Gánh nặng lớn nhất đời người: Sự vô vị
Nhà văn người Pháp Romain Rolland từng nói: “Gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống không phải công việc, mà là sự vô vị.” Thật vậy, cổ nhân vẫn thường nói, nhàn cư vi bất thiện. Con người một khi quá rảnh rỗi, không có việc gì để làm, tâm sẽ sinh ra rất nhiều tạp niệm, dễ suy nghĩ lung tung, rồi đánh mất đi chính mình giữa những lợi ích và mất mát.
Có một câu chuyện cười như sau: Một người đến thỉnh giáo một thiên tài: “Khi học toán xong thấy mệt thì cậu thường nghỉ ngơi, thư giãn bằng hoạt động nào?”
Anh ta đáp: “Tôi chuyển sang làm văn.”
Đằng sau tiếng cười chính là một đạo lý: nhàn rỗi, phải sinh ra từ trong sự bận rộn. Trong cái siêng năng, bạn phải tìm thấy được niềm vui, sự đam mê, nhiệt huyết, thì đó cũng chính là sự hưởng thụ, sự nhàn rỗi. Sự nhàn rỗi có được thông qua bận rộn là đáng quý nhất. Bởi lúc ấy, cả cơ thể và tâm hồn đều cảm thấy an tịnh, thoải mái.
“Nhân sinh thái nhàn, tắc biệt niệm thiết sinh.” Nhàn rỗi không đúng, sẽ chỉ buồn chán, dễ suy nghĩ lung tung, khiến bản thân rơi vào vòng xoáy bất tận của những vướng víu, muộn phiền.
Quá rảnh rỗi là liều thuốc độc của tâm hồn
Có câu nói thế này: “Người rảnh quá hay buồn lo vô cớ, người lười quá hay mắc bệnh gì đâu, người sống bận mà vui!”
Thật vậy, quá rảnh rỗi thực sự rất đáng sợ. Nó như một chất độc mãn tính, thấm dần từng ngày và “giết chết” ý chí của bạn, và biến bạn trở thành người vô dụng.
Thực ra, đời người, nếu quá nhàn rỗi sẽ bỏ lỡ nhiều bài học hay trong cuộc sống. Mà quá bận rộn, lại khiến chúng ta bỏ lỡ hiện tại. Vậy nên, không nên quá “nhàn”, cũng không nên quá “bận”. Làm việc cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, để rồi tiếp tục làm việc, phấn đấu không ngừng.