Chuyển tới nội dung

Người có phúc thì không cần toan tính, người vô phúc tính toán cũng bằng không

  • bởi

Xưa kia có vị tú tài tên là Trần Hữu Vọng, nhà ở núi Lĩnh Nam, gia cảnh sung túc đủ đầy, chỉ tiếc rằng con đường quan vận lại gặp cảnh gian truân liên tiếp 5 lần thi cử đều không đỗ.

Một hôm Trần Hữu Vọng nghe nói dưới thị trấn có người tên Lý Bán Tiên bói mệnh như Thần, vậy là Trần Hữu Vọng xuống trấn tìm gặp Lý Bán Tiên bói một quẻ xem vận mệnh tiền đồ của mình ra sao?

Khi vừa tới thị trấn, Trần Hữu Vọng thấy quầy xem bói của Lý Bán Tiên thất vắng bóng người, chỉ thấy Lý Bán Tiên đang xem quẻ cho một người ăn mày. Trần Hữu Vọng thấy người ăn mày đưa cho Lý Bán Tiên một đồng xu để xem quẻ cho mình, xem nguyên cớ vì đâu cuộc đời lại trăm nghìn cơ cực như vậy.

Lý Bán Tiên nhận tiền của người ăn mày sau đó xem qua chỉ tay và ngũ quan của người ăn mày, tiếp đó lại bảo người ăn mày đọc tên họ và ngày tháng năm sinh bát tự. Người ăn mày nói tên là Dương Cơ Đường, sinh tháng 2 năm Mậu Tuất.

Lý Bán Tiên bấm ngón tay tính số một hồi rồi nói: “Số mệnh của ngươi cũng không đến lỗi tệ, sau này ắt sẽ gặp quý nhân giúp đỡ, khi đó không những vận mệnh thay đổi mà còn lấy được vợ, sinh hai người con trai và sống đến năm 70 tuổi không bệnh mà chết”. Người ăn mày nghe Lý Bán Tiên bói cho mình như vậy thì vô cùng vui mừng và cảm tạ Lý Bán Tiên.

Sau khi người ăn mày rời đi, Trần Hữu Vọng đến trước quầy của Lý Bán Tiên nói: “Tại hạ quan vận bất hạnh, xin tiên sinh bói cho một quẻ xem gian vận và tiền đồ thế nào?”. Lý Bán Tiên yêu cầu Trần Hữu Vọng cho biết họ tên và giờ sinh tháng đẻ. Sau khi có được giờ sinh tháng đẻ, Lý Bán Tiên tính toán hồi lâu, vẻ mặt không ngừng biểu lộ sự kinh ngạc khó hiểu, thần sắc thay đổi. Trần Hữu Vọng thấy vậy mới hỏi: “Tiên sinh không cần lo ngại, có điều gì xin cứ nói thẳng đừng ngại”.

Sau khi có được giờ sinh tháng đẻ, Lý Bán Tiên tính toán hồi lâu, vẻ mặt không ngừng biểu lộ sự kinh ngạc khó hiểu, thần sắc thay đổi. (Ảnh: youtube.com)

Nghe Trần Hữu Vọng nói vậy Lý Bán Tiên mới đáp: “Thứ cho tôi nói thẳng, số mệnh của anh đại hỉ, đại sầu, vui cũng nhiều mà buồn cũng chẳng ít. Số anh sẽ đỗ Trạng nguyên, làm quan lớn nhưng mà cuối cùng lại phải chịu cảnh nghèo đói cơ cực, chết nơi đầu đường…”. Mới nói đến đó Lý Bán Tiên đã thấy Trần Hữu Vọng thần sắc không còn nên an ủi: “Việc vận mệnh ở đời, tin thì có, không tin thì không, mọi việc đều do con người. Nếu như có thể hành thiện tức đức cũng có thể cải được mệnh trời!”.

Hữu Vọng nghe xong thì đưa cho Lý Bán Tiên một đồng xu rồi buồn bã rời đi. Một năm sau đó Trần Hữu Vọng vào kinh ứng thí, thật trùng hợp thay, trên đường đi Trần Hữu Vọng gặp một người ăn xin bệnh tật đang nằm bên đường nên động lòng thương xót, cõng người ăn xin tìm một quán trọ rồi gọi tiểu nhị sắp xếp phòng ở và gọi thầy thuốc đến khám chữa. Qua mấy ngày sau, người ăn xin dần dần hồi phục, Trần Hữu Vọng hỏi người ăn xin quê quán nơi nào, hà cớ làm sao lại ốm đau bệnh tật bên đường như thế?

Người ăn xin đáp: “Tại hạ tên Dương Cơ Đường, cũng từng học sách thánh hiền mấy năm nhưng sau đó gia đình gặp phải án oan của quan phủ nên tán gia bại nghiệp. Cha mẹ cũng vì thế đau buồn mà chết, bản thân phải lưu lạc bên ngoài xin ăn qua ngày”.

Trần Hữu Vọng nghe đến ba chữ Dương Cơ Đường thì giật mình sửng sốt, nhớ lại chuyện xem bói khi xưa, nhìn kỹ lại quả đúng là người đó. Trần Hữu Vọng nghĩ: “Hắn bị ngất bên đường, mình trùng hợp nhìn thấy nên cứu được, lẽ nào mình chính là quý nhân trong đời của hắn? Xem ra đây cũng là duyên phận, Làm người thì cần phải hành thiện tích đức, huống chi mình là người đọc sách thánh hiền, nay gặp người hoạn nạn lẽ nào lại không giúp hắn?”. Vậy là Trần Hữu Vọng đi mua quần áo mới cho Dương Cơ Đường rồi rủ Dương Cơ Đường cùng mình vào kinh ứng thí, trên đường đi cũng coi như có người bầu bạn.

