Trong giao tiếp xã hội, việc nhìn người là vô cùng quan trọng. Bất kể là kết giao bạn bè, tìm người tri kỉ, hay chỉ đơn giản là xã giao, hoặc tìm đối tác làm ăn thì việc nhìn nhận và đánh giá một con người vô cùng quan trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời và sự thành bại của sự nghiệp, công việc của bạn.
Dưới đây là 3 mẹo nhìn người sâu sắc do người xưa truyền lại, đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi.
1. Nhìn người qua thời gian
Người xưa khuyên rằng, muốn biết một người thật sự tốt với mình hay không, hãy dùng thời gian để quan sát chứ đừng ngay từ lần đầu gặp mặt đã vội vàng đưa ra kết luận tốt xấu về người đó.
Con người vốn vì lợi ích sinh tồn, đa số đều mang trên mình một chiếc mặt nạ. Khi gặp bạn, họ thường đeo một chiếc mặt nạ giả. Đây là một hành vi có ý thức. Những chiếc mặt nạ chỉ thể hiện ra các góc độ mà bạn thích. Nếu bạn chỉ căn cứ vào những điểm này mà phán đoán sự tốt xấu của một người, từ đó quyết định mức độ giao tiếp với người đó thì bạn có thể mắc phải sai lầm.
Cho dù ngay từ lần gặp đầu tiên, đối phương đã để lại ấn tượng tốt với bạn, khiến bạn ngay lập tức rất quý mến và muốn thân thiết thì cũng cần phải dành ra một khoảng trống, không nên để cho yếu tố tình cảm chủ quan tốt xấu được chen vào. Sau đó mình sẽ bình tĩnh quan sát hành vi của đối phương.
Dùng “thời gian” thường rất dễ để nhận ra những loại người dưới đây:
– Người không thành khẩn: Vì anh ta không thành thực, do vậy lúc đầu rất nhiệt tình, càng về sau càng lộ rõ sự thờ ơ. Lúc đầu thân thiện, sau lại xa lạ.
– Người nói dối: Một lời nói dối sẽ cần trăm lời nói dối khác để che lấp, dần dà sẽ lộ ra kẽ hở. Thời gian chính là công cụ sắc bén để kiểm nghiệm những lời nói dối đó.
– Người lời nói không đi đôi với hành động: Loại người này nói và làm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Dùng “thời gian” để nhìn nhận có thể phát hiện ra sự không đồng nhất trong lời nói và hành động.
2. Nhìn người bằng cách “nghe ngóng”
Dùng “thời gian” để nhìn người cũng có điểm tốt, nhưng cũng có lúc không đáp ứng được yêu cầu cấp bách: Chỉ qua một vài ngày phải quyết định có nên hợp tác với một người nào đó hay không.
Gặp phải tình huống này, có người hoàn toàn dựa vào trực giác của mình: cho rằng tốt là tốt, không tốt là không tốt. Liên quan đến trực giác, có người khá chính xác, nhưng tính nết của con người là vô cùng đa dạng, cái đúng với người này chưa chắc đúng với người khác; cái đúng trong quá khứ chưa chắc đúng trong tương lai.
Như vậy, nhìn người bằng “thời gian” không phải lúc nào cũng phù hợp, khi đó ta nên nghe ngóng về người đó từ mọi phía. Con người luôn phải giao tiếp với người khác, đồng thời bản tính dễ bị lộ ra bởi người thứ ba không liên quan.
Nếu bạn nghe từ bạn thân của anh ta thì đương nhiên bạn chỉ nghe những lời nói tốt. Nếu nghe từ những đối thủ của anh ta, bạn sẽ nghe được những lời nói xấu. Tốt hơn, bạn nên hỏi những người không có quyền lợi hay lợi ích gì khi quan hệ với anh ta, không nhất định phải là đồng nghiệp, mà có thể là bạn cùng lớp, cùng xóm… ai ta cũng có thể hỏi.
Đáp án của mọi người sẽ có sự chênh lệch vì mỗi người đều có cách nhìn nhận tốt xấu không giống nhau. Bạn có thể tập hợp những điều nghe thấy lại, tìm ra những điểm tương đồng nhất, qua đó bạn sẽ có thể hiểu một cách khái quát về tính cách thật của anh ta. Điểm tương đồng giữa các nhận xét cũng có thể là điểm chủ yếu trong tính cách.
Chúng ta thường nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Điều này có nghĩa là người như thế nào sẽ chơi với bạn bè thế nấy. Cách nhìn nhận và quan điểm sống của những người bạn chơi cùng nhau phải có những điểm tương đồng thì họ mới có thể chơi với nhau. Do vậy người có tính tình cương trực, thẳng thắn khó có thể hợp với người mưu lược. Người thích rượu chè, cờ bạc không thể trở thành bạn thân của người mực thước.
Ngoài ra, ta còn có thể nghe ngóng tình hình trong gia đình anh ta. Hãy xem anh ta cư xử với cha mẹ như thế nào, đối với anh chị em, vợ chồng, con cái ra sao, đối với hàng xóm như thế nào.
3. Nhìn người qua sở thích và ham muốn
Ngụ ngôn Hy Lạp kể rằng: Có một vị quân vương nuôi vài con khỉ trong nhà. Anh ta luyện cho chúng cách nhảy múa, và mặc cho chúng những bộ quần áo tuyệt đẹp, đeo cho chúng những chiếc mặt nạ hình mặt người. Khi lũ khỉ nhảy múa trông rất giống như người thật.
Một ngày kia, vị quân vương bắt bọn khỉ nhảy múa cho các quần thần thưởng thức. Diễn xuất điêu luyện của lũ khỉ đã nhận được nhiều tràng vỗ tay khen ngợi. Nhưng trong số các vị quan, có một vị đã cố ý làm rơi một trái chuối trên sàn nhà. Những con khỉ thấy vậy đã tháo lớp mặt nạ, lao vào để tranh nhau trái chuối. Kết quả là cuộc trình diễn tinh vi của lũ khỉ đã trở thành trò chế giễu cho mọi người.
Người xưa quan niệm bản tính thật của con người sẽ bộc lộ khi tiếp xúc với thứ mà mình thực sự ham muốn. Chẳng hạn như người ham ăn sẽ không thể kiềm chế trước món ăn ngon, người háo sắc sẽ tỏ ra thích thú với người đẹp, kẻ hám tiền sẽ sáng mắt khi thấy của cải… Nhờ vào những sở thích con người có thể tìm thấy đặc trưng tính cách của người đó.
Áp dụng trên thực tế, bạn có thể chủ động tạo tình huống để người đó bộc lộ những sở thích, ham muốn của mình, khiến anh ta quên mất mình đang đóng vai gì, từ đó lộ rõ bộ mặt thật.
Nếu bạn không có năng lực sắp xếp tình huống, vậy thì bạn nên tận dụng mọi cơ hội để quan sát anh ta trong những tình huống mà anh ta không ngờ nhất, như khi tiếp xúc với một người phục vụ, một người ăn xin, một đứa trẻ con, một người xa lạ… Quan sát này có ý nghĩa sâu sắc hơn so với sự sắp đặt vì đối tượng bị quan sát không phòng bị, bộ mặt thật lộ ra tương đối sát thực.
(vn.pngd)