Giáo dưỡng, tu dưỡng thực ra thông thường đều thể hiện ở những việc rất nhỏ, chi tiết trong cuộc sống hàng ngày. Mà “bán đứng” việc một người có giáo dưỡng hay không cũng chính là ở những chi tiết nhỏ ấy.
Câu chuyện trong quán cà phê
Trong một quán cà phê, có hai người phụ nữ cùng bước vào thưởng thức. Một người phụ nữ trung niên, ăn mặc giản dị, lặng lẽ ngồi ở góc quán và nhấm nháp từng ngụm ly cà phê nóng.
Thưởng thức xong ly cà phê, người phụ nữ ấy nhặt từng chiếc chén, đĩa và rác lại một chỗ trên bàn, thuận tiện cho việc dọn dẹp của người phục vụ, sau đó mới rời đi. Nhưng điều quan trọng là quán cà phê này không hề yêu cầu khách hàng phải dọn dẹp bàn của mình.
Người phụ nữ khác ngồi bàn kế bên, ăn mặc thời trang, đeo túi hàng hiệu. Cách gọi và cách thưởng thức cà phê của người phụ nữ này cũng rất “điêu luyện”. Cô bắt đầu lấy máy tính ra đặt trên bàn để làm việc.
Nhưng bỗng nhiên chuông điện thoại reo lên. Không khí tĩnh lặng của quán cà phê như bị phá tan bởi gần 20 phút trò chuyện điện thoại của cô. Sau khi nghe xong cuộc điện thoại ấy, người phụ nữ này cũng rời khỏi quán. Nhưng tất cả chén, đĩa và rác nằm hỗn độn thành một đống trên bàn.
Mặc dù quán cà phê không yêu cầu khách hàng phải dọn bàn và hành vi của người phụ nữ thứ hai cũng không đáng bị chê trách nhưng hành vi đối lập của hai người phụ nữ này quả thực khiến người chứng kiến không khỏi cảm khái!
Thói quen và tu dưỡng là thân phận thứ 2 của mỗi người
Trước đây trên một trang mạng nước ngoài có đăng tải một câu chuyện du học sinh Anh kể về một bài học “nhớ đời” của mình như sau:
Cũng giống như nhiều du học sinh khác, mình cũng ở thuê trong một gia đình gần trường. Bởi vì như thế, mình có thể vừa tiết kiệm được tiền lại vừa có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Chủ cho thuê nhà của mình là ông bà Campbells, họ đối xử với mình rất hào phóng và tốt bụng. Họ chỉ thu của mình mấy bảng Anh một tháng tiền thuê nhà gọi là tượng trưng thôi. Đối với họ, có một du học sinh nước ngoài ở trong nhà mình, họ cảm thấy đó là một việc rất hãnh diện. Họ không chỉ khoe với những người hàng xóm xung quanh mà còn gọi điện thông báo cho con của họ ở Manchester và London biết.
Để thực hiện ước mơ đi du học nước ngoài của mình, cha mẹ mình đã phải đi vay hơn 350 triệu, nên mình lại càng quý trọng cơ hội này hơn.
Ban ngày miệt mài học tập thì không nói làm gì nhưng ban đêm mình cũng học miệt mài đến khi nào thư viện đóng cửa mới trở về. Cũng may, mình gặp được ông bà chủ tốt bụng nên không phải lo lắng gì về cuộc sống mà chỉ tập trung học tập thôi.
Mỗi ngày mình trở về, đồ ăn ngon miệng đã được bác gái để sẵn trên bàn. Cứ cách 2 hay 3 ngày, bác gái lại bảo mình đưa quần áo để bác giặt cho sạch sẽ. Có thể nói, họ đối xử với mình như con cháu ruột thịt trong nhà.
Thế nhưng, qua một thời gian ngắn ngủi, mình đã cảm nhận thấy bác trai có phần lạnh nhạt với mình, ánh mắt nhìn mình đã khác trước. Nhiều lần trong lúc ăn cơm, hình như bác ấy có điều gì muốn nói với mình, nhưng khi nhìn sang bác gái thì bác ấy lại không nói nữa.
Mình lúc đầu đoán rằng hay tại vì hai bác thu tiền thuê nhà của mình ít mà ngại không nói ra. Nhưng không phải như vậy.
Cho đến một hôm, khi mình đi học ở thư viện về tối, bác trai đã rón rén vào cửa phòng mình và nói với mình mấy câu: “Lúc còn ở quê, mỗi lần cháu về nhà muộn, cháu đều mặc kệ cha mẹ và mọi người đang ngủ mà đóng cửa thật mạnh, rồi ho khan ầm ĩ như vậy hay sao?”
Mình khi ấy ngẩn người và thầm nghĩ: “Chẳng lẽ đây là điều bác ấy muốn nói lâu nay sao?”
Sau một lát mình trả lời: “Cháu cũng không nhớ rõ…có lẽ…cũng chưa có ai hỏi cháu câu này và cháu cũng không để ý đến những điều chi tiết nhỏ nhặt như thế này ạ!”
Bác trai vừa mỉm cười vừa nói:“Bác nghĩ là cháu đã hơi vô tâm đấy! Bác gái bị bệnh mất ngủ, mỗi khi cháu đi về muộn, những tiếng động đó đều đánh thức bà ấy. Mà bà ấy đã mất ngủ thì không thể ngủ lại được nữa. Cho nên, sau này cháu về muộn cố gắng giữ yên tĩnh một chút, bác sẽ thấy rất vui lòng!”
Bác ấy dừng lại một lát rồi nói tiếp: “Thực ra, bác đã định nhắc cháu từ sớm, chỉ là bác gái sợ làm tổn thương lòng tự trọng của cháu nên một mực không cho bác nói ra. Bác tin rằng cháu là một chàng trai hiểu chuyện, chắc sẽ không vì thiện ý của bác mà bị tổn thương chứ?”
