“Lấy ví dụ một đứa trẻ bán vé số, bất ngờ thấy một cục đá rất to nằm giữa đường có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đứa trẻ cúi xuống khuân cục đá đi một vị trí khác an toàn hơn. Đó cũng là một cách làm từ thiện”.
Anh bảo “nếu hiểu như vậy thì chúng ta, ai cũng có thể làm từ thiện mọi lúc mọi nơi. Và điều thiện trong cuộc sống luôn được luân chuyển, nhân rộng. Còn đợi đến giàu có, thừa của ăn của để rồi mới đi giúp người nghèo thì đó là bố thí kiểu cho người ta con cá chứ không phải từ thiện”.
Nói có vậy thôi mà về nghĩ mãi không thông.
Một ông anh khác, hồi ấy tiền nhiều vô kể. Lần nào gặp nhau cũng dúi vào túi xấp tiền bảo “mua quà cho cháu”. Một ngày không hiểu sao anh “mua” hẳn ngôi chùa cổ mấy trăm năm ở địa phương nọ đập ra xây mới. Nhìn dở dở ương ương, ức muốn khóc.
Hôm sau hỏi thẳng ông anh, đại ý chùa người ta đang cổ kính như thế, chỉ cần trùng tu là được rồi, cần chi phải đập ra làm lại? Ông anh cười rung má, nói “phải làm cho đàng hoàng, to đẹp hơn chùa cũ thì Phật mới chứng cho công đức của mình”. Tôi phản ứng, tỏ ý không tin thì ông anh trợn mắt, mắng tôi nói năng báng bổ rồi cạch mặt luôn từ đó. Mấy năm sau thì ông anh vào tù vì “cố ý làm trái”.
Hôm rồi cô bạn con đàn cháu đống, không hiểu sao lên chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi xin về một đứa bé gái nhận làm con. Tôi đùa: “Em muốn làm phúc sau này mong lên thiên đàng à?”. Bạn cáu: “Anh đừng nghĩ ai cũng như mình. Em thấy bọn trẻ thương quá thì nhận về nuôi thôi, chẳng nghĩ thiên đàng hay địa ngục gì cả. Là em đang khó khăn, chứ có điều kiện là em nhận nuôi hết”.
Ừ thì thế gian có những người làm từ thiện vì mua vé lên thiên đàng, có người làm từ thiện chỉ vì làm từ thiện, làm tự nhiên như hơi thở. Làm kiểu gì thì chỉ có mình biết, thần Phật biết, đôi khi nói chả ai tin.
Có thế thôi mà bạn giận, giờ dỗ mãi không được.