Bài viết này đưa ra một cách tiếp cận mới: Bàn về chữ Hiếu qua một số nhân vật phim ảnh từng ăn sâu vào lòng công chúng một thời, là Bắc Đại Bàng và Đoàn Dự.
Đạo Hiếu vốn không xa lạ với truyền thống của người Việt, lại trong mùa Vu Lan tháng Bảy thì chữ Hiếu càng được nhắc tới nhiều hơn nữa.
Nhưng để hiểu sâu sắc về hạnh Hiếu qua góc nhìn Phật giáo thì cần những tình huống cụ thể để phân tích và qua đó dùng trí huệ soi đường, đưa Phật pháp vào thực hành trong đời sống hang ngày, nhà Phật gọi đó là “tu dưỡng bản thân”.
Trong “bể học” mênh mông bàn về chữ Hiếu từ ngàn đời nay, người viết mạnh dạn đưa ra một cách tiếp cận mới: bàn về chữ Hiếu qua một số nhân vật phim ảnh từng ăn sâu vào lòng công chúng một thời.
Nhưng vì sao lại là nhân vật Bắc Đại Bàng (phim “Cảnh sát hình sự”) và Đoàn Dự (phim “Thiên Long bát bộ” Trung Quốc)?
Vì người viết nhận thấy, họ có hoàn cảnh khá điển hình – phù hợp với vấn đề nêu trong bài, đó là: một người có mẹ “đại từ bi”, một người có cha “đại ác nhân”. Cách ứng xử của họ với cha, mẹ sẽ giúp chúng ta ngộ ra nhiều điều.
Thương kính mẹ như Bắc Đại Bàng đã là trọn hiếu chưa?
Trong những năm 1997, Bắc Đại Bàng là cái tên ấn tượng bậc nhất trên màn ảnh nhỏ. Đó là nhân vật phản diện, một tay giang hồ cộm cán trong phần “Nước mắt của Mẹ”, thuộc series phim truyền hình “Cảnh sát hình sự” rất nổi tiếng.
Nói về Bắc Đại Bàng thì có thể miêu tả đó là một tay giang hồ cộm cán với gương mặt dữ dằn, giọng cười đáng sợ, giết người không ghê tay. Nhưng Bắc Đại Bàng lại có một điều rất đặc biệt, là cách ứng xử với mẹ. Gã yêu mẹ, thương mẹ và nghe lời mẹ tuyệt đối. Ở ngoài thét ra lửa nhưng bên mẹ, Bắc chỉ là một cậu bé con có thể khóc thút thít trước mẹ bất cứ lúc nào.
Ở vào thời khắc cuối phim, những giọt nước mắt của người mẹ đã khiến cho tay giang hồ khét tiếng ấy thức tỉnh lương tri, cho dù quả lựu đạn đã tháo chốt, hắn vẫn cho mình một con đường cuối để hy vọng còn có thể quay về bên mẹ.
Bắc Đại Bàng là một nhân vật khiến nhiều người nhớ trong suốt 20 năm qua. Vậy trong dịp Vu Lan này, xét về đạo Hiếu, thì sự thương kính mẹ như Bắc Đại Bàng có phải là Hiếu không?
Qua góc nhìn Phật môn, một người con dù thái độ cung kính, chăm sóc cha mẹ hết lòng nhưng sống bên ngoài gieo ác nghiệp như cướp của, giết người, thì không thể gọi là tròn chữ Hiếu với cha mẹ được. Bởi khi đó, bát cơm cha mẹ nuôi người ấy đã thành bát cơm nuôi dưỡng một kẻ ác, ác nghiệp này có thể khiến mẹ cha bị cộng nghiệp chung.
Kinh “Hiếu Tử” có ghi: “Cúng dường cha mẹ không gì bằng khuyên cha mẹ làm các điều lành, bỏ các điều dữ”, vậy mà chính người con lại gây nên bao tội lỗi và khổ đau cho người khác, thì chưa thể gọi là Hiếu được.
Bởi thế mà đạo làm con tròn chữ Hiếu không chỉ là phụng dưỡng, tôn kính cha mẹ, theo đạo Phật chữ Hiếu còn là phải tự tu dưỡng bản thân, làm tất cả điều lành, từ bỏ tất cả ác nghiệp. Có vậy thì công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ với người con ấy mới trở thành có ích, và cha mẹ được hưởng phước hạnh của con.
Đoàn Dự và người cha Đại Ác nhân
Trong những tập phim “Thiên long bát bộ”, Đoàn Dự là một vị hoàng thân quý tộc nho nhã, tín Phật, bản tính không thích gây chuyện đánh nhau… Thế rồi, câu chuyện rẽ sang hướng rất kịch tính, vào ngày anh được biết cha đẻ thực sự là Đoàn Diên Khánh thì gã Đại Ác nhân này vừa xuống tay giết người cha đã nuôi dưỡng anh lớn lên từ bé, và gián tiếp gây ra cái chết của mẹ ruột anh.
