Có câu “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên chồng vợ”. Trong cuộc đời này, không có duyên thì không gặp mặt, không có nợ thì không thể kết đôi. Trân quý cơ duyên vạn cổ ấy cũng chính là trân quý bản thân mình.
Người xưa thường có câu rằng: “Nhân duyên vợ chồng là do trời định sẵn, cho dù vợ xấu nhưng vẫn có mệnh vượng phu”. Đã là nhân duyên trời định thì vợ chồng nên cung kính, tôn trọng lẫn nhau. Ai đó đến thế gian này từ sớm đã có định số là người nắm tay bạn đi suốt cuộc đời, điều đó quả là thiêng liêng không gì sánh nổi.
Dưới đây là câu chuyện về Trần Đại Thụ, một vị quan lớn triều nhà Thanh và người vợ xấu xí của mình được ông trời se duyên, an bài một cách vô cùng thần kỳ, khéo léo như lại càng minh chứng cho duyên vợ chồng vạn cổ ấy.
Thấy vợ quá xấu tân lang bỏ chạy
Phu nhân của Trần Đại Thụ vốn là con gái trong một gia đình giàu có ở huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam. Bà được cha mẹ nhất mực yêu thương nên muốn kén một chàng rể trong gia đình giàu có, môn đăng hộ đối. Ngày cô dâu lên kiệu hoa về nhà chồng, sau khi hành lễ giao bái phu thê được người hầu dẫn vào phòng cưới.
Nhưng vị tân lang chỉ mới mở tấm mạng che mặt của tân nương thì kinh hãi bỏ chạy. Lý do vì tân nương của anh quá xấu xí, mặt thì rỗ, trên thân lại có sẹo lồi khắp người làm anh cực kỳ sợ hãi, cảm thấy từ đây hạnh phúc của mình đã bị hủy hoại nên nhất thời chẳng biết làm gì, đành quay đầu bỏ chạy.
Quan khách có mặt dự đám cưới đều đưa mắt nhìn nhau, lắc đầu thở dài, bàn bạc hồi lâu liền tản đi tìm tân lang để khuyên giải anh ta quay về. Sau một hồi nghe mọi người khuyên can, vị tân lang cũng đồng ý quay về phòng, rồi lăn ra ngủ một mạch đến sáng.
Sáng hôm sau khi tân lang nọ vừa tỉnh giấc liền phát hiện giường cưới của mình đã… ướt sũng. Số là không biết trong đêm mơ ngủ thế nào tân nương đã… tè dầm làm toàn bộ chăn gối trên giường cưới bẩn hết. Sau khi chứng kiến cảnh ấy, tân lang nọ không nhẫn chịu nổi, liền đi tìm bà mối đòi hủy hôn.
Lấy vợ xấu được vinh hoa phú quý
Tân nương sau đó bị trả về nhà mẹ, 3 năm liền hầu như không có người tới hỏi cưới. Cha mẹ cô cũng bởi việc này mà vô cùng buồn rầu, lo lắng. Vừa lúc đó ở huyện Kỳ Dương có một vị thư sinh bần hàn tên gọi Trần Đại Thụ được thầy giáo làm mối với tân nương nọ. Cha mẹ tân nương thấy gia đình Trần Đại Thụ bần hàn, nghèo khó, sợ con gái gả về đó sẽ cực nhọc nên có phần do dự không quyết.
Nhưng vị thầy giáo nọ nói: “Tôi thấy rằng Trần Đại Thụ là một người có tài học thực sự. Cậu ta còn là người có khí chất rất khoan dung, độ lượng. Người như cậu ấy sau này nhất định thành công và có danh vọng, sẽ không thể bần hàn, nghèo đói mãi đâu”.
Cha mẹ tân nương khi gặp mặt, nhìn thấy tướng mạo của Trần Đại Thụ râu hùm, hàm én, mày ngài rất oai phong. Sau đó lại nhìn thấy chữ viết trong các bài văn của Trần Đại Thụ đều thẳng hàng ngay ngắn như rồng bay phượng múa, cả hai liền gật đầu ưng thuận. Tuy nhiên họ lại yêu cầu Trần Đại Thụ phải ở rể nhà mình và không được phép bắt nạt con gái cưng.
