Làm cha, làm mẹ, ai trong chúng ta cũng luôn muốn dành tặng những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Cho con đi tập võ, học tiếng anh, mời thầy về dạy nhạc, v.v…. Thế nhưng bạn có biết, đối với con cái, điều gì mới là quan trọng nhất không? Đó không phải là tiền bạc, không phải là xe đẹp hay một khóa nghỉ hè thú vị, mà là…
Một nhóm bạn trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 20 được hỏi kỉ niệm nào với cha mẹ khiến ghi dấu ấn sâu đạm nhất trong tâm trí mình, một em đã trả lời: “Một ngày, em trai cháu và cháu đang ngồi trên bậc thang ở trường để chờ mẹ cháu đến đón. Khi mẹ cháu nhìn thấy chúng cháu, bà dang tay ra đón chúng cháu với nụ cười rộng mở. Lúc đó cháu thật sự cảm thấy rất hạnh phúc.”
Tuy nhiên, một bạn khác lại trả lời: “Bố mẹ cháu lúc nào cũng chỉ chăm chú nhìn điện thoại, họ chẳng quan tâm gì đến cháu cả.”
Khi cha mẹ đang dành thời gian bên cạnh con trẻ, các bậc cha mẹ nên để những chuyện nhỏ nhặt sang một bên và tạo ra vun đắp kỉ niệm đáng nhớ với con mình.
Thể hiện sự biết ơn
Dạy trẻ phát triển lòng biết ơn từ khi còn nhỏ sẽ xây dựng cho con trẻ một điểm nhìn có tác động tích cực đến cuộc sống của chúng sau này. Vậy chúng ta nên làm thế nào? Cách tốt nhất là cha mẹ nên cố gắng trở thành những người có lòng biết ơn trong cuộc sống. Bạn có thể làm được điều này bằng cách đơn giản như thường xuyên nói “cảm ơn” với bạn bè hay thậm chí những người xa lạ, trò truyện với con mình về những điều bạn biết ơn trong cuộc sống hàng ngày, chứ không chỉ là vào ngày lễ tạ ơn. Ngoài ra, bạn có thể dạy con mình cách trân trọng những điều tuyệt vời trong cuộc sống.
Khám phá môi trường tự nhiên
Ngày nay, trẻ em thường không được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên. Chúng thường dùng nhiều thời gian hơn vào việc xem ti vi và chơi điện tử. Các em ít khi tham gia các hoạt động rèn luyện thân thể ngoài trời bởi cha mẹ sợ các bé sẽ gặp nguy hiểm. Nhiều đứa trẻ chỉ được phép chạy sang chơi ở nhà hàng xóm, hoặc trong sân nhà, nếu đi ra ngoài phải có bố mẹ đi cùng.
Khám phá là một hoạt động thường ngày và quan trọng với trẻ và là một trong những bước đầu tiên giúp trẻ tìm hiểu sự vật và học cách giải quyết vấn đề. Khi trẻ không có cơ hội vui chơi ngoài trời và tiếp xúc với thế giới tự nhiên thì trẻ sẽ bị mất đi cơ hội tích lũy kiến thức. Điều này cũng có thể là bước đầu tiên dẫn khiến trẻ đánh mất mối dây liên kết với môi trường tự nhiên và có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển và trưởng thành ở trẻ.
