Trong sự nghiệp chính trị chói sáng của mình, Tổng thống Abraham Lincoln đã để lại rất nhiều di sản quý báu cho nước Mỹ. Ở cương vị là một người cha, ông cũng mang đến cho các bậc phụ huynh lời khuyên có giá trị đến trăm năm.
Lincoln lớn lên trong một gia đình nông dân ở Kentucky. Cha mẹ ông đều là những người mù chữ. Dù nghèo khó và thất học nhưng gia đình Lincoln luôn dạy dỗ con cái sống đạo đức và tránh xa thói hư, tật xấu.
Sau khi kết thúc cuộc nội chiến (1861 – 1865), Lincoln trở thành anh hùng của hàng triệu người Mỹ. Bằng sự điềm tĩnh, khoan dung, kiên nhẫn, Lincoln đã theo đuổi đến cùng chính sách giải phóng nô lệ của mình, tạo nên một trong những bước ngoặt lịch sử lớn nhất của nước Mỹ.
Người ta nói rằng, ông cũng là người cực kỳ quan tâm đến chính sách giáo dục, bồi dưỡng lớp người tương lai. Bức thư gửi giáo viên của con trai dưới đây cho thấy Lincoln có một tư tưởng tiến bộ, tầm nhìn rộng rãi ra sao về vấn đề này. Các bậc cha mẹ thời hiện đại cũng có thể tìm ra cho mình một ý nghĩa nào đó khi đọc lên những dòng này.
“Thằng bé sẽ phải học được điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng hay chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp thì ở đâu đó sẽ có một vị anh hùng.
Cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm.
Cứ mỗi một kẻ thù thì ở đâu đó sẽ có một người bạn.
Và nếu có thể, xin hãy dạy cho thằng bé tránh xa bản tính ganh ghét, đố kị.
Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác lại chính là những người dễ đánh bại nhất.
Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới tuyệt vời của những cuốn sách. Nhưng xin cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: Như đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở bên ngọn đồi xanh ngát.
Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thi trượt còn hơn gian lận.
Xin hãy giúp cháu có niềm tin vào chủ kiến riêng của bản thân, mặc cho tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử tốt đối với những người hòa nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo.
Xin hãy tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo một hướng.
Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cần phải sàng lọc nó qua một tấm lưới chân lý để rồi chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.
Và nếu có thể, xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và linh hồn mình.
Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh lại làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng. Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều bởi vì chỉ có thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.
Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Tôi cho rằng đây quả là một yêu cầu quá lớn, nhưng xin thầy hãy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai tôi”.
Lời bàn:
Giáo dục con cái luôn là một nhiệm vụ gian nan với các bậc phụ huynh. Dạy dỗ bằng đòn roi thì dễ, giáo dưỡng bằng đạo lý để cải biến con cái từ bên trong mới khó. Khi giáo dục con trẻ, nhất thiết cha mẹ không được nóng giận, không được chỉ vì một phút không kiềm chế nổi mà đi chệch đường.
Mỗi khi cảm thấy thực sự khó làm nổi, chúng ta hãy thử đọc lại lá thư của Lincoln ở trên một lần. Chỉ có sự nhẫn nại, kiên trì, chỉ có đối đãi bằng lòng bao dung với con trẻ, người làm cha mẹ mới thật sự hoàn thành trách nhiệm của mình.