Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng hạnh phúc và êm ấm. Theo quan điểm của tác giả người Mĩ Richard Paul Evans không phải ai cũng có đủ sức mạnh để vượt qua những thời điểm khó khăn trong hôn nhân. Ắt hẳn bạn sẽ đồng tình hơn với quan điểm trên khi đọc xong bài viết này, rằng có những điều giản dị, như một câu nói, có thể cứu vãn một cuộc hôn nhân.
Con gái lớn của tôi, Jenna, thường hay bảo tôi rằng: “Khi con còn bé, một trong những điều làm con sợ nhất là bố mẹ sẽ li hôn. Rồi khi con 12 tuổi, con suy nghĩ là nếu bố mẹ sống với nhau khó khăn quá thì có lẽ chia tay sẽ tốt hơn”. Con bé còn cười:“Con mong là bố mẹ sẽ tìm ra cách để giải quyết vấn đề”.
Tôi và vợ tôi, Keri, đã phải vật lộn hàng năm trời sống cùng nhau. Nhìn lại, tôi không rõ chính xác là điều gì đã đem chúng tôi đến với nhau, nhưng tính tình chúng tôi chẳng hợp nhau tí nào. Và càng trải qua nhiều năm hôn nhân, sự khác biệt càng lúc càng gia tăng dữ dội. Sự thành đạt của tôi hay sự sung túc trong cuộc sống của gia đình vẫn không làm cuộc hôn nhân của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn. Thực tế, chúng còn gia tăng những vấn đề giữa chúng tôi. Căng thẳng giữa chúng tôi tệ đến mức chúng tôi thường xuyên vắng nhà, để tham gia vào các hội sách và xem như một sự giải thoát.
Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi không có một tí bình yên nào, thay vào đó là những cuộc cãi nhau liên miên. Dù ở chung một mái nhà nhưng chúng tôi dường như luôn sống trong tư thế phòng bị, tự xây những pháo đài vững chãi để cách li lẫn nhau. Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã trên bờ vực tan vỡ và chuyện li hôn đã được bàn bạc rất nhiều lần.
Cao điểm xảy ra khi tôi đang trong một chuyến đi. Chúng tôi đã cãi nhau rất dữ dội qua điện thoại và Keri dập máy không thèm nghe tôi nói nữa. Tôi lúc đó chỉ có một mình và cảm thấy vô cùng cô đơn, bực mình và giận dữ. Tôi đã đi đến giới hạn của mình. Lúc đó tôi đang trong phòng tắm ở Buckhead, Atlanta Ritz-Carlton và hét lớn lên rằng: “Lạy Chúa, cuộc hôn nhân đó thật sai lầm và tôi không thể tiếp tục nó được nữa”.
Tôi ghét nghĩ đến việc li hôn, nhưng những nỗi đau mà cuộc hôn nhân này mang lại thật quá sức chịu đựng. Tôi chẳng hiểu tại sao việc sống chung với Keri lại khó khăn đến vậy. Từ sâu thẳm trong tôi, tôi biết rằng Keri là một người phụ nữ tốt. Và tôi cũng là một người đàn ông tốt. Vậy tại sao tôi và cô ấy lại chẳng thể hòa hợp cùng nhau? Tại sao tôi lại cưới một người khác biệt với mình nhiều như vậy? Tại sao cô ấy không thay đổi?
Tôi đã khóc, trong nỗi tuyệt vọng vô ngần. Bỗng có một ý nghĩ mạnh mẽ trào đến trong đầu tôi. Mày không thể thay đổi được cô ấy, Rick. Mày chỉ có thể thay đổi chính bản thân mày. Lúc đấy tôi bắt đầu cầu nguyện: “Nếu con không thể thay đổi cô ấy, xin Chúa, hãy thay đổi con, hãy giúp con trở thành một con người khác”. Tôi cầu nguyện rất lâu. Ngày hôm sau khi trên chuyến bay về nhà tôi cũng cầu nguyện. Tôi cầu nguyện khi chuẩn bị bước vào nhà gặp gương mặt lạnh lùng của cô vợ.
Đêm đó, khi chúng tôi đang nằm trên giường, chỉ cách nhau một gang tay nhưng lại cảm thấy như xa nửa vòng trái đất, tôi bỗng nảy ra một ý. Tôi đã biết những gì tôi cần làm.