Yêu thích đọc sách
Là cha mẹ, chúng ta hoàn toàn hiểu được tầm quan trọng của việc dạy con học đọc. Dạy con đọc là một trong những hoạt động học thuật đầu tiên của con trẻ ở nhà. Và đọc sách cũng là một trong những hoạt động hữu ích nhất đối với bé. Phát triển sự yêu thích đọc sách mang lại nhiều lợi ích cho cha mẹ và con cái. Xét về khía cạnh học thuật, nếu một đứa trẻ yêu thích đọc sách, có thể em sẽ thấy việc học các môn văn học, lịch sử, thậm chí môn khoa học trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Việc đọc không chỉ mở mang kiến thức và giúp trẻ hiểu hơn về thế giới mà còn giúp trẻ có thể hiểu rõ hơn về những người xung quanh theo một cách khác biệt. Nếu trẻ em yêu thích đọc sách và lựa chọn đọc những cuốn sách tốt, chẳng mấy chốc chúng sẽ cảm nhận được sức mạnh của văn học trong việc mở rộng tâm hồn và loại bỏ các cảm xúc tiêu cực. Điều này có thể gia tăng sự khát khao trải nghiệm những sức mạnh đó, do đó điều này sẽ phát triển lòng yêu thích viết văn ở trẻ.
Cha mẹ nên tạo cho con mình một môi trường thuận lợi giúp trẻ phát triển niềm yêu thích đọc sách. Chẳng hạn, cha mẹ có thể đưa con đi đến thư viện hay các hiệu sách. Cha mẹ cũng nên là một tấm gương cho các con noi theo. Thật tuyệt vời nếu chính cha mẹ cũng đọc sách và tách biệt với những thứ can nhiễu đến việc đọc như ti vi, hay trò chơi điện tử.
Hiểu biết về lịch sử
Việc dạy cho trẻ em hiểu về lịch sử rất có lợi. Lịch sử giúp trẻ hiểu rõ về nguồn gốc của mình và cải thiện khả năng đánh giá và đưa ra quyết định. Lịch sử giúp trẻ hiểu hơn về thế nào là một người công dân tốt và có trách nhiệm. Lịch sử cũng dạy trẻ em cách học hỏi từ những sai lầm của người khác và hiểu biết hơn về các thay đổi và phát triển xã hội. Cha mẹ cũng nên đẩy mạnh sự quan tâm bằng cách lên kế hoạch cho những chuyến đi tới các địa điểm văn hóa như nghệ các bảo tàng nghệ thuật, lịch sử và khoa học và các di tích lịch sử.
Những năm gần đây, ở một số nước phát triển đã xuất hiện hình thức bảo tàng lịch sử sống khiến cho trẻ em rất thích thú. Tại các bảo tàng lịch sử sống, mọi người làm việc và sinh sống hệt như công dân của thời đại đó trong quá khứ. Khách tham quan tới bảo tàng sống sẽ có cảm giác thực hơn về thời đại đó bằng cách quan sát và tương tác với những người đóng vai công dân trong bảo tàng. Điều này không thể nào có được nếu các em chỉ ngồi ởi nhà xem ti vi hay các tranh vẽ.
Rèn luyện sự điềm tĩnh
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Abraham Maslow từng nói rằng: “Tức giận không nhất thiết bất lợi cho trẻ em, nhưng điều mấu chốt nằm ở thái độ của chúng đối với cảm giác tức giận.” Ở Trung Quốc, truyền thống “chịu đựng đắng cay” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Chịu đựng đắng cay” đồng nghĩa với việc chấp nhận gian khổ. Trong khi người lớn lúc nào cũng phải gánh vác trách nhiệm, thì trẻ em cũng chẳng phải lúc nào cũng được hoàn toàn thoải mái. Trẻ em phải làm bài kiểm tra, tích lũy thông tin, chuyển đổi trường học, khu vực sống. Các em còn có thể phải gặp những tình huống khó khăn trong cuộc sống như bị đau ốm, bị bắt nạt, gặp những người bạn mới và thỉnh thoảng gặp phải tổn thương trong tình bạn. Điều giúp trẻ em có thể kiểm soát được những sự thay đổi này chính là sự điềm tĩnh.
Những đứa trẻ điềm tĩnh có khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả. Khi chúng phải đối mặt với những tình huống bất thường hoặc nan giải, trẻ em có tính cách điềm tĩnh có thể nhanh chóng nhận ra chúng phải làm gì và hành động một cách quyết đoán và tự tin.
(Vạn Điều Hay)