Nên làm bạn với người phản bội mình đó là phương pháp cao tay nhất. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật bởi “Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình”.
Vì sao lại như vậy? Đầu tiên chúng ta phân tích những tác hại nếu chúng ta khởi lên lòng sân hận khi bị phản bội.
Sân hận là một trong 3 độc mà Đức Phật thường nói trong kinh và ví chúng như là ba con rắn độc sẽ ngầm giết chết tinh thần và đời sống tâm linh của chúng ta. Nó khiến việc tu tập gặp trở ngại lớn và khó khăn trên bước đường thành đạo.
Còn theo khoa học chứng minh, khi bạn tức giận thì khí huyết sẽ nóng lên và lưu thông nhanh hơn, tim đập loạn nhịp và khiến tuổi thọ bị giảm sút trầm trọng. Ngoài ra, theo giáo lý của Đức Phật, khi sân hận chúng ta sẽ làm mất đi bản tâm và tính sáng suốt để kiềm chế mọi hành vi, việc làm của mình.
Sân hận chính là một trong ba nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh. Đồng thời, sân hận còn khiến bạn có những tạo tác tạo nên tội nghiệp và gây tổn thương cho mọi người xung quanh. Do đó, bạn có nghĩ chúng ta nên sân hận khi bị phản bội?
5 bước hóa giải sân hận khi bị phản bội
Bước đầu tiên hiểu được luật nhân quả để bắt đầu cho sự quán xét và kiềm chế lòng sân hận: Không có một lý lẽ nào biện minh đó là lòng sân tốt hay lòng sân xấu, mà chỉ có một kết luận, lòng sân là sự phiền trược.
Bước thứ hai hãy nhận biết mình đang nóng giận: Khi giận ít ai chấp nhận mình đang nóng. Vì thế nhận thức rõ trạng thái đang hiện hữu trong thâm tâm theo chánh niệm Phật dạy sẽ giúp bạn đi sâu vào sự quán tưởng hơn.
Bước thứ ba hãy nghĩ vì sao bạn giận: Chúng ta thừa biết do người A, người B phản bội nên làm chúng ta giận. Nhưng họ có làm chúng ta giận hay đó là cảm giác chúng ta đang tạo nên nó. Đức Phật nói: Sự tức giận khởi lên từ cái tâm. Và một vị tổ cũng nói: Không ai làm bạn giận cả. Chỉ bạn làm bạn giận mà thôi.
Bước thứ tư hãy nhìn sâu bên trong cơn tức giận đó: Cơn tức giận vì sự phản bội này là sự vô thường, là cảm giác tức thời khi bạn bị hụt hẫng, bất ngờ và không thể làm gì nó được. Nó sẽ là tác nhân khiến bạn hành động trong sự sai lầm về sau.
Có một câu chuyện kể lại rằng:
– Một thiền sinh hỏi: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”
– Vị sư phụ đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.”
– Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”
– Sư phụ đáp: “Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.”
– Người đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm”
– Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.
– Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.”
– Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: “Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”
– Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.”
Bước thứ năm, tha thứ chính là sự hóa giải cho bản thân
Qua câu chuyện trên cho thấy, nếu bạn đã đạt đến bước có thể tha thứ cho người đã phản bội mình thì bạn được rất nhiều lợi như: cảm thấy tâm trạng nhẹ nhàng, hàn gắn lại mối quan hệ, chuyển hóa được thân tâm ở một cấp độ cao hơn, đó là sự bao dung, vị tha và tinh thần từ bi của nhà Phật được phát triển. Đó quả thật là phương pháp cao tay nhất.
Đối với phụ nữ việc làm gì để cho tâm tịnh lòng an luôn được chị em quan tâm. Nhất là ở thời đại 100 người đàn ông có tới 101 ông ngoại tình hoặc phản bội thì càng phải tiếp thêm sức mạnh cho mình.
Cách trả thù tốt nhất là chúng ta cứ sống hạnh phúc, chúng ta cứ kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình và làm những điều mình thích.
Vậy nhé, mình cứ sống lương thiện và vui vẻ thôi.
Còn những kẻ xấu ấy mà, có một câu quen thuộc:
“Trời xanh ắt có an bài”.
(ygd.info)