bà nó ơi, đây chẳng phải là cỗ mặn hay sao?”.
Người vợ bực bội đáp:
“Mặn gì mà mặn, phỉ phui cái miệng ông. Các món nem, chả, thịt gà này thực ra là từ đậu phụ cả đấy. Tôi chế biến rất khéo nên ông không nhận ra đó thôi. Tuy là đồ chay, nhưng hương vị thơm ngon không thua gì đồ thật”.
Người chồng thở dài:
“Nhìn thì là nem chả thịt nhưng thực ra lại là đậu phụ, đó là bà đang lừa dối Phật. Ăn chay nhưng cái tâm lại là ăn mặn, đó là bà đang tự dối mình. Bà vì dối Phật, dối mình mà tốn kém vất vả cả nửa ngày, Phật liệu có chứng cho lòng thành của bà không đây?”.
Người vợ chợt tỉnh ngộ, sám hối trước Phật, từ đó phát tâm ăn uống đơn giản, không chấp trước vào hương vị đồ ăn nữa. Bà dành nhiều thời gian cùng chồng hành thiện tích đức, cả xóm làng đều ngợi khen.
(Suy ngẫm – mnmcn)