Kỹ năng giao tiếp liên quan đến việc thực hiện lý tưởng của một con người, mà nó còn liên quan đến sự phát triển cá tính và chỉ số hạnh phúc con người
Nhiều phụ huynh Việt Nam chỉ chú trọng học vấn của con cái mà quên mất rằng kỹ năng giao tiếp là vô cùng quan trọng với những bước phát triển trong tương lai của con mình. Ở Do Thái, các bậc phụ huynh coi việc bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp của con là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá khả năng thành công của con mình, không chỉ vì kỹ năng giao tiếp liên quan đến việc thực hiện lý tưởng của một con người, mà nó còn liên quan đến sự phát triển cá tính và chỉ số hạnh phúc của con em họ.
Mối quan hệ giữa con người với con người có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân. Một người có mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp với mọi người xung quanh chắc chắn sẽ hạnh phúc, cá tính của anh ta cũng phát triển bình thường. còn một người sống trong những mối quan hệ bất hòa, căng thẳng, sẽ làm giảm cảm giác hạnh phúc của mình cùng với đó là cảm giác cô độc, lẻ loi, tự ti và nghi hoặc dần xâm chiếm tâm hồn anh ta.
Qua các cuộc nghiên cứu, chuyên gia giáo dục Israel phát hiện, một bộ phận trẻ em không biết cách ứng xử sẽ có thành tích học tập không được như mong muốn, ngoài ra còn tồn tại những trở ngại tâm lý nhất định. Trong nhiều trường hợp, con trẻ không biết ứng xử, dù có năng lực khá và nỗ lực hết mình cũng chưa chắc tìm được đất dụng võ, bởi vậy nên chúng thường cảm nhận bản thân mình là người có tài nhưng không gặp thời.
Phương pháp giáo dục con cái để xây dựng các mối quan hệ xã hội của người Do Thái cũng rất đáng để chúng ta tham khảo. Theo họ, nhằm bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho trẻ, các bậc cha mẹ phải có “tầm nhìn xa”, nếu cha mẹ chỉ nghĩ rằng “con tôi còn quá nhỏ, chưa cần thiết phải đưa ra yêu cầu với nó về phương diện này”, thì đó là sơ ý của họ, hay nói cách khác là cha mẹ không làm tròn bổn phận của mình. Để đến khi con cái hình thành độ lỳ trong tính cách, cha mẹ muốn sửa cũng đã muộn. Vì vậy, bản thân những người làm cha mẹ phải sớm vạch ra một kế hoạch tốt đẹp và thực hiện nó một cách hiệu quả, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho con nhiều hơn nữa.
Người Israel thường kể cho con cái họ nghe câu chuyện Mẹ hồ ly: Để cho hồ ly con hiểu phép tắc trong rừng rậm, hồ ly mẹ cố tình “vứt bỏ” hồ ly con trong rừng, rồi biến mất. Hồ ly con rời xa mẹ, bắt buộc phải học cách sinh tồn kiên cường như thế nào.
Kỹ năng giao tiếp của trẻ em Israel cao hơn mặt bằng chung của trẻ em Trung Quốc, vì các vị phụ huynh Israel tuyệt đối sẽ không “nuôi nhốt” con trẻ, không ra mặt thay chúng, trước khi con cái ý thức được mình nên rời xa cha mẹ, họ sẽ chủ động rời xa chúng trước, khuyến khích con cái bước ra khỏi nhà, gạt bỏ sự tự ti, học cách giao tiếp với người khác, hướng tới thế giới tuyệt vời bên ngoài.
Phụ huynh Israel có hai nguyên tắc cơ bản về bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp ở trẻ em. Họ dạy con từ thuở còn thơ: “Một là phải lắng nghe lời đối phương nói với thời gian nhiều hơn gấp đôi thời gian mình nói. Hai là phải đưa ra nhiều câu hỏi, vì nhu cầu trao đổi thông tin và tri thức là khởi đầu của mối quan hệ giữa con người với con người.”
Tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng giao tiếp của con:
1. Không sợ môi trường lạ, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới.
2. Biết kiềm chế cảm xúc của bản thân khi cần thiết.
3. Có khả năng tự lập, không thích ỷ lại người khác.
4. Cư xử hòa nhã với các bạn, hợp tác thành công trong các hoạt động và trò chơi.
5. Khéo léo và vui vẻ giúp đỡ người khác, biết khiêm nhường.
6. Hiểu ý người khác, làm theo mong muốn của người lớn, đồng thời đưa ra quan điểm và ý kiến mới của mình.
7. Có kỹ năng tổ chức, có vai trò làm “lãnh đạo nhỏ” trong học tập và vui chơi, được bạn bè quý mến.
8. Biết bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của cá nhân một cách thông minh, linh hoạt và đúng mực ở những nơi công cộng.
9. Vui vẻ nhiệt tình, bày tỏ thái độ tôn trọng và tin tưởng người khác trong khi giao tiếp.
Yên Nhiên
Theo Cafebiz
“>