Có người nói rằng, lời nói của cha mẹ chính là ngọn đèn soi sáng để con trẻ tiến lên phía trước. Lời nói ấy, có thể là ánh mặt trời ấm áp tháng Ba, nhưng cũng có thể là gió rét căm căm ngày lạnh giá… Nên cũng nói rằng, miệng của cha mẹ sẽ quyết định con đường tới tương lai của con trẻ.
Có nhiều ký ức, đối với chúng ta tưởng chừng như là khắc cốt ghi tâm, không bao giờ quên được, nhưng đối với người khác thì có thể đã sớm quên mất, thay vì cứ chấp chứa trong tâm, chi bằng hãy xem nhẹ nó và từ từ quên đi.
Vậy những ký ức đối với chính con cái của chúng ta, thì sẽ có những ảnh hưởng tâm lý như thế nào đây?
Con trẻ là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ, cha mẹ thường ngày xử sự như thế nào thì sẽ nhận thấy kết quả đó ở chính con cái mình. Gieo hạt giống gì thì sẽ được quả ấy…
Có một số câu nói, trong tâm mình hiểu là được rồi, không cần phải nói ra, nói ra lại làm tổn thương người khác.
Mỗi một đứa trẻ khi sinh ra đều như một tờ giấy trắng, hành vi và lời nói của cha mẹ như những nét mực vẽ lên tờ giấy ấy những nét vẽ với đủ các sắc thái khác nhau.
Lời nói của cha mẹ sẽ quyết định con đường tương lai của con trẻ
Ngôn ngữ, lời nói của cha mẹ thường ngày sẽ ảnh hưởng đến tính cách của trẻ. Cha mẹ là người thầy đầu tiên, cũng là người bạn gần gũi, lâu dài nhất của con trẻ. Cho nên “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, ý là cha mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng mà không giáo dục con hiểu biết lễ nghĩa và tri thức thì chính là lỗi lầm của cha mẹ.
Từ một đứa trẻ mới lọt lòng chưa biết gì cho đến trở thành một người hiểu được các nhân sinh quan, phân biệt được đúng sai rõ ràng, thì cha mẹ là người có tác dụng trọng yếu trong quá trình trưởng thành của con trẻ.
Dân gian có câu rằng: “Không phải người một nhà không vào cùng một cửa”. Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta phát hiện thấy con trẻ trong vô ý có những mặt là giống với cha mẹ, kỳ thực, đây là một loại bắt chước vô ý, biến đổi âm thầm.
Cũng có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, đối với một người thì hoàn cảnh giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng. Trong đời của một người, có hơn phân nửa thời gian là thuộc về gia đình, trong đó đặc biệt là thời thơ ấu.
Người ta thường nói con trẻ là bóng dáng của cha mẹ. Khi con trẻ còn nhỏ, điều gì cũng chưa biết, lần đầu tiên nhận thức thế giới, thăm dò thế giới, cũng là hướng ánh mắt về phía cha mẹ mà học tập và bắt chước theo.
Ảnh internet
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ thường hay nói lời hòa nhã, tích cực, thì con trẻ cũng trở nên lạc quan và ngoan ngoãn; nếu cha mẹ dùng lời lẽ oán hận, thô lỗ, thì con trẻ lớn lên cũng không có được tố chất tốt.
Vì vậy, cha mẹ phải yêu cầu chính mình một cách nghiêm ngặt trong cách cư xử, lời ăn tiếng nói và hành vi, nhằm tạo lập một tấm gương tốt cho con trẻ noi theo, tạo môi trường tích cực cho con trẻ trưởng thành. Cư xử đúng mực, hành vi chuẩn mực, lời lẽ hòa nhã lễ độ sẽ tạo một môi trường bồi dưỡng nhân cách tốt cho con trẻ.
Lời lẽ cư xử của cha mẹ, quyết định cách giao tiếp của con
Có rất nhiều trẻ mắc chứng sợ giao tiếp, không biết cách làm quen với người khác, cũng không biết kết giao bạn bè. Kỳ thực, trẻ mắc phải những vấn đề này đều liên quan đến việc từ khi còn nhỏ, cha mẹ chưa làm tốt việc giao tiếp với con cái, cũng không làm tấm gương trong các mối quan hệ giao tiếp.