Đoàn Diên Khánh được mang danh Đại Ác đệ nhất thiên hạ bởi thủ đoạn tàn độc, ra tay giết người không chớp mắt, lại có tài trí hơn người của một bậc vương tôn. Vậy mà ở vào thời khắc tàn độc nhất, hắn lại phải đối mặt với chính đứa con trai của mình…
Có nhận người cha ruột này không, có trả thù hay không? Đoàn Dự đã nghe theo lời mẹ ruột mà không xuống tay với cha đẻ, một kẻ đại ác trong thiên hạ, chủ yếu là vì sợ mang tội giết cha.
Trong trường hợp này, nếu là một đứa con trong hoàn cảnh như Đoàn Dự, phải làm thế nào mới gọi là Hiếu? Thuận theo không được, giết cha lại phạm tội đại nghịch…
Theo người viết, về câu chuyện này, có thể tham khảo lời răn dạy trong Kinh “Tăng Nhất A Hàm”. Kinh có ghi:
“Người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.
Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.
Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.
Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.
Như vậy, nếu Đoàn Dự có thể khuyên cha từ bỏ điều ác, làm tất cả điều lành, ăn năn sám hối về những tội lỗi gây ra, hơn thế còn phát lòng tin nơi Tam Bảo, giữ ngũ giới (không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say nghiện) thì mới là tròn chữ Hiếu theo đúng Chánh pháp.
Không cần phải đồng lòng theo cha, cũng không giết cha, càng không nên bỏ mặc người cha mang theo những ác hạnh ấy ra đi. Trong trường hợp này, Đoàn Dự biết cha đẻ mình phạm nhiều tội ác, không ngăn cản, không phản đối, như vậy cũng là chưa tròn chữ hiếu.
Kinh “Hiếu Tử” nói thế nào về chữ Hiếu?
Kinh “Hiếu Tử” có đoạn phản ánh rất rõ cái nhìn về chữ Hiếu trong đạo Phật:
Phật hỏi các thầy sa môn: Con nuôi cha mẹ, lấy cam lồ trăm vị làm thức ăn, dùng thiên nhạc làm vui tai, sắm y phục hảo hạng mặc nơi thân, vai cõng cha mẹ đi khắp bốn phương, suốt đời phụng dưỡng như vậy, đáng gọi là hiếu chăng?
Các thầy sa môn thưa: “Người này là đại hiếu.”
Phật dạy: “Chưa gọi là hiếu”
Phật bảo các thầy sa môn: Xem người thế gian không có hiếu thảo, chỉ thế này mới gọi là hiếu: Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ Tam Quy, giữ Ngũ Giới. Dù cha mẹ sớm mai thọ trì quy giới, chiều về cõi chết, đối với ơn nặng cha mẹ nuôi dưỡng, cũng gọi tạm đền.
Tại sao người con phải giúp cha mẹ thọ Tam Quy? Theo triết lý đạo Phật, sống trong cõi luân hồi này chúng sinh nào cũng chịu nhiều đau khổ, chỉ có con đường thoát khỏi luân hồi mới giúp chúng sinh thực sự hạnh phúc bền lâu.
Cho nên giúp cha mẹ phát khởi niềm tin nơi tam bảo là Phật, Pháp và Tăng chính là giúp cha mẹ gieo duyên với Phật pháp, để có được cơ hội thoát khổ hoàn toàn trong tương lai. Như vậy mới thực sự là thương yêu cha mẹ.
Hơn nữa, khi cha mẹ chưa giữ ngũ giới tức là cha mẹ đang gieo nhân xấu, quả xấu chắc chắn sẽ trổ ra vì nhân quả không bao giờ sai khác. Nghĩ đến cảnh khổ sau này mà cha mẹ phải chịu đựng, một người con thực sự có hiếu phải biết khởi tâm thương xót mà can ngăn.
Có thể thấy rằng, để báo hiếu cha mẹ theo đúng Chánh Pháp không chỉ đơn giản là phụng dưỡng vật chất và làm cha mẹ vui vẻ tinh thần. Hơn thế, người con còn phải tự tu dưỡng bản thân và xây dựng Chánh kiến, để biết phân biệt đúng sai, không gieo nghiệp xấu cho chính mình và giúp cha mẹ gieo trồng phúc thiện, từ bỏ ác nghiệp khi có cơ hội.
Làm được như vậy mới thực là tròn chữ Hiếu.
* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả về chữ Hiếu theo triết lý đạo Phật.
(shvn)