Chỉ lăn tăn, sao nỡ đối xử với hoa đến tận kiệt đau lòng thế. Hoa cơ mà. Hay là hoa của thời này số phận cũng phải khác xưa?
Dường như thời nào con người cũng có thú chơi hoa. Hoa gắn với người, cũng như cỏ cây từng gắn bó với người. Nhưng cây cỏ thường thuần về giá trị vật chất, để làm nhà, làm vật dụng sinh hoạt, để ăn; còn hoa thì nghiêng về giá trị tình cảm, tinh thần. Thiên nhiên tạo hóa chu đáo thế là cùng, cho ta cả vật chất lẫn tinh thần bằng những phẩm vật đặc trưng của nó.
Đọc văn của người xưa thấy có ghi lại những thú chơi hoa tinh tế, độc đáo. Thậm chí không phải là chơi nữa mà là tôn vinh, sùng kính, có gì đó rất thiêng liêng, cao quý. Hoa và người chung tình còn hơn cả vợ chồng.
Hồi tôi đã nhớn học cấp 2, chả biết anh chị tôi mượn được ai cuốn Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh tác giả bên Tàu. Một cuốn sách ma mị cuốn hút, đặc biệt là những chuyện về hoa. Hồn hoa cúc, hoa đào hiện thành người, thành thiếu nữ lảng vảng trong thế giới hư hư thực thực. Người hay hoa, hoa hay người, vừa đọc vừa sờ sợ, vừa mê say. Có lúc tôi từng tin rằng những khóm hoa cúc gần bể nước, hoặc cây hoa đào thày tôi trồng trước sân nhà chính là những cô thiếu nữ xinh đẹp, bí ẩn biến thành, đến nỗi đêm tối không dám đi rửa chân, nhất là vào mùa đông rét mướt, lúc hoa cúc đã tàn, hoa đào chớm nụ.
Đọc truyện của cụ Nguyễn Tuân ta cũng gặp thú chơi hoa sành điệu. Cụ cực kỳ ghét kiểu chơi hoa xô bồ, ép uổng hoa, ăn tươi nuốt sống hoa. Trong mắt cụ Nguyễn, chơi hoa kiểu vác cành đào hãnh diện đi giữa phố ra cái điều ta đây chọn được cành đào đẹp đắt tiền cũng chỉ nói lên được cái chất của anh trọc phú. Những trang cụ viết về hoa thủy tiên, đặc biệt là sự tỉa tót, chăm sóc công phu loài hoa khó tính này của nghệ nhân say hoa có thể coi là thứ biên niên về thú chơi sành điệu truyền tụng theo năm tháng.
Cũng có thời, kinh tế khốn khó, cái ăn bỏ vào miệng chả đủ, người ta thành kiến với hoa, với người chơi hoa, thú chơi hoa. Từng có lúc công viên hoặc những dải phân cách trên đường vốn xưa nay trồng hoa đã được đào xới để trồng khoai trồng sắn. Cái lý do “lương thực là trên hết” đã loại hoa ra khỏi cuộc sống văn hóa, tinh thần. Cũng may là tình trạng ấy không kéo dài.
Hoa tượng trưng cho vẻ đẹp, cái đẹp ở trên đời. Hoa là sắc màu rực rỡ, là cái lãng mạn bay bổng thoát ra khỏi đời sống trần tục. Hoa như niềm vui, giá trị tình cảm, tinh thần. Hoa trang điểm cho cuộc sống, là phần không thể thiếu của cuộc sống. Hoa luôn đòi hỏi sự trân trọng, mến yêu, đối xử nhẹ nhàng của con người. Đành rằng thứ gì cũng có giá trị riêng của nó, nhưng không thể cư xử với hoa như cách ta thường làm với củ khoai, cây rau cải, trái bí đao… Xứ này xứ kia, người đời chỉ nói, chỉ chọn quốc hoa, coi đó như niềm hãnh diện, hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng (về vẻ đẹp, tinh thần) của đất nước, chứ có ai chọn bầu quốc rau, quốc củ quả bao giờ.