Sau khi Dương Cơ Đường thay đổi y phục sạch sẽ, hai người nhìn rất có nét giống nhau cứ như hai huynh đệ một nhà cùng nhau khởi hành. Chớp mắt đã đến kinh thành, hai người cùng tham gia thi cử. Vừa thi xong, Trần Hữu Vọng lại đổ bệnh, mặc dù Dương Cơ Đường tận tâm chăm sóc nhưng bệnh mãi vẫn không có tiến triển.

Mấy hôm sau, tới ngày có kết quả kỳ thi, vì thân thể suy yếu nên Trần Hữu Vọng không đi xem được mà nhờ Dương Cơ Đường đi xem, Dương Cơ Đường đi xem, thấy Trần Hữu Vọng đỗ trúng Trạng nguyên, trong lòng mừng thay cho ân nhân. Nhưng đến lúc tìm đến tên mình thì mãi chẳng thấy đâu, trong lòng buồn bã trở về khách trọ.

Về đến khách trọ định bụng mang tin mừng cho ân nhân hay nhưng thấy Trần Hữu Vọng đang hôn mê bất tỉnh, thần sắc chẳng còn, có lẽ cũng chẳng sống được mấy hồi nên nảy sinh ác niệm: “E rằng số hắn không hưởng được cái phúc trạng nguyên này rồi, chi bằng mình giả mạo hắn đi hưởng cái phúc phận này. Dù sao thì mình và hắn tướng mạo cũng khá tương đồng, mà dù cho hắn may mắn không chết, lúc đó có chết mình cũng không thừa nhận, hắn cũng chẳng làm gì được”.

Nghĩ xong, Dương Cơ Đường liền lấy trộm tư trang của Trần Hữu Vọng, bao gồm cả giấy tờ chứng khảo đi ứng quan. Quan chủ khảo kiểm chứng giấy tờ chứng minh thân phận của Hữu Vọng không thấy có gì bất thường nên tiếp tục tham gia thi điện. Lần này cũng coi như Dương Cơ Đường có chút tài học qua được quan khảo nên được bổ nhiệm làm quan cao.

Trần Hữu Vọng ở quán trọ đợi 7 ngày mà không thấy tin tức của Dương Cơ Đường, nhờ người hỏi thăm thì được tiểu nhị nhà trọ nói: “Người huynh đệ của anh đã được phong làm quan rồi. Nghe vậy Trần Hữu Vọng thấy vui trong lòng, thật là mừng cho bạn. Hữu Vọng cố gắng nhấc tấm thân yếu ớt đi thăm bạn, nhưng lại bị bạn từ chối không gặp.

Thấy làm quá lạ, Trần Hữu Vọng đi xem bảng thi, thấy tên mình đứng đầu bảng thi nên mới tỉnh ngộ. Hoá ra Dương Cơ Đường mạo danh tên mình đi ứng quan. Vậy là Trần Hữu Vọng đi cáo trạng, nhưng tất cả giấy tờ chứng minh thân phận đều không còn nên cũng chẳng thể làm gì được, lại bị quan phủ đánh đuổi ra ngoài. Gọi trời, trời không thấu, gọi đất, đất không thưa, Trần Hữu Vọng đành đi khắp nơi kêu oan. Một đêm, Trần Hữu Vọng lại gặp phải một đám lưu manh đánh đập rồi ném xuống sông.

Đến khi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên một chiếc thuyền lớn, hoá ra số mình mạng lớn, vô tình được Trương viên ngoại cứu sống. Trương viên ngoại đem Trần Hữu Vọng về nhà chăm sóc, thấy Hữu Vọng là người hiểu sách thánh hiền nên giữ lại dạy học trong nhà. Thấy Trần Hữu Vọng dạy học chăm chỉ, người lại hiền lương nên đem gả con gái cho Trần Hữu Vọng, cũng kể từ đó, Trần Hữu Vọng đổi tên thành Dương Cơ Đường lấy vợ sinh con, sau khi lấy vợ thì sinh được 2 người con trai, cuộc sống cứ cứ thế hạnh phúc qua ngày.

Sau này tình cờ gặp lại Lý Bán Tiên, nhớ lại chuyện xưa thấy oán hận trong lòng nên Trần Hữu Vọng oán trách. Lý Bán Tiên nghe Hữu Vọng kể lại đầu đuôi sự việc xong liền cười lớn nói: “Lão phu sao có thể bói sai cho cậu được? Cậu là người thiện lương ắt có thiện báo, ông trời đã tìm cho cậu một người thế thân chịu tội”. Nghe vậy Trần Hữu Vọng mới chợt hiểu ra huyền cơ.

Lại nói về Dương Cơ Đường, sau khi làm quan chẳng được bao lâu thì tham ô hối lộ nên bị miễn chức bãi quan. Tất cả gia sản đều bị tịch thu, người nhà bị bắt làm nô bộc, bản thân thì lại phải sống ăn xin cô độc ngoài đường. Cuối cùng cũng mắc bệnh mà chết bên đường, ngay cả xác cũng không người chôn cất.

Đây đúng là ứng với câu nói: Người có phúc thì không cần tính toán, người vô phúc tính toán cũng bằng không. Dương Cơ Đường mạo danh Trần Hữu Vọng mà hưởng phúc trạng nguyên được lúc đầu nhưng sau cùng lại phải gánh hoạ cuối đời của Trần Hữu Vọng. Còn Trần Hữu Vọng thì thiện lương vô tình lại được hưởng phúc. Cuối cùng sống đến năm 70 tuổi không bệnh mà đi, quả là thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo.

(Suy ngẫm – mnmcn)

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status