Sáng hôm sau, tôi nhích sang nằm gần Keri hơn và hỏi cô ấy: “Tôi có thể làm gì để cô có thể cảm thấy tốt hơn?”.
Keri bực bội nhìn tôi: “Cái gì?”.
“Tôi có thể làm gì để cô có cảm thấy tốt hơn?”
“Anh không thể làm gì cả”, cô ấy nói. “Sao anh lại hỏi vậy?”
“Bởi vì tôi thích”, tôi nói. “Tôi chỉ muốn biết liệu tôi có thể làm gì đó để cô cảm thấy tốt hơn thôi”.
Cô ấy nhìn tôi đầy hoài nghi: “Anh muốn làm gì đó à? Vậy thì đi xuống bếp và dọn dẹp đi”.
Cô ấy hẳn trông mong rằng tôi sẽ phát điên lên. Nhưng thay vào đó tôi chỉ gật đầu “Được thôi”. Tôi vệ sinh cá nhân, sau đó xuống dọn sạch nhà bếp.
Ngày tiếp theo tôi lại hỏi như cũ: “Tôi có thể làm gì để cô cảm thấy tốt hơn?”.
Cô ấy nhìn tôi “Đi dọn ga-ra đi”.
Tôi hít một hơi dài. Tôi đã có một lịch làm việc khá bận rộn rồi và cô ấy vừa thêm một mớ việc nữa cho tôi. Tôi suýt chút nữa đã “bùng nổ” với cô ấy. Nhưng thay vào đó tôi chỉ nói “Được thôi”. Tôi dành ra hai tiếng đồng hồ để dọn dẹp ga-ra. Keri chẳng biết nên phản ứng như thế nào nữa.
Một buổi sáng nữa lại đến, tôi lại tiếp tục “Tôi có thể làm gì để cô có thể cảm thấy tốt hơn?”.
“Chẳng cần làm gì cả”, cô ấy nói. “Anh không thể làm gì để tôi cảm thấy tốt hơn cả. Làm ơn đừng hỏi tôi như vậy nữa”.
“Tôi rất tiếc”, tôi nói. “Nhưng tôi không thể. Tôi đã tự cam kết với bản thân mình rồi. Tôi có thể làm gì để cô cảm thấy tốt hơn?”
“Tại sao anh phải làm việc này?”.
“Bởi vì anh quan tâm đến em”, tôi nói, “Và mối quan hệ của chúng ta”.
Sáng hôm sau, tôi lại tiếp tục hỏi. Và cứ thế. Cứ thế. Rồi, cho đến tuần thứ hai, phép màu đã xuất hiện. Khi tôi đưa ra câu hỏi tương tự, mắt Keri ầng ậng nước. Cô ấy bật khóc nghẹn ngào. Lát sau cô ấy nói trong tiếng nấc “Xin đừng hỏi em như thế nữa. Anh không làm gì sai cả. Chính là em. Thật khó để có thể sống cùng một người như em. Em không hiểu vì sao anh lại có thể sống cạnh em được”.
Tôi nhẹ nhàng nâng cằm của cô ấy lên đến khi Keri nhìn thẳng vào mắt tôi. “Bởi vì anh yêu em”, tôi nói. “Giờ thì anh có thể làm gì để em cảm thấy tốt hơn không?”.
“Em mới là người nên hỏi anh câu đó”.
“Đúng vậy”, tôi nói. “Nhưng không phải bây giờ. Ngay lúc này, anh là người cần phải thay đổi. Em cần phải hiểu được rằng với anh em quan trọng đến thế nào”.
Cô ấy tựa đầu vào ngực tôi và nói: “Em xin lỗi, em đã làm khó anh quá rồi…”.
“Anh yêu em”, tôi nói.
“Em yêu anh”, cô ấy đáp lại.
“Anh có thể làm gì để em cảm thấy tốt hơn?”
Cô ấy nhìn tôi ngọt ngào “Chúng ta có thể dành thời gian chỉ để ở cùng nhau thôi không?”
Tôi mỉm cười “Anh thích vậy”.
