“Bệnh ngôi sao” là cụm từ không lạ bởi nó được sử dụng phổ thông kể từ khi ngành công nghiệp sân khấu, điện ảnh và thời trang phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại với sự phát triển rực rỡ của kinh tế và công nghệ, cùng với chủ nghĩa cá nhân lên đến cực điểm, “bệnh ngôi sao” đã lan tỏa rất mạnh, không chỉ còn trong giới showbiz nữa mà cả trên mạng xã hội, ở công sở và có thậm chí cả ở trong gia đình. Khi giao tiếp, làm việc hoặc chung sống với người mắc bệnh ngôi sao, chúng ta thường thấy mệt mỏi, lo lắng, bực bội và thậm chí tổn thương và mất lòng tin.
ELLE khuyên bạn hãy thử cùng nhau đưa ra định nghĩa, các triệu chứng và biện pháp khắc phục vấn đề tâm lý có phần cực đoan khiến chất lượng cuộc sống, công việc giảm sút và tâm lý gia đình, tâm lý xã hội trở nên phức tạp như sau:
Định nghĩa: “Bệnh ngôi sao” là tiếng lóng chỉ trạng thái tâm lý khi một hay nhiều cá nhân tự cho rằng mình vô cùng quan trọng và nổi bật nên thường xuyên yêu cầu được đối xử đặc biệt quá mức và không muốn hòa nhập với quy định hoặc văn hóa chung của tập thể.
Triệu chứng phổ biến: chủ yếu được thể hiện qua thái độ, hành vi ứng xử hàng ngày như:
+ Khoe khoang: Vì tin rằng mình vô cùng quan trọng, người có tâm lý “ngôi sao” luôn cảm thấy hãnh diện về mình, đi đâu, làm gì với ai cũng tự đề cao cái tôi và thành tích cá nhân.
+ Sang chảnh: Thái độ tỏ ra mình cao quý hơn những người khác hay tỏ ra mỉa mai hoặc coi thường sản phẩm dưới tiêu chuẩn hay người kém thế hơn mình.
+ Kiêu kỳ: Vì họ tự cho mình lỗi lạc, nổi bật, tài hoa, cần thiết nhất nên hay nghĩ rằng nếu vắng mình chắc không ai có thể làm được việc gì. Vì thế họ hay tỏ ra bất cần, không đánh giá đóng góp của người khác, không lắng nghe góp ý hay khuyên giải tích cực của người xung quanh.
+ Ích kỷ: Vì quá coi trọng bản thân, họ thường có thái độ coi quyền lợi của mình là trên hết, xem sự hiểu biết, khả năng của mình là hơn tất thảy. Trong giao tiếp hàng ngày, họ không muốn trao đổi minh bạch mà thường xuyên lấy thế mạnh của mình để uy hiếp người trong tình thế yếu đuối, không có khả năng độc lập hoặc tự vệ.
+ Ghen tị: Họ thường so sánh thành tích hay ngoại hình của mình với người xung quanh, cố gắng để hơn thua không bằng nỗ lực mà bằng thái độ tiêu cực như trù dập, mỉa mai, cách ly, trừng phạt, nói xấu sau lưng, bôi nhọ, để người khác không thể phát triển được như họ.
+ Thiếu thân thiện, cởi mở: Vì ảo tưởng rằng mình quan trọng, người mắc bệnh ngôi sao không mở lòng thân thiện với người mới, không cởi mở với những trải nghiệm hay kinh nghiệm mới, họ nghĩ chỉ có người khác mới phải thay đổi để hòa nhập với cách sống và cách nghĩ của họ.
+ Giận dỗi vô lý: Thái độ bực bội, hậm hực hoặc im lặng và tỏ ra khoảng cách khi có ai đó không để ý đến mình hoặc làm theo ý mình.
+ Không tôn trọng giờ giấc, quy định: Tự cho mình là quan trọng và đặc biệt là thiếu tôn trọng tập thể nên không đến đi đúng giờ.
+ Tỏ ra là nạn nhân: Họ thường kể lể về những vất vả hoặc thành tích của mình, lặp đi lặp lại để người xung quanh chú ý và thấy có lỗi.
+ Vòi vĩnh: Họ thường tỏ thái độ bất bình với những gì mình đang được nhận và hay đưa ra yêu sách hoặc gợi ý để được nhận thêm những lợi ích khác nữa và mãi.
+ Dọa bỏ đi, chấm dứt mối quan hệ: Vì nghĩ mình đặc biệt quan trọng nên khi vòi vĩnh không đạt được kết quả, họ thường dọa bỏ đi, chấm dứt mối quan hệ hoặc ngừng cam kết.
