Chuyển tới nội dung

“Người yêu rốt cuộc là ai vậy?” Và đáp án của vị hòa thượng đối với đệ tử giúp con người tìm đúng nhân duyên

  • bởi

Cuộc hội thoại giữa một hòa thượng và đệ tử của ông dưới đây sẽ giúp mỗi người chúng ta giác ngộ nhiều chân lý về tình yêu và người yêu!

Một ngày nọ, hòa thượng và đồ đệ uống trà bàn luận chuyện nhân tình thế thái. Bởi lễ Thất Tịch chưa qua bao lâu, hai thầy trò cùng nhau đàm đạo về tình duyên.

Đồ đệ hỏi: “Thưa thầy, người yêu là ai trong cuộc đời ta?”

Hòa thượng trả lời: “Là người thân, là kẻ thù, là người xa lạ”.

Đồ đệ: “Vì sao thầy lại dạy như vậy?”

Hòa thượng: “Khi yêu thương nhau, người yêu chẳng khác nào người thân. Khi xích mích, người yêu dễ thành kẻ thù. Khi chia tay, người yêu lại trở thành người xa lạ”.

Đồ đệ: “Thưa thầy, cớ sao chuyện ái tình cứ luôn hợp rồi lại tan như vậy?”

Hòa thượng: “Ái tình nảy sinh từ ham muốn được yêu. Có ham muốn tất sẽ có cố chấp. Bởi cố chấp nên sinh lòng chiếm hữu. Nhưng vì không chiếm hữu được mới sinh ra nghi ngờ, đố kỵ.

Một khi lòng sân si đã lấp đầy trí óc, con người ta sẽ chẳng thể minh mẫn. Những tranh chấp, cãi vã xuất hiện ngày một nhiều khiến họ mất niềm tin, làm tổn thương lẫn nhau, thậm chí muốn phá hủy đối phương, đáng sợ hơn cả là đòi “mạng đổi mạng”.

Đồ đệ: “Thưa thầy, vì sao những người yêu nhau không thể quý trọng lẫn nhau? Nếu đã không thể ở bên nhau vĩnh viễn, thà rằng ‘sớm tụ sớm tan’, hà cớ chi còn phải giày vò đối phương tới thế?”

Hòa thượng: “Trên cõi đời này, người vô lý thì nhiều, người có lý thì ít. Người ích kỷ thì nhiều, người vô tư thì ít. Người ngang ngược thì nhiều, người cảm thông thì ít. Người chủ quan thì nhiều. Người khách quan thì ít.

Đức Phật từng truyền dạy: Sống ở đời, liệu có mấy ai có thể thực lòng nghĩ thay cho chúng ta? Trừ phi đó là người hiểu chuyện, mới có thể thực sự tha thứ cho lỗi lầm của ta, có thể chân chính dốc lòng vì lợi ích của ta.”

Đồ đệ: “Thì ra là như vậy, cho nên sư phụ mới xuất gia”.

Hòa thượng: “Sự biến chuyển của ái tình cũng giống như vòng luân chuyển của bốn mùa. Lúc bắt đầu thì giống như mùa xuân, hết thảy mọi việc đều tốt đẹp. 

Tiếp theo là tới mùa hè, thường thường tranh chấp không ngừng. Sau đó chính là mùa thu, dần dần trở nên lãnh đạm. Cuối cùng kết thúc bằng mùa đông, chấm dứt đoạn tình cảm ấy.

Nhưng tình yêu vẫn sẽ tiếp tục bằng cách tìm một điểm bắt đầu mới để duy trì vòng tuần hoàn cũ. Bởi khi mùa đông qua đi, mùa xuân sẽ lại tới. Ấy chính là khát vọng tình yêu của chúng sanh”.

Đồ đệ: “Thưa thầy, thầy nói như vậy nghĩa là không khích lệ chúng sinh yêu đương sao?”

Hòa thượng: “Chuyện ái tình không thể nói “tốt”, cũng không thể nói “không tốt”. Nhưng làm thế nào để có được điều “tốt nhất” là do bản thân mỗi người tự quyết định.

Đồ đệ: “Con nghĩ rằng, nếu không có tình yêu, sẽ không có kết hôn. Không kết hôn cũng sẽ không sinh con đẻ cái. Không có con trẻ thì không có loài người. Không có loài người, thế giới này chẳng phải sẽ trở nên hoang phế hay sao?”

Hòa thượng: “Con không cần lo lắng tới điều này. Khi chúng ta gặp được người yêu thực sự, mỗi người đều sẽ mang khao khát gắn kết. Giống như trước đây có người từng hỏi ta, nếu tất cả mọi người đều xuất gia tu hành, kinh tế đất nước sẽ đi về đâu?

Ta trả lời: “Giả thiết ấy không thể thành hiện thực. Vì bản thân ngài bây giờ cũng không muốn xuất gia, nên không cần lo tới điều đó, chỉ cần cố gắng sống sao cho thật tốt là được”.

Đồ đệ lại hỏi: “Thưa thầy, vậy người yêu là ai?”

Hòa thượng nói: “Là Bồ Tát, là chư Phật”.

Đồ đệ: “Vì sao thầy lại dạy như vậy?”

Hòa thượng: “Nếu ‘không trải qua một trận lạnh thấu xương, sao có thể ngửi thấy hương hoa mai tinh khiết?’ Những trắc trở về tình duyên sinh ra vốn để khảo nghiệm, lịch luyện chúng sinh, giúp con người biết từ trong nghịch cảnh đứng lên, từ trong thuận cảnh thức tỉnh, từ đó đạt tới cảnh giới tự tại”.

Sau cùng, đồ đệ vẫn hỏi: “Vậy thưa thầy, người yêu rốt cục là ai?”

Hòa thượng thong thả đáp: “Đó là người vừa chiếu cố con, cũng vừa hành hạ con”.

(shvn)

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status