Cha mẹ thường ngày giao tiếp với người khác như thế nào, đối đãi với bạn bè thân nhân ra sao, thì trẻ sẽ thông qua quan sát mà học tập theo, dần dần hình thành thói quen xử sự của chính bản thân mình.
Cha mẹ có cách xử sự giả dối, không thật tình đối với bạn bè, thì trẻ cũng tự nhiên học được cách xử sự không chân tình với người khác. Cha mẹ đối với ông bà của mình hết lòng tận hiếu, thì trẻ cũng không thể nào mà có ý thức không hiếu thuận được.
Ảnh internet
Có thêm một người bạn thì cũng như mở thêm được một con đường. Quan hệ giao tiếp đối với sự phát triển của một người là mười phần quan trọng. Không ai sống mà không có bạn bè, cũng không ai có thể sống một mình; tương lai chỉ thực sự thuộc về những ai có mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp và hiểu được đạo lý trong đối nhân xử thế.
Nếu cha mẹ thật tâm lo lắng cho con mình, muốn con biết cách giao tiếp với người khác, thì hãy là tấm gương mẫu mực để con noi theo. Thông qua việc quan sát hành vi lời nói của cha mẹ khi giao tiếp, trẻ sẽ tìm được cho mình cách ứng xử giao tiếp.
Miệng của cha mẹ quyết định tương lai của con trẻ. Với thân nhân bè bạn đừng nên quá hà khắc, cần lấy thật tâm mà đối đãi. Với bạn bè, không nên tính toán được mất, cần lấy chân thành mà đối đãi, để hiểu được tình nghĩa là vô giá.
Lời nói của cha mẹ, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ
Lời nói như một thanh dao găm vô hình, tuy không thể nhìn thấy vết thương do nó gây ra, nhưng một khi gây ra tổn thương cho người khác, thì mãi mãi không bao giờ lành được.
Chuyên gia tâm lý khẳng định, có nhiều người gặp trở ngại về mặt tâm lý, mà nguyên nhân là vì lúc còn nhỏ tuổi đã bị ảnh hưởng bởi những lời nói không tốt. Mà những lời nói ấy, chính là xuất ra từ thân nhân trong gia đình.
Ảnh internet
Có nhiều cha mẹ cho rằng, cha mẹ và con cái không thể nào tức giận qua đêm được, cho dù có mắng lời khó nghe thì con cái cũng không hề oán trách, con cái sẽ hiểu được nỗi khổ tâm của cha mẹ.
Nhưng trên thực tế, một khi trẻ bị lời nói gây tổn thương, thì cho dù sau đó cha mẹ giải thích như thế nào cũng không thể xóa được vết thương trong tâm hồn của trẻ.
Chỉ vì một chút sai lầm của trẻ mà cha mẹ la mắng, sẽ khiến cho trẻ sợ hãi, căng thẳng, thậm chí đứa trẻ có chiều hướng nhìn nhận bản thân mình kém cỏi, sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti. Nếu cha mẹ thường xuyên dùng lời nói có tính bạo lực hoặc chê bai, chế giễu, sẽ khiến cho con trẻ sinh ra tâm lý tự ti, khép kín, hoặc sẽ có tâm lý đối nghịch mạnh mẽ, từ đó dẫn đến quan niệm lệch lạc, hành vi sai trái.
Kỳ thực, không phải trẻ lớn lên bị sai lệch, cũng không phải trẻ nhỏ không hiểu chuyện, mà là do những lời nói không tích cực của cha mẹ đã đẩy con trẻ bước đi sai lệch trên con đường sinh mệnh của mình.
Cùng con trẻ nói chuyện, cần xem con như một người bạn nhỏ với mình mà đối đãi. Không nên động một chút là khiển trách chê bai, cũng không nên dung túng chiều chuộng. Hãy xem con như một người trưởng thành và cùng trao đổi với nhau.
Con đường của con trẻ, là trải đầy hoa, hay đầy chông gai hiểm trở, phụ thuộc rất nhiều bởi ngôn từ của cha mẹ.
(Vạn Điều Hay)