Đức Phật là một đạo sư , một vị thầy đầy lòng từ bi bao la và trí tuệ siêu việt có đủ khả năng giúp chúng ta chuyển hóa những đau khổ, phiền lụy trong cuộc đời và thoát khỏi sinh tử luân hồi. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người áp đặt Đức Phật là một vị thần thánh có quyền ban phước giáng họa. Đó là một nhận định sai lầm!
Từ thuở sơ khai, khi con ngườisống dựa vào thiên nhiên rất nhiều, họ thấy rằng mình quá nhỏ bé giữa vũ trụ này, không đủ sức mạnh để chống lại những thiên tai nên tự tưởng tượng ra những vị thần thánh giúp cải thiện đời sống tinh thần, đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Vì thế tôn giáo tín ngưỡng ra đời.
Tuy nhiên đạo Phật không phải là tôn giáo bởi Đức Phật là một nhân vật lịch sử đã được minh chứng, các giáo điển, chứng tích được cả thế giới công nhận là có thật. Vì thế, Đức phật không phải là một nhân vật trong tưởng tượng, thần thoại, lại không phải là vị thần thánh có khả năng điều khiển nghiệp báo của con người mà Đức Phật là một đạo sư, chỉ dạy các phương pháp thoát khổ, mang đến sự an vui, tự tại cho chúng sanh cũng như giúp chúng sanh thoát khỏi luân hồi theo những phương pháp Ngài tìm ra và đã chứng đắc.
Xem thêm: Đạo Phật ngày nay khác ngày xưa như thế nào?
Thật vậy! Hiểu đạo Phật, hiểu Đức Phật chúng ta sẽ thấy rằng: Số phận của chúng ta nằm trong chính bàn tay của mình. Bàn tay làm thiện, một điều tốt đẹp sẽ đến. Bàn tay làm ác, bất hạnh sẽ đến. Không ai có quyền hoặc không ai có đủ sức để tạo nên một cuộc sống sung sướng hay khổ đau cho chúng ta cả. Vì thế, đừng mong cầu Đức Phật, đừng van xin Đức Phật đáp ứng những nhu cầu của chúng ta mà hãy tự mình tạo lấy!
Đức Phật là một đạo sư, chỉ dạy những điều thiện, điều ác để chúng ta nhận ra và lựa chọn cách sống cho mình. Người dạy về Tứ Diệu Đế để thấy rõ bản chất của cuộc đời, dạy Tứ Niệm Xứ để quán tưởng mọi thứ là bất tịnh, là vô thường để không tham đắm, dạy Bát Chánh Đạo là con đường để thoát khổ. Dạy như thế, tận tâm như thế suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh. Nếu chúng ta thực hành sẽ tự mang đến hạnh phúc cho mình và ngược lại.
Đức Phật chúng ta là một con người lịch sử, cho nên chúng ta hiểu cái điều này rất rõ, vì là một con người lịch sử cho nên đức Phật có mặt trên cuộc đời này bằng xương bằng thịt, sự hy sinh và đóng góp cho cuộc đời này là thực tế, chứ không phải là do truyền thuyết do truyền miệng. Nhưng nếu con người bằng xương bằng thịt, có trái tim có khối óc như một con người, mà từ bỏ được điều đó mới thấy là phi thường.
Trong kinh Tăng Chi có một đoạn kinh, có một vị Bà-la-môn Đô-na thấy những tướng tốt oai nghi của đức Phật nên ông hỏi rằng :
“Này Ngài Cồ-đàm! Ngài có phải là, là trời không?” đức Phật nói “không”, “Ngài có phải là dạ-xoa không?” đức Phật nói “không”, hỏi “ngài có phải là Càn-thát-bà không?”, đức Phật nói “không”, “vậy Ngài có phải là A-tu-la không?”, đức Phật nói “không”, “Ngài có phải là người không?”, đức Phật nói “không”.
Bà-la-môn Đô-na mới ngạc nhiên mới hỏi rằng, “Vậy ngài là ai?”, lúc đó đức Phật mới trả lời rằng, “ta không phải là trời, nhưng nếu ta là trời là một vị trời hoàn toàn chấm dứt lậu hoặc, chấm dứt khổ đau không còn nhân tố tái sinh, ta không phải là Càn-thát-bà, nhưng là một Càn-thát-bà là một Càn-thát-bà chấm dứt lậu hoặc, không còn nhân tố tái sinh, không còn khổ đau, ta không phải là Dạ-xoa, nhưng nếu là một Dạ-xoa thì ta là một Dạ-xoa chấm dứt hoàn toàn các lậu hoặc không còn phiền lụy, không còn khổ đau, không còn nhân tố tái sinh, ta không phải là người nhưng nếu là người là một con người hoàn toàn chấm dứt các lậu hoặc không còn các nhân tố tái sinh”.