Tôi cứ tiếp tục hỏi như vậy trong hơn một tháng. Và mọi chuyện đã thay đổi. Những cuộc cãi nhau đã biến mất. Rồi Keri bắt đầu hỏi “Anh cần gì ở em? Em phải làm sao để trở thành một người vợ tốt hơn?”
Bức tường ngăn cách chúng tôi đã sụp đổ. Chúng tôi bắt đầu có những cuộc trao đổi ý nghĩa về việc chúng tôi muốn gì trong cuộc sống và có thể làm gì để người còn lại hạnh phúc hơn. Có lẽ chúng tôi không giải quyết được triệt để tất cả mọi vấn đề. Chúng tôi không dám chắc rằng sau này sẽ không bao giờ cãi nhau nữa. Nhưng những cuộc cãi nhau đó đã khác đi rất nhiều. Chúng xảy ra hiếm hơn, và nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi đã cắt đi nguồn sống của những xung đột. Chúng tôi không còn làm cho nhau cảm thấy tổn thương nữa.
Keri và tôi giờ đã lấy nhau được hơn 30 năm. Tôi không chỉ yêu vợ mình, tôi còn quý cô ấy. Tôi thích ở cạnh cô ấy. Tôi cần cô ấy. Nhiều điểm khác biệt giữa chúng tôi đã trở thành sức mạnh và những điều còn lại chả còn là vấn đề nữa. Chúng tôi đã học được cách quan tâm lẫn nhau, và quan trọng hơn, chúng tôi khao khát được làm điều đó.
Hôn nhân là một việc khó khăn. Đó cũng như việc dạy dỗ con cái, giữ vóc dáng, viết sách, hay bất kì điều gì quan trọng khác trong cuộc đời bạn. Người bạn đời là một món quà tuyệt vời cuộc sống đem đến. Tôi cũng học được một điều, đó là hôn nhân có thể giúp chúng ta chữa lành những điều đáng ghét nhất ở bản thân. Ai trong chúng ta cũng đều có những điều ấy.
Dần dà, tôi hiểu ra rằng những trải nghiệm của chúng ta giống như tiếp thu một bài học lớn hơn về hôn nhân vậy. Câu hỏi mà ai đã kết hôn rồi cũng nên hỏi bạn đời của mình đó là: “Tôi có thể làm gì để cuộc sống của bạn tốt hơn?”. Đấy chính là tình yêu. Những cuốn tiểu thuyết lãng mạn về tình yêu (tôi cũng có viết một số cuốn như thế) thường đề cập đến khát khao, đam mê và hạnh phúc mãi mãi, nhưng cái hạnh phúc mãi mãi ấy không bắt nguồn từ khao khát hay đam mê – ít nhất nó không phải là các yếu tố xuất hiện trong những chuyện tình lãng mạn. Tình yêu thật sự không phải là niềm khao khát đối với một con người, mà là sự khao khát đối với hạnh phúc của đối phương – đôi khi, dù phải hy sinh chính hạnh phúc của bản thân mình. Tình yêu thật sự không phải làm cho một ai đó trở thành một “khuôn đúc” giống hệt bạn. Đó là sự mở rộng tấm lòng cho sự vị tha và lòng quan tâm của một người, là sự tự chủ động trở thành một “chốn yên bình” cho người khác. Những thứ khác còn lại chỉ là sự yêu thích nhất thời mà thôi.
Tôi không nói rằng câu chuyện của tôi và Keri có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Tôi cũng không cho rằng mọi cuộc hôn nhân đều phải được cứu vãn. Nhưng với tôi, tôi rất biết ơn cho ý tưởng đã đến vào ngày đó. Tôi rất biết ơn vì gia đình tôi vẫn gắn kết và tôi vẫn chưa đánh mất vợ mình, người bạn thân, người bạn đời, người chung giường nằm cạnh mỗi buổi sáng tôi thức dậy. Và tôi cảm thấy biết ơn khi đến tận bây giờ, nhiều thập kỉ trôi qua, trước sau vẫn vậy, một trong hai chúng tôi vẫn còn lăn đến cạnh nhau và hỏi người còn lại: “Anh/em có thể làm gì để em/anh cảm thấy tốt hơn không?”. Dù là người hỏi hay được hỏi, đó cũng là điều chúng tôi trông mong được nghe khi thức dậy vào mỗi buổi sáng.