Nếu muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, bạn đừng bao giờ nói ra những câu nói “vô duyên” này, cũng đừng bao giờ lấy lý do thật thà để che đậy cho sự vô duyên của mình.
Những câu nói vô duyên tuyệt đối không nên dùng
1. Dạo này béo thế
Quan tâm đến người khác là điều tốt. Nhưng dù bạn và đối phương có thân thiết đến mấy thì cũng nên ngưng sử dụng câu nói này ngay lập tức. Nó không chỉ khiến đối phương cảm thấy tồi tệ mà còn biến chính bạn thành một người thiếu tinh tế và bất lịch sự.
2. Tôi không làm được đâu
Khi được giao một việc khó hay việc bạn chưa từng làm, đừng vội phản ứng rằng “Tôi không làm được đâu”. Nó không chỉ là lời tự thú “Tôi không biết làm” mà còn cho thấy bạn là người không có trí tiến thủ. Tại sao chúng ta lại tự giới hạn năng lực của bản thân như vậy?
Thay vào đó, hãy nói “Tôi sẽ cố gắng” với sự hào hứng và quyết tâm. Đừng sợ hãi và giấu dốt. Hãy mạnh dạn nhờ sự giúp đỡ từ những người xung quanh nếu bạn cần nó để hoàn thành công việc.
3. Như tôi đã nói rồi đấy…
Lặp lại những gì mình đã nói có thể khiến bạn cảm thấy bực mình, nhưng chúng ta thực sự không thể mong chờ người khác nhớ mọi điều chúng ta đã nói với họ. Hơn nữa, khi mọi người không nhớ những gì bạn đã nói, thậm chí là nói nhiều lần, bạn sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Do vây, hãy thử truyền tải điều đó theo những cách khác nhau để mọi người hiểu sự quan trọng của vấn đề bạn đang nói.
4. Tôi đã bảo mà
Trên thực tế, câu nói này đã làm rất nhiều người phát điên lên. Nó giống như việc “đổ thêm dầu vào lửa”. Do đó, đừng bao giờ sử dụng câu này thêm một lần nào nữa. Hãy hiểu rằng ai trong chúng ta cũng muốn làm tốt, chẳng ai muốn mắc lỗi hay làm sai điều gì đó cả. Hãy nhớ lại khi còn bé, bạn từng không cẩn thận làm vỡ cái gì đó. Bạn có thấy âm thanh “Mẹ đã bảo mà” vang lên không?
5. Đó không phải việc của tôi
Đừng khiến người khác nghĩ rằng bạn có vẻ là người vô trách nhiệm dù cho đó thực sự không phải việc của bạn. Không một ai có thể tự tin khẳng định: Tôi không bao giờ cần sự giúp đỡ của bất cứ ai. Do đó, nếu có thể hãy giúp đỡ người khác một cách vui vẻ. Nếu không thể giúp đỡ hoặc không nên hỗ trợ những trường hợp nào đó, hãy nói một cách khéo léo và lịch sự.
6. Tôi hỏi “ngu” một tí nhé
Không có gì đáng xấu hổ khi đặt câu hỏi nên bạn đừng tự gắn cho mình cái mắc “hỏi ngu” ngay cả khi chưa bắt đầu. Cũng như việc chia sẻ đề xuất hoặc ý tưởng. Đừng khiến bản thân trở nên kém cỏi, ngu ngốc bằng cách bằng đầu với “Điều này có thể ngớ ngẩn nhưng…”
7. Thế nào cũng được
Một câu nói siêu ngắn nhưng đủ sức dập tắt mọi sự hào hứng, ngay cả khi nó được nói ra một cách bình thường nhất. Nó không chỉ cho thấy sự thờ ơ của bạn mà còn tố cáo rằng bạn không có ý tưởng gì cả. Dù ý kiến của bạn có giống ai đó vừa phát biểu, bạn vẫn có thể đóng góp và bổ sung thêm. Nếu bạn có ý kiến đối lập, hãy chia sẻ nó một cách lịch sự để mọi người cùng thảo luận.
8. Không phải lỗi tại tôi
Ngay cả khi vấn đề thực sự không phải lỗi của mình thì chúng ta cũng không nên nói câu này. Nó giống như một lời tuyên bố “tôi không thể sai” và chỉ khiến cho không khí căng thẳng hơn. Đừng bỏ mặc, cũng đừng đổ lỗi. Thay vào đó, hãy cùng mọi người phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp cho vấn đề.
Bí quyết vàng để bớt vô duyên trong giao tiếp
Bí quyết 1: Đừng làm nhiều việc cùng một lúc
Khi nói chuyện với người khác, bạn không nên “dán mặt” vào điện thoại hay miệng nói nhưng tâm trí để nơi khác. Nếu rơi vào tình huống như vậy, chắc hẳn bạn sẽ bị đánh giá là không tôn trọng người đối diện. Bí quyết là hãy gạt bỏ tất cả những suy nghĩ vẩn vơ xung quanh, dừng lại mọi hoạt động để tập trung 100% vào cuộc trò chuyện.
