Suy cho cùng, làm vợ, làm dâu quả là một việc không hề dễ. Nhưng một người phụ nữ với tấm lòng hiền hậu thiện lương, trong nội tâm luôn nghĩ và lo lắng cho người khác, chắc chắn sẽ vun vén cho tổ ấm gia đình luôn được hạnh phúc, ấm áp…
Thời xưa, ngay từ khi còn nhỏ người phụ nữ đã luôn được dạy về công dung ngôn hạnh, tam tòng tức đức. Trong xã hội thời xưa cũng có rất nhiều quy tắc giáo dưỡng răn dạy những chuẩn mực của một người phụ nữ đức hạnh. Bởi vậy mà có rất nhiều học giả đã dùng vẻ đẹp e lệ dịu dàng để miêu tả về sự thanh cao của người phụ nữ. Tuy nhiên, kèm theo là những lời tán dương không quá lộ liễu về một người phụ nữ đẹp, qua đó giúp độc giả có thể phán đoán về dáng vẻ hiền đức, vừa tao nhã vừa dịu dàng vốn có của người phụ nữ thời cổ đại.
Thuận theo sự biến đổi của thời đại, hình thức biểu đạt ngôn ngữ và phong cách trong sáng tác văn học cũng theo đó mà dần thay đổi. Những nhân vật, những sự việc được phác họa qua ngòi bút của các nhà văn nhà thơ từ đó cũng có sự khác biệt lớn. Các nhà thơ hiện đại sáng tác thơ về người phụ nữ hiện nay tất phải có hơi thở mang xu hướng hiện đại. Trong đó hoặc sẽ miêu tả về những cô gái hiện đại ăn mặc thời thượng, hay những cô gái với trang phục công sở gọn gàng hành xử thông minh hoạt bát… Tất nhiên sẽ không xuất hiện những người phụ nữ trang phục cổ xưa với các quy tắc lễ giáo, cả ngày chỉ ở trong khuê phòng thêu thùa may vá, viết thư pháp, đọc sách ngâm thơ, cười không lộ răng, nhẹ nhàng uyển chuyển.
Con người hiện đại ngày nay dường như không còn tuân theo những lễ tiết đạo đức của người xưa, thậm chí trong lòng còn chế giễu cho rằng đó đều là những tư tưởng giáo điều cổ hủ, không theo kịp với nhịp điệu của xã hội hiện hành. Tuy nhiên những người có quy phạm đạo đức thanh cao và tôn kính Thần Phật, trong hành vi cử chỉ của họ đều có sự lễ phép có chuẩn mực, luôn biết giữ gìn đạo đức văn hóa, và luôn bộc lộ giá trị đích thực của mình qua hành vi ứng xử hằng ngày. Sự sâu sắc và văn minh trong cách hành xử đó luôn làm người đời sau tự hào và cố gắng học tập làm theo.
Sự sâu sắc và văn minh trong cách hành xử của người xưa luôn làm người đời sau tự hào và cố gắng học tập làm theo. (Ảnh minh họa theo afamily)
Sự dịu dàng kín đáo của người phụ nữ xưa trong thơ ca
Nói đến sự dịu dàng kín đáo của người phụ nữ xưa, phải nhắc đến bài thơ “Tân giá nương” (Nàng dâu mới) của Vương Kiến và “Khuê ý – Cận thí thượng Trương thủy bộ” của Chu Khánh Dư. Nàng dâu mới trong bài thơ khi mới bước chân về nhà chồng không dám trực tiếp bộc lộ tâm trạng của bản thân, luôn làm cho người khác cảm thấy từ họ toát ra một tình cảm chân thành tươi sáng. Cô dâu khi mới về nhà chồng cũng không được có hành động bất kính không hiếu thuận với bề trên, cử chỉ phải đúng mực làm người khác cảm thấy là một người con dâu có phẩm hạnh có đạo đức chân thành. Những cư xử có đạo đức có văn hóa đó phải là cả quá trình được giáo dưỡng tự rèn giũa lâu dài, mới có thể tỏa ra được cách hành xử được mọi người yêu mến trân trọng. Ví như bài thơ “Tân giá nương” của Vương Kiến:
Tam nhật nhập trù hạ,
Tẩy thủ tác canh thang.
Vị am cô thực tính,
Tiên khiển tiểu cô thường.
Tạm dịch:
Ba ngày sau xuống bếp,
Tay rửa, nấu canh này
Tính mẹ chồng chưa biết,
Nhờ em chồng nếm thay.