Như vậy đức Phật nói ngài là ai? Ngài là một chúng sinh giác ngộ. Nếu ở loài trời thì Ngài là một chúng sinh của loài trời giác ngộ, nếu là một Càn-thát-bà, Ngài là một chúng sinh Càn-thát-bà giác ngộ, nếu là chúng sinh A-tu-la, Ngài là một chúng sinh A-tu-la giác ngộ, nếu là một con người Ngài là một con người, một chúng sinh ở cõi người giác ngộ, vậy thôi, ý nghĩa của Ngài là như thế! Cho nên đức Phật không bao giờ phủ lên mình một hào quang của một vị thần thánh từ ngàn xưa rồi.
Đức Phật không cho rằng mình nắm được vận mệnh của chúng sanh nhưng hiện nay chúng ta lại gán ghép Đức Phật là một ông thần, ông thánh nào đó có quyền lực, có thần thông để ban tiền tài, vật chất, tình yêu cho chúng ta ! Vì thế nên đau khổ, nhiều người đến chùa khóc than trước tôn tượng Đức Phật kể lể rồi nói những lời oán trách. Khi cần tiền tài thì đem hoa quả dâng cúng để cầu xin. Trong khi đó những việc thiện không làm, những việc ác thì lấn sâu !
Hãy nhìn Đức Phật là một đạo sư để học hỏi những giáo pháp của Ngài mà tự chuyển hóa cuộc đời của mình. Có bao giờ chúng ta suy nghĩ rằng : Nếu Đức Phật có quyền năng như thế thì đã cứu khổ tất cả mọi người dân Ấn Độ đang nghèo đói, khốn khổ từ xưa rồi, chứ không phải để đến tận bây giờ mà chúng ta cầu xin, than vãn. Đức Phật từng nói : Ngài chỉ hóa độ được những người hữu duyên. Người hữu duyên chính là những người biết gieo trồng hạt giống thiện lành thì Đức Phật mới biết cách chỉ dạy họ được. Còn bằng không rất khó để độ những người không tin vào thiện Pháp và không có hạt giống Phật bên trong. Vì thế, muốn đạt được điều gì đó, chúng ra hãy tự tạo nhân lành, phước báo cho mình bởi luật Nhân Quả không bao giờ sai lệch cả, chỉ là nó đến sớm hay đến muộn thôi !
Vì vậy các Phật tử chúng ta, phải được hiểu rằng đức Phật như là một con người thật sự giác ngộ, lời dạy của Ngài là ngài giúp cho mọi người giác ngộ, chứ không phải là lời dạy truyền thần thánh gì đó.
Chữ giác ngộ tự hiểu nó là nhận ra cái lẽ thật nào đó, cái đó gọi là giác ngộ mà không phải nhận ra bằng ngôn ngữ. Chẳng hạn như bông hồng chúng ta thấy đẹp và trân quý. Nhưng người giác ngộ hiểu rất rõ là bông hồng chẳng có gì là bông hồng, cái này tạm gọi là bông hồng thôi, mười ngày nữa nó sẽ thành là rác. Thật sự bản chất nó không có gì gọi là bông hồng, đây là ngôn ngữ hiểu thôi!
Đức Phật giác ngộ được duyên khởi, tức là thấy tất cả các pháp đều do duyên sinh, do điều kiện, do yếu tố tạm có, rồi cũng do điều kiện hết thì tạm mất. Người Phật tử chúng ta không thể thấy được cái thân như một cái người giác ngộ là giả tạm. Người Phật tử không thấy được cái sở hữu của chúng ta là nhà cửa, lầu đài, xe hơi, tất cả mọi thứ là giả tạm, không có được cái đó. Nhưng Đức Phật lại thấy được điều đó mà không dính mắc, phiền não về chúng. Cho nên đó là cách mà Đức phật dạy ta có được cách sống thảnh thơi, tự tại không đau khổ là vậy.
Như vậy lời đức Phật dạy cho chúng ta về tính chất vô thường, vô ngã, đó là những cái chân lý, tội phước là những chân lý, nghiệp báo luân hồi, tất cả đó là, là chân lý. Giác ngộ được cái đó là giác ngộ được theo lời Phật dạy. Vì vậy đạo Phật không bao giờ mơ hồ để nói với chúng ta về những niềm tin suông.
Nếu chúng ta hiểu đúng bản chất của đạo Phật và hiểu rằng Đức Phật là một đạo sư tôn quý thì rất hạnh phúc và cảm thấy thoải mái để tu hành. Đạo Phật là đạo hòa bình, hiền lành và từ bi. Tính chất đó được tạo nên từ lời dạy của Đức Phật và đó là lý do mà Đức Phật được tôn kính, thờ phụng trên khắp thế giới suốt hai ngàn năm qua.