Và nhiều biểu hiện tâm lý không lành mạnh khác…
Những cá nhân dễ mắc “bệnh ngôi sao”: như định nghĩa, người dễ mắc bệnh ngôi sao là những người có những điểm nổi bật so với những người khác. Vậy người mắc bệnh ngôi sao không chỉ có những ngôi sao màn bạc, những ca sỹ nổi tiếng hay những siêu mẫu nữa mà ít hay nhiều, tâm lý tiêu cực này có thể có trong tất cả chúng ta, những ai có chút nổi bật về ngoại hình hay thành tích và luôn muốn được đối xử đặc biệt.
Một người sếp hay đồng nghiệp giàu có, thành đạt có gia cảnh sung túc có thể sẽ không muốn hòa đồng với nhân viên.
Một cô đồng nghiệp có thân hình bốc lửa và biết ăn mặc thời trang cũng có thể không thích chơi với một nhóm bạn ăn mặc giản dị.
Một nhân viên làm việc lâu năm cũng có thể lớn tiếng bắt nạt hoặc không tôn trọng nhân viên mới.
Một người vừa giúp đỡ ai đó trong hoàn cảnh khó khăn cũng có thể có thái độ đòi hỏi, kể lể.
Trong gia đình có con một bề mà bỗng dưng sinh được thêm một con trai hay một con gái, người con đó cũng có thể bị ảo tưởng mình là ngôi sao của gia đình.
Một người thành đạt, kiếm được nhiều tiền và có nhiều mối quan hệ xã hội tốt cũng có thể có ảo tưởng mình là cứu cánh của gia đình.
Những người cha mẹ giàu có, có tài sản hay có một thời tuổi trẻ lao động vất vả cũng có thể mắc bệnh ngôi sao khi mang những thành tích của mình ra gây áp lực bắt con cái phải nghe lời, sợ hãi hay quan tâm thái quá.
Trong một lớp học, cô bạn hay anh bạn nhà giàu hoặc học rất giỏi cũng có thể sẽ không muốn chơi với những bạn có hoàn cảnh gia đình hay thành tích học tập khiêm tốn.
Một thanh niên đi du học về nước cũng có thái độ huênh hoang, tự kiêu với bạn không du học.
Một người anh chị thành đạt cũng có thể lớn tiếng dạy dỗ, gây áp lực cho các em nhỏ tuổi hơn.
Người bạn đời là chồng hay vợ nếu có khả năng kiếm tiền hoặc phụ giúp gia đình giỏi hơn hay có ngoại hình nổi bật thu hút hơn cũng có thể có thái độ chảnh với bạn đời của mình…
Cách nhận diện và phòng tránh tâm lý “bệnh ngôi sao”
Ứng xử khi giao tiếp với người mắc “bệnh ngôi sao”: Việc đầu tiên chúng ta cần xác định người đang giao tiếp không phải là người xấu, họ chỉ vô tình chọn tâm lý bất thường đó như một bản năng tự vệ và sinh tồn. Chúng ta cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng trao đổi và chỉ ra cho họ hiểu rằng phản ứng của họ làm chúng ta và người xung quanh thấy không thoải mái. Trường hợp gặp phải người quá cứng nhắc, không chịu giao tiếp, chúng ta có thể nhờ phía thứ ba đứng ra can thiệp, hoặc giữ khoảng cách hay im lặng một thời gian để thái độ tiêu cực của họ tạo ra kết quả không tốt họ có thể sẽ hiểu. Biện pháp cuối cùng là sử dụng phương án dự phòng hay tìm người thay thế.
Để phòng tránh tâm lý này chúng ta cần đề cao và rèn luyện những đức tính hay thái độ hành xử tích cực như: tôn trọng bản thân nhưng vẫn biết đánh giá cao đóng góp của người khác, thận trọng với các mối quan hệ nhưng luôn thân thiện, cởi mở; nỗ lực phát triển bản thân nhưng biết hợp tác với người khác; có bí quyết sống riêng nhưng luôn minh bạch, bình đẳng… và đặc biệt là luôn trao đổi cởi mở, chân thành và hòa đồng.
Mặc dù trong xã hội tự do hóa, phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật “Bệnh ngôi sao” đã và đang rất phổ biến nhưng không phải cứ hễ là sao hay nổi bật là ta sẽ mắc tâm lý này. Vì vậy, chúng ta cần phải thận trọng phân biệt và xác định để vẫn tạo điều kiện cho người có tâm, tài, có đức được nhắc đến, trân trọng và đánh giá cao và những người mắc bệnh ngôi sao cần sửa đổi thái độ tiêu cực của mình.