Chùa Phổ Quang hiện nay tuy được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo Nam tông và cách vận y phục cũng như tu học, truyền thừa Đại đức Thích Tâm Định vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh.
Chùa Phổ Quang nằm tại tỉnh Đắk Lắk từng ba lần trùng tu, nâng cấp vào các năm 1962, 2007, 2013.
Gặp được thuận duyên, trong những ngày đầu đông vừa qua, nhân chuyến ngược lên miền núi Đắk Lắk dự lễ đại tường phụ thân anh Sơn Thạch Lâm, anh em chúng tôi có dịp ghé thăm một ngôi chùa đặc biệt nơi vùng cao nguyên sơn cước này với niềm cảm xúc pha chút đôi điều thú vị.
Nói đặc biệt không phải có yếu tố khác lạ hay sự hoành tráng, to lớn, thậm chí sự kiện từng thu hút khách thập phương đến viếng nhân có hai con cá lóc to do phật tử phóng sinh trên đầu nghi có 18 chữ Nho ẩn hiện vào tháng 5/2012; mà là ở sự tồn tại từ lúc khai sơn do chính tấm lòng thiết tha với đạo pháp của những cư sĩ, phật tử tuyệt vời, để rồi trang sử được viết tiếp bằng nhân duyên dung nạp hai tính chất Bắc truyền và Nam truyền trong tu học và trong hóa đạo rất thú vị.
Đó là ngôi chùa Phổ Quang, một ngôi chùa có mặt cùng lúc với cư dân bản địa, vốn là lưu dân từ Quảng Nam vào khai khẩn lập ấp xây làng vào những năm cuối thập niên 50 thế kỷ trước.
Chùa Phổ Quang tọa lạc tại thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư’Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Từ thành phố Buôn Ma Thuột rẽ trái xuôi theo đường Phan Chu Trinh, qua ngã tư Y Moan Ênuôl – Lê Thị Hồng Gấm, thẳng theo đường Hà Huy Tập, đến tỉnh lộ 8, tiếp tục theo đường Hùng Vương, qua cầu Quảng Tiến rẽ trái là đến chùa Phổ Quang.
Đây là địa phận huyện Cu’Mgar, thị trấn Quảng Phú. Tổng cộng đoạn đường từ Buôn Mê Thuột đến đây gần 34km.
Như đã thưa, cư dân nơi đây phần lớn là người Quảng Nam đến khai cơ lập nghiệp, mang theo niềm tin Phật pháp để làm chốn nương dựa tinh thần nơi rừng hoang xa lạ. Lúc đó gọi là thôn Thành Sơn, dinh Điền Quảng. Nghe chuyện các đạo hữu chắt chiu từng thân cây rừng, táng lá gầy dựng mái thào am ban đầu mà lòng chúng tôi thêm thán phục.
Ngay từ thuở ban đầu mái chùa nhỏ nhoi này đã không hề có bóng dáng một vị xuất gia nào. Nơi sơn lam chướng khí khi ấy khó mà thỉnh mời. Các phật tử tự đứng ra vận hành các hoạt động tu học và cho đến năm Tân Sửu (1960) cũng tự nguyện đứng vào hàng ngũ Giáo hội đường hoàng.
Tính từ năm đó, tức năm 1960 cho đến 2012 có cả thảy bảy lần các đạo hữu phật tử thay nhau đảm nhiệm chức vị Chánh đại diện cũng như Ban Hộ tự rất nghiêm túc. Sẽ không thừa để chúng ta nêu ra cụ thể danh tánh các vị ấy đảm đương chức vụ Chánh đại diện đây trước hết để nghiêng đầu tỏ lòng kính phục đạo tâm kiên cố sau nữa là làm bài học cho những ai từng muốn nhận mình là một Phú Lâu Na thời đại, cả xuất gia lẫn cư sĩ tại gia.
Từ năm 1960 – 1965: Đạo Hữu Nguyễn Hiền – PD: Đồng Hậu
Từ năm 1966 – 1972: Đạo Hữu Nguyễn Quảng – PD: Nhuận Đạt
Từ năm 1973 – 1985: Đạo Hữu Trần Hồng – PD: Nhuận Thanh
Từ năm 1986 – 1995: Đạo Hữu Nguyễn Đình Quang – PD: Nhuận Đình
Từ năm 1996 – 2000: Đạo Hữu Phan Đình trọng – PD: Nguyên Nghĩa
Từ năm 2000 – 2006: Đạo Hữu Nguyễn Văn An – PD: Nhuận Lạc
Từ năm 2007 – 2012: Đạo Hữu Nguyễn Đình Quang – PD: Nhuận Đình
Như vậy đạo hữu Nhuận Đình – Nguyễn Đình Quang đảm đương chức vụ Chánh đại diện sau cùng, ngay giữa khoảng thời gian đó, Đại đức Thích Tâm Định đã đáp lại lòng mong thỉnh của các phật tử và được sự đồng ý, bổ nhiệm trụ trì chùa Phổ Quang của BTS Phật giáo tỉnh Đắk Lắk (lễ bổ nhiệm trụ trì được cử hành trọng thể tại chùa sáng ngày 20/9/Kỷ Sửu) cho đến hôm nay.