Hoa không chỉ đem vẻ đẹp cho đời, hoa còn mang tiền của đến cho người. Có những nước, hoa là một phần quan trọng tạo nên sự giàu có, sức mạnh kinh tế, như Hà Lan chẳng hạn. Nước này nổi tiếng thế giới về xuất khẩu hoa, đến nỗi nhắc tới Hà Lan là thiên hạ nói ngay đến hoa, sau đó mới là cối xay gió, đê lấn biển. Nước ta cũng có những vùng chuyên sống bằng nghề trồng hoa, bán hoa, những cái tên làng hoa Ngọc Hà, vùng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá nổi tiếng (ở Hà Nội), làng hoa Đằng Hải (Hải Phòng), làng hoa Gò Vấp, Tân Sơn Nhì (Sài Gòn) từng ăn sâu vào tình cảm biết bao thế hệ, nay chỉ còn là ký ức sau những cuộc biến động, đổi dời “bãi bể nương dâu”, nhất là cơn sóng đô thị hóa. May mắn vẫn còn với hoa khi những vùng hoa nơi quê xa như Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc, Cao Lãnh (Đồng Tháp) ở vùng Tây Nam Bộ còn trụ được, để hoa tỏa sắc khoe hương với đời.
Nghề trồng hoa vất vả cực nhọc hơn nhiều so với trồng lúa, trồng rau màu. Các cụ dạy phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” bởi hoa mong manh, nhạy cảm, phận hoa yếu ớt, nhất là khi thời tiết trái gió trở trời. Mỗi năm vào dịp trước Tết Nguyên đán, người trồng hoa một lòng cầu mong mưa thuận gió hòa, do cả năm vất vả chỉ đợi thời cao điểm này biến hoa thành nguồn sống. Nhưng thời thế có những đổi thay, cách hành xử với hoa cũng biến đổi theo, nhiều khi “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Mấy ngày qua, trên báo chí có những tin không vui (ngày đầu năm tránh nói đến chữ buồn) về hoa. Khách du xuân hội hoa sau khi vui chơi ngắm nghía đã đời đã… tranh nhau cướp hoa đem về nhà. Một cuộc giành cướp cái đẹp, thật khó coi. Có những đám đông dự hội hoa, chợ hoa chen lấn xô đẩy giày xéo lên cả vạt hoa mà chẳng hề nghĩ chính mình đang chà đạp cái đẹp và công sức của người làm đẹp cho đời dưới bàn chân thô bạo. Chơi hoa, thưởng hoa kiểu vậy thì phải gọi là hành hoa mới đúng.
Mấy ngày nay đi trên phố, ta dễ dàng bắt gặp không ít cảnh trụ sở cơ quan hoa tươi tầng tầng lớp lớp, kín đặc từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, có những bậc thềm phải đến vài chục chậu hoa cúc. Lại nhớ ông bạn tôi phàn nàn đôi khi coi tivi thấy cảnh tiếp khách, phòng khách chả khác gì “trên giời dưới hoa”, chủ và khách bị vây giữa rừng hoa trông rất phù phiếm. Chưa nói gì đến chủ trương tiết kiệm, chuyện tiền nong tiêu phí, tạm coi đây là thú chơi hoa kiểu “lấy hoa đè người”. Cụ Nguyễn Tuân mà sống lại gặp cảnh này chắc buồn và cáu lắm.
Tôi vừa được coi một cái video quay cái cảnh chợ hoa tết Đinh Dậu khiến mình phải ngẫm nghĩ. Đến chiều 30 tết, vài người bán hoa thất vọng bởi hoa ế (có thể do nhiều lý do: ít khách, dân chúng tiết kiệm hơn nên ít mua, hoa chưa đủ độ đẹp, giá đắt, đã cuối ngày, v.v..) nên trong cơn bĩ cực họ vác hẳn cây gậy rõ to đập nát từng cây đào, từng dãy hoa mai vàng, từng vựa hoa cúc, hoa hướng dương… Hoa tan nát, tả tơi không phải bởi thời tiết mà chính con người. Quả thật chả khác gì “đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời”. Dư luận lên tiếng phàn nàn sao không bán rẻ, sao không cho đi. Tôi chả biết nói làm sao khi mình không là người trong cuộc. Đừng vội trách họ, nhất là khi công cuộc làm ăn đẩy người ta vào bờ vực. Chỉ lăn tăn, sao nỡ đối xử với hoa đến tận kiệt đau lòng thế. Hoa cơ mà. Hay là hoa của thời này số phận cũng phải khác xưa?
Nguyễn Thông