Bài thơ “Khuê ý – Cận thí thượng Trương thủy bộ” của Chu Khánh Dư:
Động phòng tạc dạ đình hồng chúc,
Đãi hiểu đường tiền bái cữu cô.
Trang bãi đê thanh vấn phu tế:
‘Họa mi thâm thiển, nhập thì vô?’
Tạm dịch:
Phòng hoa vừa tắt ngọn đèn hồng,
Chờ sáng lên thăm bố mẹ chồng.
Mày kẻ mới xong, khe khẽ hỏi:
‘Chàng xem đậm nhạt, có vừa không’?
Đọc xong hai bài thơ này cảm giác của bạn như thế nào? Mặc dù là nàng dâu mới vẫn còn thẹn thùng, nhưng trong tâm vẫn luôn phải giữ đường hiếu thuận, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Dù là biểu hiện của sự lo lắng khi món ăn không phù hợp với khẩu vị của bố mẹ chồng mà phải nhờ em chồng nếm thử trước, hay sự lo nghĩ không biết mình trang điểm có phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình không. Tất cả những điều đó làm cho bố mẹ chồng cảm thấy vừa lòng và cũng làm người khác thầm cảm động. Có đôi khi những sự việc nhỏ như quan tâm chăm sóc người khác thường làm mọi người không để ý tới, tuy nhiên sau khi hiểu rõ vẫn thật sự làm người khác khắc cốt ghi tâm.
Những cư xử có đạo đức có văn hóa đó phải là cả quá trình được giáo dưỡng tự rèn giũa lâu dài của người phụ nữ xưa. (Ảnh minh họa: cuoihoivietnam)
Những phẩm chất đạo đức cần có của người phụ nữ
Một người phụ nữ không cần có khuôn mặt đẹp tới mức làm rung động lòng người, cũng không cần có vóc dáng đẹp hoàn mỹ, chỉ cần có một trái tim biết lo lắng cho người khác, luôn cố gắng làm tốt trách nhiệm của bản thân. Không phải khi được gả về nhà người ta rồi, chỉ cần ngày ngày ăn mặc đẹp nói chuyện cười đùa với chồng, tay trong tay cùng chồng ra phố là có thể trở thành một người vợ hoàn mĩ, là một người con dâu được bố mẹ chồng khen ngợi. Nếu ngay cả những điều cơ bản nhất như chăm sóc người già, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ gọn gàng và chu toàn ba bữa cơm hằng ngày cũng không hoàn thành cho tốt, thậm chí còn trách móc bề trên, gây sự chửi mắng người trong nhà, thì sao có thể trở thành người vợ tốt, con dâu tốt và người mẹ tốt cho được?
Trong “Nữ giới”, Ban Chiêu – nữ sử học thời Đông Hán có viết:
“Nữ có tứ hành: Phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công.
Phụ đức không nhất định phải thông minh tuyệt đỉnh,
Phụ ngôn không nhất thiết phải ăn nói quá khôn khéo,
Phụ dung không phải là ăn mặc màu mè xinh đẹp,
Phụ công không nhất thiết là phải thật giỏi những việc tinh xảo.
Nhẹ nhàng dịu dàng, thủ tiết chỉnh tề, hành vi biết liêm sỉ, hành động phải có quy củ, đó là phụ đức.
Chọn từ để nói, không nói độc ác thô tục, nói phải chọn hoàn cảnh để tránh khiến người khác ghét, đó là phụ ngôn.
Giặt sạch những thứ bẩn, quần áo sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên, không bẩn thỉu, luộm thuộm, đó là phụ dung.
Chuyên tâm chăm lo cho gia đình chồng, không thích vui đùa nháo nghịch, có thể nấu được thức ăn phù hợp để chiêu đãi khách, đó là phụ công.
Này bốn hạng chỉ cần có tâm, đều có thể làm được”.
Đạo lý này mặc dù rất dễ hiểu nhưng không phải người phụ nữ nào cũng có thể hành được. Hơn nữa người phụ nữ thời hiện đại thời nay đã khác xa phụ nữ thời xưa.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, những giáo lý trông như có vẻ cách xa quá mức so với con người hiện đại ngày nay ấy, kì thực đã sớm trở thành những chuẩn mực đạo đức cần tuân thủ trong từng chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống thường ngày. Thậm chí nó đã trở thành những chuẩn mực đạo đức trong nội tâm của một số người phụ nữ truyền thống. Khi gặp sự việc gì họ cũng tự ước thúc bản thân, làm tròn bổn phận của một người phụ nữ tốt đẹp, một nàng dâu hiền thảo.