Bí quyết 2: Đừng luôn cho mình đúng
Thật tồi tệ nếu ai đó luôn cho rằng những suy nghĩ, những ý kiến của họ luôn luôn đúng. Bởi nếu không bao giờ chịu sửa thì họ sẽ chẳng khi nào được lắng nghe những điều tuyệt vời nhất thế giới này. Bill Nye từng nói: “Mỗi người bạn gặp đều biết thứ gì đó”, tức là mỗi người đều là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Dẫu sao, có giỏi đến đâu, bạn cũng chỉ là một hạt cát nhỏ trong đại dương mà thôi.
Bí quyết 3: Sử dụng những câu hỏi mở
Nếu bạn là người luôn lúng túng trong mọi cuộc nói chuyện, hãy bắt đầu với những câu hỏi như sau: Ai? Điều gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào? Nếu bạn đặt một câu hỏi đơn giản, bạn sẽ nhận được một câu trả lời đơn giản. Nếu tôi hỏi: “Bạn có sợ không?”, bạn sẽ có phản ứng với chữ mạnh nhất trong câu, chắc chắn là chữ “sợ” và bạn sẽ trả lời “Tôi có” hoặc “Tôi không”. Bạn sẽ không cần phải lo lắng tới việc mình nên hỏi như thế nào và người đối diện sẽ trả lời ra sao mà không làm ảnh hưởng tới cuộc nói chuyện.
Hãy để họ mô tả vì họ chính là người hiểu câu chuyện nhất. Hãy thử hỏi họ: “Chuyện đó như thế nào?”, “Việc đó cảm giác như thế nào?”. Khi họ có thể ngừng lại để suy nghĩ về chuyện đó, bạn sẽ nhận được câu trả lời thú vị hơn nhiều.
Bí quyết 4: Thuận theo tự nhiên
Một khi những suy nghĩ “ùa” đến tâm trí bạn, hãy để miệng bạn mở ra và trình bày những suy nghĩ ấy thành lời. Chúng ta thường nghe các cuộc phỏng vấn khi khách mời đang nói trong vài phút rồi tới lượt người dẫn chương trình đặt câu hỏi có vẻ chẳng ăn nhập gì hoặc có vẻ đã chuẩn bị trước, có lẽ là người dẫn đã ngừng nghe cách đó 2 phút vì anh ta đang nghĩ đến một câu hỏi vô cùng thông minh và anh ta nhất quyết phải hỏi. Chúng ta cũng làm y chang như thế trong khi đang ngồi nói chuyện với ai đó.
Bí quyết 5: Nếu không biết thì hãy nói thật đi
Đây là một lời khuyên rất chân thật. Thay vì ba hoa về điều mình không biết, hãy nói thẳng ra là: “Tôi không biết” hoặc “Tôi chưa tìm hiểu về vấn đề đó” bởi bạn chẳng biết hậu quả to lớn của việc mình “chém gió” đâu. Người đối diện có thể nhìn thấy sự ấp úng đến từ bạn, rồi sau đó là một người “kiến thức rỗng” nhưng lại thích “ba hoa chích chòe”, ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh và danh dự của bạn.
Bí quyết 6: Đừng đánh đồng trải nghiệm của mình với người khác
Nếu họ đang nói về việc mất người thân của họ, xin đừng nói về lúc người thân của bạn qua đời.
Nếu họ đang kể về trục trặc trong công ty, đừng kể với họ bạn ghét công việc của mình như nào.
Những chuyện đó không bao giờ giống nhau đâu. Tất cả trải nghiệm đều riêng biệt. Quan trọng nhất là mọi câu chuyện không chỉ dẫn đến bạn, bạn không cần tận dụng giây phút nào đó để chứng tỏ mình tuyệt vời như thế nào hay bạn đang phải chịu đựng như nào.
Bí quyết 7: Không phải cái cuối cùng nhưng là quan trọng nhất
Hãy lắng nghe. Tôi không biết liệt kê đến bao giờ nhưng có rất nhiều người đã nói rằng lắng nghe có lẽ là kĩ năng quan trọng nhất. Đức Phật đã nói: “Nếu bạn mở miệng nói, bạn không học thêm được gì”. Coolidge từng nói: “Chưa từng ai mất việc vì lắng nghe quá nhiều”.
Vậy tại sao chúng ta không chịu lắng nghe nhau? Lý do thứ nhất, chúng ta thích nói hơn. Chẳng phải bạn luôn giữ suy nghĩ rằng “Khi tôi nói, tôi nắm toàn bộ thông tin, tôi không phải nghe những điều tôi không quan tâm. Tôi là trung tâm sự chú ý”.
Lý do khác là chúng ta bị phân tâm. Một người trung bình nói khoảng 225 từ/phút nhưng chúng ta có thể nghe 500 từ/phút, nên tâm trí ta bị 275 chữ còn lại lấp đầy. Cần rất nhiều nỗ lực và năng lượng mới thực sự dành chú ý cho một ai đó nhưng nếu bạn không làm được điều đó thì tức là bạn đang không trò chuyện. Cuộc trò chuyện ấy suy cho cùng cũng chỉ là hai người bật ra câu chữ không liên quan đến nhau ở cùng một nơi.
Stephen Covey từng nói câu rất hay: “Nếu chúng ta không lắng nghe với ý định thấu hiểu, chúng ta hãy lắng nghe để trả lời”.
(pntoday)