Sau khi Trần Đại Thụ cưới người vợ xấu xí, thời vận của anh lên như diều gặp gió. Đại Thụ liên tục đứng đầu khoa cử, con đường hoạn lộ, quan trường cũng ngày một thênh thang, sau làm tới chức “đại học sĩ” chuyên xử lý việc quân cơ, trở thành tâm phúc của hoàng đế Càn Long. Phu nhân của Trần Đại Thụ cũng nhờ phúc của chồng mà được hưởng vinh hoa phú quý.
Lúc đó trong cung có một vị công chúa không may lâm bệnh, đột ngột qua đời. Thái hậu đau buồn khôn nguôi, lúc nào cũng tưởng nhớ tới mức uất ức sinh bệnh.
Thấy mẫu hậu tiều tụy, hốc hác, vua Càn Long vô cùng lo lắng, buồn rầu nhưng mãi vẫn chưa nghĩ ra được cách nào. Khi đó có một nô tỳ từng gặp phu nhân của Trần Đại Thụ liền tâu với đức vua: “Tướng mạo của phu nhân Trần Đại Thụ rất giống với công chúa”.
Nghe được tin vua Càn Long như bắt được vật báu, liền thưa lại với Thái hậu. Thái hậu hay tin lập tức cho đòi phu nhân của Trần Đại Thụ nhập cung.
Thái hậu liền giữ phu nhân Trần Đại Thụ ở trong cung và ban thưởng cho vô số ngọc ngà, châu báu. Cũng từ đó thái hậu yêu thương phu nhân của Trần Đại Thụ như con gái ruột, thường cho đòi vào cung hầu hạ bên cạnh.
Một ngày nọ khi được triệu kiến vào cung và đang nghỉ ngơi, Trần phu nhân bỗng muốn đi vệ sinh, nên sai hai cung nữ mang tới một cái bô vàng. Phu nhân cảm thấy hình ảnh này vô cùng quen thuộc, hồi tưởng lại chuyện xưa rồi rúc rích cười một mình.
Hóa ra vào đêm động phòng hoa trúc khi thành thân với người chồng đầu tiên, bản thân bà ngủ mơ đang được du ngoạn trong cung nên mới… tè dầm ra giường. Cảnh tượng lúc này giống y như đúc với những gì bà đã mơ khi đó.
***
Nếu nói duyên phận vợ chồng là do trời định, vậy chẳng lẽ người ta hoàn toàn chỉ là “nhắm mắt đưa chân”, đến với nhau là không hề có chủ định? Dù là “trời định” ắt cũng cần phải thông qua cách thức nào đó để hai người đến được với nhau, hoặc là do ý nguyện của cha mẹ, hoặc nhờ người mai mối.
Người xưa quan niệm rất khác về hôn nhân. Họ cho rằng đã là do số mệnh an bài thì những chuyện như gặp nhau trước khi kết hôn, tìm hiểu đối phương, có yêu thích người đó hay không… đều trở nên không còn quan trọng nữa. Bởi họ tin rằng, cuối cùng thì kết quả vẫn sẽ không thể thay đổi, người đáng gặp thì sẽ gặp, người đáng kết hôn thì sẽ kết hôn vậy thôi!
Người xưa tin vào mệnh trời nên vui vẻ chấp nhận sự an bài của ông trời kể cả là trong chuyện hôn nhân đại sự cả đời. Nhưng chấp nhận mệnh trời không có nghĩa là bỏ mặc, phó mặc. Một khi đã lấy nhau về, hai vợ chồng chính là lấy lễ nghĩa mà đối đãi với nhau, mỗi người giữ bổn phận của mình, sống chân thành bao dung.
Có câu “Phu thê tương kính như tân” (vợ chồng coi nhau là khách) là vì vậy. Mối ràng buộc giữa hai vợ chồng không phải ở tờ giấy kết hôn mà nằm ở lẽ trời, lẽ tự nhiên. Đó mới là sự ràng buộc, gắn kết quan trọng, cao cả, linh thiêng nhất.
Có lẽ cũng vì thế mà chuyện hôn nhân của người xưa đa số đều bền chặt, hai người cam tâm tình nguyện với nhân duyên vợ chồng mà ông trời đã định. Người xưa chẳng dễ ly hôn như giới trẻ bây giờ.
Vợ chồng còn trẻ thì đối đãi bằng ân, về già thì đối đãi bằng nghĩa, cả đời chung sống bên nhau, dù thuận hòa hay không vừa ý cũng đều biết nhẫn chịu, một điều nhịn chín điều lành mà gìn giữ gia phong, nếp nhà, gìn giữ cuộc hôn phối đến đầu bạc răng long vậy.
(ygd.info)