Chùa Liên Trì có diện tích trên 3.000m2 tọa lạc tại khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
“Liên khai thuở nọ nơi đây
Trì trung cảnh ấy trổ đầy hoa sen
Cổ nhân ngày trước dựng lên
Tự nguồn chánh pháp chuyển nên ngôi chùa”
Ông Huỳnh Văn Ro, 70 tuổi ngụ khu vực Thới Thạnh hướng dẫn chúng tôi tham quan xung quanh ngôi chùa khá rộng lớn và rợp mát bóng cây. Trên đường đi ông kể: “Nghe ông bà xưa kể lại, ngôi chùa này đã có trên 200 năm tuổi. Lúc chưa giải phóng, do địa hình nằm cạnh sân bay Trà Nóc nên chùa là nơi nuôi chứa nhiều chiến sĩ cách mạng về đây hoạt động tiến đánh sân bay cùng các mục tiêu khác như: điện lực, kho đạn, kho xăng…”
Chùa Liên Trì có diện tích trên 3.000m2 tọa lạc tại khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Theo lời kể của Thượng tọa trụ trì Thích Thiện Tài thì chùa Liên Trì hình thành cách đây gần 200 năm, cụ thể là năm Nhâm Thân 1812.
Thời đó vùng đất này còn rất hoang sơ, bà con người dân tộc Khmer cùng với các sư sãi dựng lên ngôi tự viện trên một gò đất cao. Ban đầu chùa còn rất đơn sơ cột cây mái lá và chưa có tên, chỉ biết theo cách gọi truyền miệng với nhau là “Chùa ông Lục”. Lâu dần, vùng đất này có nhiều người Kinh đến định cư sinh sống, người Khmer và các sư sãi dần dần chuyển sang vùng kế cận, từ đó ngôi chùa nhỏ và mấy chiếc thảo am không người trông coi nhang khói.
Đến năm Nhâm Ngọ 1822 có vị thiền sư tên Liễu Thông, tự Chơn Giác đến đây. Ngài vận động bà con dân làng cùng sửa sang lại và thu nhận thêm nhiều vị tăng đến cùng tu học. Thiền sư Liễu Thông đặt tên mới là “chùa Kè Ba” (xung quanh chùa có nhiều cây Kè, trước cửa chùa có một cây Kè có ba đọt). Tuy nhiên, do nhiều hoàn cảnh và nhiều lý do, quý thầy lần lượt rời chùa. Ngôi chùa lại vắng lạnh chỉ còn bà con phật tử trong làng thay nhau nhang khói.
Từ đó về sau có rất nhiều thầy tu đến sửa chữa chùa và kêu gọi phật tử đến hành lễ nhưng thời gian kéo dài không lâu. Từ năm 1911, chùa mới hoạt động ổn định cho đến hôm nay. Theo lời kể của các vị bô lão: từ năm 1930 đến đầu năm 1945, chùa Liên Trì được chấn hưng phát triển, đông đảo bà con phật tử đến chùa. Hằng năm, vào ngày Rằm tháng bảy âm lịch, chùa tổ chức trai đàn rất lớn cầu an cho bá tánh, cầu siêu cho đồng bào tử nạn, cho chiến sĩ trận vong, chẩn tế cô hồn.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Liên Trì không chỉ là nơi tâm linh tín ngưỡng tu hành, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho bà phật tử trong lúc hoạn nạn khó khăn. Cạnh đó, chùa còn là địa điểm nhóm họp dân làng, cơ sở ủng hộ cách mạng và là trạm trú chân của các chiến sĩ du kích, trạm dừng chân của các đơn vị bộ đội. Đặc biệt, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Nhiều thanh niên phật tử đã tích cực hưởng ứng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đã hăng hái tham gia vào du kích, tòng quân vào bộ đội cầm súng giết giặc cứu nước.
Chùa đã hiến gần trăm cây tràm lâu đời, dùng làm cảng Phố Chùa ở Long Tuyền để chặn tàu giặc; hiến tất cả đồ đồng, trong đó có một Đại Hồng Chung cổ kính cho công binh xưởng đúc đạn… Tết Mậu Thân năm 1968, chùa cũng phải chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn Mỹ.
Đầu năm 1976, Thượng tọa Thích Thiện Tài về làm trụ trì chùa Liên Trì. Hiện nay, chùa vẫn duy trì các ngày lễ chính định kỳ như: Lễ cầu an đầu năm; lễ Thượng nguyên Rằm tháng giêng; Lễ Phật đản Rằm tháng tư; Lễ Trung nguyên kết hợp Vu Lan báo hiếu – Rằm tháng bảy…
Chùa Liên Trì còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội ở địa phương như tặng quà cho hộ nghèo, gia đình khó khăn; xây dựng GTNT; xây nhà tình thương, khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Đến tham quan cảnh chùa hôm nay, du khách sẽ được nghe nhiều câu chuyện kể rất cảm động về lịch sử ngôi chùa hơn 200 năm tuổi đã trải qua bao biến cố thăng trầm, cho đến ngày chiến thắng 1975 thống nhất quê hương.