Bất hiếu được coi là tội lỗi lớn nhất đời người, đây là tội ác đứng đầu muôn tội, sẽ phải chịu quả báo vô cùng lớn.
Nếu hiếu thảo được xem là đạo hiếu đứng đầu trăm hạnh thì bất hiếu đồng thời cũng là tội nặng nhất. Người nào mắc phải tội bất hiếu sẽ phải gánh chịu những quả báo hết sức nặng nề.
Khi nghiên cứu Phật giáo, người ta phải thừa nhận rằng tư tưởng Phật giáo đặc biệt nhấn mạnh và đi sâu đề cao đến Đạo Hiếu của con người, vấn đề này được luận giải trong rất nhiều các kinh điển Phật giáo, tiếp cận dưới nhiều góc độ, phương pháp. Phật giáo đề cao chữ Hiếu, lấy chữ Hiếu làm trọng, học được hiếu mới học được những đạo lý tiếp theo.
Bất hiếu bao gồm có 3 phương diện:
Bất hiếu thứ nhất là không nghe theo lời khuyên chân thành, đúng đắn của mẹ cha ông bà nên trở thành kẻ hư đốn, đánh mất chính mình.
Bất hiếu thứ hai là ta thừa kế gia tài, sự nghiệp ông bà tổ tiên để lại một cách thiếu khôn ngoan, dẫn đến tình trạng “cha làm thầy con đốt sách”, đi ngược lại đạo lý nhiều đời mà gia tộc để lại, làm cho truyền thống đó bị cắt đứt và thân bằng quyến thuộc phải bị mang tiếng có những đứa con hư, không nên nết. Uy tín của gia đình đối với xã hội, vì đó mà bị giảm sút rất nhiều.
Bất hiếu thứ ba là sống trong vòng tay thương yêu của mẹ cha với những sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình mà ta không thể thành đạt để trở thành người hữu dụng trong xã hội. Ta ăn bám và ỷ lại mẹ cha, trở thành những cậu ấm cô chiêu, giống như gà công nghiệp, không làm gì được, vài ba chục tuổi đầu mà phải chìa tay xin tiền cha mẹ. Dầu có sức khỏe, trí thông minh nhưng không chịu làm, lệ thuộc mãi rồi quen, mỗi lần cần gì thì xin, mẹ cha thương quá nên chiều, tạo ra tâm lý ỷ lại và kết quả là không có cơ nghiệp gì trong xã hội.
Những người như thế, khi cha mẹ qua đời thì họ khó có thể đứng dậy tự đi lên vì năng lực tự lập không có. Họ dễ dàng rơi vào tình trạng bế tắc, trở thành người tha phương cầu thực.
Đó là chưa nói đến những hành vi bất hiếu, làm cho cha mẹ buồn, mang tiếng, hổ mặt với đời, không dám ngước nhìn gia tộc, lối xóm, người thân. Bất hiếu làm cho mình sống thiếu trách nhiệm, do vậy mà đánh mất tương lai.
Những người con thảo cháu hiền thì cố gắng tạo điều kiện cho cha mẹ già có được sự bình an về đời sống nội tâm. Có như vậy, mỗi khi nhắc đến con cái, cha mẹ mới hãnh diện và tự hào về sự trưởng thành của chúng.
Đức Phật dạy rằng, cuộc sống luôn có nhân quả báo ứng. Chúng ta càng gây ra nhiều tội lỗi thì báo ứng càng sâu dầy đến nỗi không thể nào cứu vãn được.
Từ xa xưa ông cha ta dã dạy rằng:
Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Hay:
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Chúng ta đều biết, đều hiểu nhưng thử hỏi mấy ai trong số chúng ta thực hiện tốt được điều đó?
Ngày nay, cuộc sống bộn bề rất khó để chúng ta có thể làm trọn vẹn được những điều đó nhưng hãy hiếu kính với Cha Mẹ trong điều kiện của mình, đừng bao giờ mắc phải “trọng tội” bất hiếu để suốt kiếp phải chịu báo ứng.