Mình khi ấy nghe xong, miễn cưỡng gật đầu. Mình cũng không cho là bác ấy nói sai hay là bị tổn thương mà chỉ cảm thấy bác ấy quá chi li nhỏ nhặt. Mình đã sống với cha mẹ hơn hai mươi năm, họ chưa từng tính toán chi li với mình như thế, thậm chí họ còn dễ dàng tha thứ cho mình. Trong lòng mình thầm nghĩ:“Rốt cuộc đây cũng không phải là nhà của mình!” Đương nhiên trong lòng mình cũng có chút khó chịu, nhưng mình vẫn tiếp nhận lời nhắc nhở của bác ấy và từ đó trở đi, mỗi lần về muộn, mình đều đóng cửa thật nhẹ nhàng.
Nhưng, không lâu sau, vào một buổi trưa, khi mình đang ở trong phòng. Bác trai lại đi vào với vẻ mặt u ám và hỏi: “Này cháu, có lẽ cháu sẽ không vui, nhưng bác vẫn phải hỏi, lúc đi vệ sinh có phải là cháu đã không nhấc miếng lót bồn cầu lên không?”
Mình bất giác thấy chột dạ trong lòng, đúng là có nhiều khi vì muốn đi vệ sinh quá nên đã không nhấc miếng lót đó lên. Mình lúng túng trả lời: “Dạ…thỉnh thoảng ạ!”
Bác trai giận giữ nói to: “Như vậy sao được? Chẳng lẽ cháu không biết rằng như thế sẽ làm nước tiểu bắn tung tóe lên trên tấm lót sao? Đây không chỉ là mất vệ sinh mà còn là thiếu tôn trọng người khác đấy, đặc biệt là không tôn trọng phụ nữ!”
Mình vội vàng giải thích: “Cháu hoàn toàn không có ý không tôn trọng người khác, chỉ là cháu không để ý…”
“Bác đương nhiên biết cháu là người vô tâm, thế nhưng không nên để nó thành một loại lý do được.” Mặt bác ấy đỏ lên giận giữ, trong lòng mình lầm bầm:“Việc nhỏ như thế sao bác ấy phải giận giữ và ầm ĩ như vậy chứ?”
Bác trai lại nói tiếp: “Nghĩ cho người khác, tôn trọng và quan tâm đến người khác đó là điều tối thiểu nhất của một con người cần phải tu dưỡng. Mà tu dưỡng là thể hiện từ những việc rất nhỏ! Cháu thi đỗ đại học và tìm được một chức vị là điều quan trọng nhưng ở chung với người khác cho hòa hợp cũng là điều rất quan trọng đấy. Nếu như nói rằng học vị và chức vị là đại biểu cho thân phận của một người thì thói quen và tu dưỡng là thân phận thứ hai của một người. Mọi người đều dùng thân phận thứ hai để đánh giá người khác đấy!”
Như vậy, có thể thấy rằng, lời nói và việc làm có giáo dưỡng nhất chính là không khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Giáo dưỡng thể hiện ra ở những chi tiết nhỏ
Cổ nhân có câu: “Thái sơn bất cự tế nhưỡng, cố năng thành kì cao; giang hải bất trạch tế lưu, cố năng tựu kỳ thâm”, ý nói, núi Thái sơn không cự tuyệt từng chút đất nhỏ cho nên mới thành cao như vậy, sông Giang không cự tuyệt từng giọt nước nhỏ nên mới sâu như vậy.
Giáo dưỡng và tôn quý của một người đều thể hiện ở những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một vài chi tiết nhỏ nhưng thể hiện ra mức độ giáo dưỡng, tu dưỡng của một người:
Phủ định người khác: Coi hết thảy những gì mình nói là đúng, phủ định ý kiến của người khác, đây là điều thiếu tôn trọng người khác. Khi nghe ý kiến của đối phương, nên dùng tấm lòng khoan dung và khách quan nhận định, chấp nhận những ý kiến hợp lý và giải thích những chỗ bất đồng với ý kiến của mình.
Không chú ý đến cảm nhận của người khác: Chúng ta có thể cùng bạn bè vui đùa, nhưng nhất định không được lấy những điều họ trân trọng, yêu quý hay những điều thầm kín mà họ từng tâm sự ra để mua vui, đùa cợt.
Nên nhớ kỹ tên người khác: Nhớ tên người từng gặp mặt, trò chuyện với mình là một điều nên làm, điều đó rất có ích trong những lần gặp sau.
Đừng nói lời tổn thương người khác: Ngay cả khi chúng ta đang rất tức giận, cũng không nên buông lời cay nghiệt, nguyền rủa người khác. Lời nói như mũi dao, vết thương mà nó gây ra là rất khó lành. Đối với người càng thân quen, càng không nên tùy tiện nói lời tổn thương họ. Đây một điều vô cùng quan trọng trong tu dưỡng hàng ngày.
Cho người khác đường lui: Khi phát hiện ra đối phương nói sai hay nói dối không cần vạch trần trước đông người mà nên chọn thời điểm thích hợp để nói.
Một người sống vui vẻ, được người khác kính trọng, thực ra cũng không phải có bí quyết gì cao xa. Họ thông thường đều dựa vào tấm lòng quan tâm đến người khác, để ý đến người khác, chú ý hành vi cử chỉ của bản thân mình. Người như vậy, vô luận là khách quan khó khăn ra sao, họ cũng vẫn thể hiện ra sự tu dưỡng của mình, hơn nữa cuộc sống cũng thường thuận lợi mọi bề.