Công đức của các cư sĩ, phật tử thời quá khứ cũng như còn hiện tiền, được đại đức tân trụ trì trang trọng viết hai câu đối trước mặt tiền chùa từ danh gọi Phổ Quang:
Phổ diệu từ bi tâm, thiện tín lên thuyền lìa bể khổ
Quang huy thanh tịnh tuệ tăng ni thắp đuốc rọi đường mê.
Chùa Phổ Quang đã ba lần trùng tu, nâng cấp vào các năm 1962, 2007, 2013. Công việc quan trọng này hiện vẫn đang được Đại đức Thích Tâm Định khởi công nhiều hạng mục quan trọng khác.
Đáng chú ý là sự kiện đúc tượng Phật Bổn sư bằng đồng cao 1,7 mét chưa tính tòa sen nhân lễ Thành Đạo ngày 7/2/Tân Sửu (31/12/2011) và được cung thỉnh tôn trí ngay trong chánh điện chùa.
Theo lời đại đức trụ trì, hiện tu học tại chùa có hai Tỳ kheo, một Sa di, hai chú tiểu. Khi chúng tôi đến thì trời đã tối hẳn, các phật tử địa đang tụng kinh thời khóa tịnh độ (kinh Phổ Môn) trên chánh điện.
Đây chính là điều thú vị nhưng chúng tôi không ngạc nhiên vì lẽ Đại đức Thích Tâm Định vốn xuất thân từ môi trường Phật giáo miền Trung, trong quá trình tu học nhận Thượng tọa Thích Bửu Chánh làm y chỉ sư. Chúng tôi đã được nghe đại đức thực hiện nghi thức cúng tiến linh bằng lối tán tụng Huế rất hay.
Cũng vậy, ngôi chùa Phổ Quang hiện nay tuy được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo Nam tông và cách vận y phục cũng như tu học, truyền thừa Đại đức Thích Tâm Định vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh.
Có thể rút ra một kết luận đơn giản rằng, chùa Phổ Quang với hình thức và sự tu học theo căn bản Nam tông trên cơ sở nền móng lịch sử phát triển và hóa đạo trong quá khứ của các cư sĩ, phật tử Bắc tông. Đó chính là điều chúng tôi nói thú vị đặc biệt. Đây cũng có thể là mô hình tham khảo tuyệt vời cho những nơi có tranh chấp về ý thức phân biệt mà thiếu sự trân trọng về quá khứ lịch sử phát triển cũng như mối thiện duyên có được hiện hành. Phật đạo sẽ lợi lạc biết chừng nào.
Trời bắt đầu lập đông, ngồi thưa chuyện với Đại đức Thích Tâm Định nơi hậu viên thoáng mát, gió Đông Nam thổi lùa đến, mang theo hơi lạnh từ Đà Lạt truyền sang, nhưng cũng không làm xao động những trao đổi, những tràng cười sảng khoái chung quanh chuyện phật sự và dự định lâu dài cho Phật pháp, cho mái chùa Phổ Quang tuy xa lạ mà gần gũi này.
Thầy Thích Tâm Định (y vàng ) và thầy Thích Thiện Hòa, những bậc pháp lữ trong gần gặp gỡ. |
Cho đến rạng sáng hôm sau, khi từ tạ Đại đức để lên xe ra về, cái gió đầu đông ấy mới thật sự làm chúng tôi chạnh lòng khi nghĩ đến con đường hóa đạo tiếp theo một mình Đại đức vẫn phải tiếp tục từng ngày để mảnh đất già lam này thêm rạng rỡ, không phụ lòng tin cậy của những đạo hữu phật tử gởi gấm cũng như niềm tin nơi thầy Tổ mà Đại đức từng được trao gởi phước duyên.
Tạm biệt ngôi chùa miền sơn cước đặc biệt này, biết có còn bao giờ đến được lần thứ hai, lòng chỉ thầm mong chư long thần hộ pháp gia hộ cho Đại đức gặp được nhiều trợ duyên từ khắp nơi để tiếp tục củng cố già lam, phát huy Phật đạo. Đại đức sẽ không còn cảm thấy cô đơn nếu lời nguyện chân thành của chúng tôi sẽ trở thành hiện thực.