Người xưa có câu: Nước chảy cuối dòng thành thác nước, người đến cùng đường người hồi sinh… muốn an yên, hay học cách sống như nước.
Cuộc sống vốn không phải chỉ một màu hồng, không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Nhưng khi ở trong gian nan ấy, chính tâm thái của chúng ta sẽ quyết định hướng nào ta đi, đích nào mà ta muốn đến, dù là đường cùng vẫn sẽ có lối cho chúng ta qua.
Con đường nhân sinh không phải lúc nào cũng bằng phẳng, trên con đường ấy rất có thể bạn sẽ gặp phải những hoàn cảnh trớ trêu bế tắc, thậm chí đưa bạn đến bước đường cùng.
Đường cùng không chỉ là một khoảng cách hay một lần thử thách, mà nó còn là một bước ngoặt, một lần tỉnh ngộ và thăng hoa, nó đến để khảo nghiệm sức chịu đựng và ý chí của con người.
Mỗi lần gặp nghịch cảnh là một lần hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống, là một lần biết dũng cảm vượt qua. Nếu có thể bước ra khỏi đường cùng ấy thì mọi thứ sẽ liền sáng rõ. Cũng giống như: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ. Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (Núi cùng nước tận cứ nghĩ rằng hết đường đi. Qua rặng liễu tối, tới khóm hoa tươi, hiện ra một thôn làng).
Nhân sinh tựa như chén nước, muốn trọn vẹn thật khó lắm thay! Cùng một chén nước, có người thấy nó vơi, nhưng có người lại thấy nó đầy.
Nếu bạn chỉ thấy chén nước vơi có nghĩa là bạn đã vứt bỏ niềm vui và đang tự dằn vặt mình rồi đó. Bí quyết của niềm vui và hạnh phúc nằm ở chỗ: Nhìn thấy chén nước dù vơi hay đầy cũng đều tận hưởng chén nước mà mình đang có.
Học được cách sống như nước sẽ khiến bản thân luôn an vui, hạnh phúc
Không tranh giành
“Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật, phù duy bất tranh, cố vô vưu” (Nước là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh giành).
Đặc tính của nước là tồn tại vì vạn vật, không tranh giành cao thấp, cũng không tự cho mình là hiểu biết, lại không khoe khoang bản thân. Bởi vì không tranh giành nên nó không có oán hận âu lo.
Vô ngã
Đại đạo rộng lớn như mặt nước không chỗ nào không chảy đến, vạn vật đều dựa vào nó mà tồn tại, sinh trưởng, tuy nhiên, nước lại không hề chối từ trách nhiệm, đem mình kính dâng cho tự nhiên mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào.
Hạ mình ở chỗ thấp
Hạ mình ở chỗ thấp là có thể cùng một chỗ với quảng đại quần chúng, hấp thụ thêm nhiều dinh dưỡng để làm phong phú bản thân. Cổ nhân nói: “Thiện dụng nhân giả vi chi hạ”, tức là khéo dùng người thì cần hạ mình ở dưới người.
Mềm mại
“Thiên hạ không có gì mềm mại bằng nước, mà cũng không có gì có sức công phá hơn được nước”, bởi vì mềm mỏng là thể hiện của sức mạnh sinh mệnh.
Có câu: “Kim dĩ cương chiết, thủy dĩ nhu toàn”, ý rằng kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm mại mà vẹn toàn.
Vị tha
Nước được xưng là có lòng bao dung vĩ đại, bất luận là ân oán, đúng sai, vô luận là giọt nước ở sông lớn hay dòng suối nhỏ, đều có thể giống như: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại, bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương“ (ý nói biển lớn dung nạp trăm nghìn dòng sông, tấm lòng bao dung mới có thể trở nên vĩ đại, vách núi nghìn trượng sừng sững, không mang dục vọng thì có thể giữ mình cương trực).
Nó không cố chấp, không cao ngạo tự cao tự đại. Nước có thể lật thuyền mà cũng có thể nâng thuyền, nước có trăm điều thiện mà không một điều dối lừa, nước thật quá hữu dụng!
“>